Cuộc chiến trợ cấp Boeing, Airbus leo thang giữa Mỹ và châu Âu

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Bạn đọc 20/04/2019 05:55

Mỹ và EU đã chống lại nhau suốt gần 15 năm qua tại WTO xung quanh vấn đề trợ cấp cho Boeing và Airbus...

photo1555639300365-1555639300582-crop-155563937758
Ảnh minh họa

 Máy bay trực thăng, túi xách, và hạt dẻ sẽ là vài trong số những hàng hóa Mỹ có nguy cơ bị Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế nhằm trả đũa việc Mỹ trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Boeing.

Theo tin từ CNBC, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 17/4 dọa sẽ áp thuế quan lên số hàng hóa Mỹ có kim ngạch nhập khẩu 20 tỷ USD vào EU mỗi năm. Lời cảnh báo được đưa ra sau một phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng trước nói rằng Chính phủ Mỹ vẫn chưa chấm dứt việc hỗ trợ bất hợp pháp đối với Boeing.

Châu Âu không muốn "ăn miếng trả miếng"

Danh sách hàng hóa Mỹ dài 11 trang mà EU dọa áp thuế bao gồm các mặt hàng từ máy bay cho tới hóa chất và thực phẩm.

Trong một tình huống tương tự, Mỹ trước đó nói rằng nước này đang cân nhắc áp thuế lên khoảng 11 tỷ USD hàng hóa EU. Washington nói việc này là phù hợp với những thiệt hại kinh tế mà Mỹ phải chịu vì châu Âu trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus.

Tuy nhiên, cả hai bên đều để ngỏ khả năng đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp.

"Các công ty châu Âu phải được cạnh tranh bình đẳng và công bằng. Phán quyết gần đây của WTO về trợ cấp của Mỹ đối với Boeing là rất quan trọng trong vấn đề này. Chúng tôi phải tiếp tục bảo vệ một sân chơi bình đẳng cho ngành công nghiệp của mình", cao ủy phụ trách thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom, nói trong một tuyên bố.

"Nhưng tôi cũng xin nói rõ rằng, chúng tôi không muốn ‘ăn miếng trả miếng’. Dù chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp trả để phòng trường hợp không còn con đường nào khác, tôi vẫn tin rằng đối thoại nên được ưu tiên giữa các đối tác quan trọng của nhau như EU và Mỹ, bao gồm nhằm chấm dứt tranh chấp kéo dài này", bà Malmstrom nói.

Mỹ và EU đã chống lại nhau suốt gần 15 năm qua tại WTO xung quanh vấn đề trợ cấp cho Boeing và Airbus.

Sau khi cả hai bên đều giành chiến thắng một phần trong tranh chấp này, Washington và Brussels đã đề nghị một trọng tài WTO quyết định mức độ đáp trả mà họ có thể sử dụng với đối phương. Trọng tài WTO chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng vụ kiện của Mỹ đối với Airbus được cho là có lợi thế hơn và một phán quyết có thể được đưa ra trong một vài tháng tới.

"EU đã lợi dụng Mỹ về thương mại trong nhiều năm. Chuyện này sẽ sớm phải dừng lại", Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter vào tuần trước.

Ông Trump không thích lập trường của châu Âu

Đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU có thể sớm bắt đầu, với hai nội dung, gồm giảm thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp chứng minh sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của EU hoặc Mỹ.

Một số chuyên gia dự báo, đàm phán thương mại Mỹ-EU có thể kéo dài như cuộc đàm phán lại Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Mexico và Canada, nhưng sẽ không gây ra nhiều bấp bênh đối với kinh tế toàn cầu như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Năm ngoái, ông Trump đã khiến EU bị sốc bằng quyết định áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu, trong đó có hàng châu Âu. Brussels ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế lên loạt hàng hóa Mỹ từ quần jeans, bơ lạc cho tới xe mô tô phân khối lớn.

Ngoài ra, EU cũng kiện Mỹ lên WTO về thuế thép và nhôm. Để xuống thang căng thẳng, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker sau đó đã có chuyến thăm Washington. Tại đó, ông Juncker đã nhất trí với ông Trump về việc tiến tới dỡ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp trừ ô tô, châu Âu mua thêm khí hóa lỏng của Mỹ và tìm cách đưa các tiêu chuẩn của hai bên về gần nhau hơn.

Đầu tuần này, 28 nước EU cuối cùng đã thông qua một lập trường chung về đàm phán với Mỹ. Theo đó, EU muốn có một thỏa thuận "tập trung mạnh mẽ vào hàng hóa công nghiệp", nghĩa là không tính đến hàng hóa nông sản - một điều mà ông Trump không thích, bởi ông muốn xuất khẩu được nhiều hàng nông sản Mỹ hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận