Cùng đi và trải nghiệm với Danabus

Tác giả: Huỳnh Thị Nhi

saosaosaosaosao
Doanh nhân 27/12/2016 06:57

Dọc các tuyến đường trên địa bàn Đà Nẵng, hình ảnh những chuyến xe buýt mang tên Danabus không còn xa lạ với nhiều người dân địa phương. Tuy mới được đưa vào hoạt động ngày 10/ 12/ 2016 nhưng tuyến xe buýt mới này đã mang lại sự thú vị và hấp dẫn đối với người dân Đà Nẵng.

 

P1050800
Tuy mới được đưa vào hoạt động ngày 10/ 12/ 2016 nhưng tuyến xe buýt mới Danabus đã mang lại sự thú vị và hấp dẫn đối với người dân Đà Nẵng.

Không khó để tôi đến trạm xe buýt Xuân Diệu, một trong những nút giao thông trọng điểm, vì rất gần với trung tâm thành phố nên tạo được thuận lợi tối đa cho người dân đi lại. Đến chỗ nhà chờ dành cho hành khách tôi gặp được hình ảnh những cô chú đang bàn tán về đoạn đường mà các tuyến xe buýt sẽ đến, trong đó đa số là những người đi lần đầu.

Người dân hài lòng

Lúc đồng hồ điểm 16h30, tuyến xe 05 Nguyễn Tất Thành – Xuân Diệu bắt đầu di chuyển từ bãi xe mở cửa đón hành khách, trên xe có một bác tài chính và một nữ phụ xe. Cảm giác của tôi khi đặt chân lên xe là một không gian thoáng gồm 18 ghế, và 2 hàng tay cầm ngăn nắp, phía trong xe có hệ thống điều hòa cùng màn hình tivi phục vụ cho hành khách. Lúc ngồi vào ghế, mỗi người trên xe đều được đưa 1 vé lượt đi và 1 vé lượt về, mỗi vé 5000 đồng, kèm theo đó là câu nói đầy thân thiện: “Đây là vé miễn phí”. Chính sự thân thiện đó đã mang đến sự hài lòng cho hành khách, những người lần đầu trải nghiệm loại xe buýt này như tôi.

Bác Phạm Ngọc Tiếp ở Hòa Cường Bắc cho biết, vì tò mò tuyến xe buýt mới này hoạt động như thế nào nên đã quyết đến đây để trải nghiệm tuyến xe buýt này.  “Tôi thấy việc ra đời loại xe buýt này rất thuận tiện, đưa đón theo tuyến, bên cạnh đó giá vé rất rẻ phù hợp với những người có thu nhập thấp, chỉ cần 10000 cả lượt đi và lượt về mà lại rất an toàn. Việc đưa hệ thống xe buýt vào hoạt động là giải pháp nhằm giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn, nhất là tình trạng quá tải đối với các tuyến đường khu vực trung tâm, vì phương tiện xe cơ giới đang ngày càng tăng cao.”- Bác Tiếp tâm sự.

So với các tuyến xe buýt cũ, người dân phải trả một chi phí cao hơn, lại phải chiụ cảnh chen chúc vì quá tải, nhiều điểm còn bị tình trạng xe bỏ bến, dừng xe không đúng nơi quy định, chưa kể đến việc dễ bị móc túi, trộm cắp gây mất an toàn đối với hành khách, vì thế tuyến xe buýt này ra đời đã khắc phục được những nhược điểm trên. Đặc biệt, đây còn là tuyến xe buýt hỗ trợ cho người khuyết tật, với thiết kế tay vịn và chỗ ngồi thuận tiện, có lối riêng dành cho người khuyết tật, giúp họ có thể đi chuyển lên xuống dễ dàng, vừa thuận tiện vừa an toàn, đây cũng được xem là một ưu điểm mà các tuyến xe buýt cũ không thể đáp ứng được.

Dù mới được đưa vào hoạt động nhưng loại hình vận tải công cộng này nhận được khá nhiều sự hưởng ứng của người dân. Trên một trang facebook cộng đồng, nhiều ý kiến đồng tình về loại hình dịch vụ này cũng được chia sẻ rộng rãi. Theo Hạnh Đoan: “Dì mình hơn 50 tuổi, không biết đi xe máy, hôm qua có việc đã thử tuyến từ Hòa Minh về Thuận Phước. Dì khen nức nở luôn từ kiểu xe được thiết kế đẹp, hