Cuộc chiến chống kẹt xe ở Manila

Ý kiến phản biện 14/08/2016 10:05

Việc Philippines vay 2,4 tỉ USD từ Nhật Bản để xây dựng thêm một tuyến đường sắt mới ở cửa ngõ Manila cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết giải quyết tình trạng kẹt xe của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.

Cuộc chiến chống kẹt xe ở Manila
Các tàu cũ thuộc tuyến LRT-1 ở Manila đang dần được thay thế để phục vụ người dân tốt hơn - Ảnh: Cơ quan quản lý LRT

Kẹt xe là vấn đề nan giải của rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới, song đối với người dân thủ đô Manila của Philippines, đó là cơn ác mộng ám ảnh lâu nhất mà họ phải đối diện từng ngày.

Mỗi ngày mất 
64 triệu USD vì kẹt xe

Theo kết quả một nghiên cứu được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ năm 2012, tắc nghẽn giao thông ở vùng đô thị Manila và khu vực lân cận khiến Philippines mất khoảng 51 triệu USD/ngày và sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030 nếu tình hình không được cải thiện.

Thực tế, ba năm sau đó (năm 2015), tình hình đã trở nên tệ hơn trước. Số lượng phương tiện giao thông tăng chóng mặt, người dân đổ dồn về thủ đô khiến số vụ và số giờ kẹt xe tăng lên. Tình trạng xe buýt tư nhân và xe buýt mini hoạt động tùy tiện, thường xuyên vi phạm luật giao thông càng khiến tình hình giao thông thêm đáng quan ngại.

Người dân thủ đô Manila chỉ biết chấp nhận thực tế đó bởi họ không có sự lựa chọn nào khác. Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế xã hội kiêm tổng giám đốc Cơ quan Phát triển kinh tế quốc gia Philippines (NEDA) Arsenio Balisacan ước tính thiệt hại do kẹt xe giờ đây đã lên tới 64 triệu USD/ngày và đó chỉ là con số tối thiểu, tương đương 0,8% tổng sản phẩm quốc nội/năm.

Sự thờ ơ với cơ sở hạ tầng đường bộ trong nhiều thập kỷ và hệ thống đường sắt đã xuống cấp sau nhiều năm vận hành cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình thêm trầm trọng.

Bất chấp thực tế là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có hệ thống giao thông đường sắt đô thị, thủ đô của Philippines đang dần bị Thái Lan, Singapore và Malaysia bỏ lại phía sau trong cuộc đua này.

Hiện chỉ có ba tuyến đường sắt phục vụ nội ô vùng đô thị Manila là hai tuyến đường sắt trên cao (LRT-1, LRT-2) vận hành từ năm 1984 và một tuyến tàu điện nhanh (MRT-3) khai trương năm 1999.

Ngoài ra còn một tuyến đường sắt quốc gia nối quận Tondo đến rìa phía nam vùng đô thị Manila. Trong đó, hai tuyến LRT-1 và LRT-2 do chính phủ điều hành, có tiếng là ọp ẹp, cũ kỹ; còn chất lượng của MRT-3, vốn thuộc một tập đoàn tư nhân, được đánh giá là tốt hơn song luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải.

Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải và truyền thông Philippines cho thấy chỉ tính riêng trong năm 2014, trung bình mỗi tháng có gần 14 triệu lượt hành khách sử dụng MRT-3, tương đương hơn 466.000 lượt/ngày.

“Lão tướng” LRT-1 mỗi ngày cũng “gồng mình” gánh khoảng 470.000 lượt hành khách. Trong khi đó, Singapore dù xây dựng hệ thống đường sắt đô thị sau Philippines song đến nay đã phát triển được năm tuyến tàu điện ngầm, vươn tới gần như khắp các khu vực trên quốc đảo.

Malaysia thì đa dạng hơn, với ba loại hình đường sắt, kết nối các khu vực nội ô thủ đô Kuala Lumpur và các vùng kế cận.

Bộ trưởng Giao thông vận tải và truyền thông Philippines, ông Arthur Tugade thừa nhận: “Hình ảnh của Philippines đang bị tổn hại bởi tình trạng tắc nghẽn giao thông. Nếu đây không phải là một cuộc khủng hoảng, vậy đâu mới là khủng hoảng thật sự?”.

Quyết tâm giải quyết 
kẹt xe trong 2-3 năm

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngay trong giai đoạn tranh cử đã nêu bật cam kết giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Manila, xóa bỏ sự trì trệ trong hệ thống giao thông đường bộ ở nước này. Ông Duterte xem đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình và đang cố gắng chứng minh điều đó.

Nỗ lực thành công gần đây nhất là việc chính quyền của ông vừa hoàn tất đàm phán với Nhật Bản về khoản vay 2,4 tỉ USD dành cho việc xây mới 38km đường sắt.

Theo đó, tuyến đường sắt mới này sẽ nối vùng đô thị Manila và tỉnh Bulacan lân cận, vừa giải tỏa cửa ngõ phía đông thủ đô Manila - điểm nóng khét tiếng về tắc nghẽn giao thông, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Phía Nhật Bản cũng bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục tham gia một dự án đường sắt khác ở Philippines mà Trung Quốc đã đánh tiếng trước đó. Quyết định vay ưu đãi từ Nhật Bản là một lựa chọn có tính toán của chính quyền ông Duterte bởi người Nhật, với công nghệ hiện đại, là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xây dựng và vận hành đường sắt.

Các thành viên trong nội các mới cũng cho thấy sự quyết tâm. Bộ trưởng Công chính và xa lộ Philippines Mark Villar cho biết hiện nhiều tuyến đường tại vùng đô thị Manila đang được gấp rút nâng cấp, mở rộng và sửa chữa.

“Chúng ta sẽ giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng về giao thông chỉ trong hai hoặc ba năm tới” - ông Villar khẳng định và cho biết để tránh tình trạng kẹt xe trầm trọng thêm tại các khu vực trọng yếu, Bộ Công chính và xa lộ đang sử dụng một loại bêtông đặc biệt, khô nhanh trong vòng 24 giờ.

Trong một diễn biến khác, các thị trưởng của những thành phố trong vùng đô thị Manila ngày 12-8 cũng họp bàn và quyết định dời tất cả các bến xe buýt liên tỉnh ra vùng ngoại ô. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng chèo kéo, trả rước khách dọc đường của cánh tài xế xe buýt, từng bước cải thiện tình trạng kẹt xe trong thành phố.

Với những động thái quyết liệt gần đây, chính quyền của Tổng thống Duterte đang hi vọng có thể phần nào giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông ở thủ đô, cải thiện hình ảnh đất nước. Quan trọng hơn nữa là từng bước hiện thực hóa kế hoạch “Giấc mơ Đại Manila” tầm nhìn 2030.

Tham vọng “5 không”

Kế hoạch “Giấc mơ Đại Manila” hay còn được gọi với tên chính thức là “Lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải cho vùng đô thị Manila và các khu vực kế cận” được lãnh đạo Cơ quan Phát triển kinh tế quốc gia Philippines thông qua vào tháng 6-2014 sau một loạt khuyến nghị từ các nghiên cứu do JICA thực hiện.

Đây là một dự án dài hơi của Chính phủ Philippines với tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tắc nghẽn giao thông được xem là một trong ba vấn đề nổi cộm đang ngăn cản sự phát triển của vùng đô thị Manila.

Song song với việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ và đường sắt hiện có, chính phủ sẽ chi tiền để xây dựng thêm các tuyến đường sắt mới (MRT-7). Các đô thị vệ tinh sẽ được kết nối với vùng đô thị Manila thông qua hệ thống đường ray cao tốc.

Đây chỉ là một trong nhiều bước đi cụ thể của Philippines nhằm đạt được năm mục tiêu đầy tham vọng trong kế hoạch là: không ùn tắc giao thông; không có hộ gia đình sống trong điều kiện nguy hại; không có rào cản trong lưu chuyển tự do; không tạo ra gánh nặng chi phí cho người thu nhập thấp; và không có ô nhiễm không khí.

Ý kiến của bạn

Bình luận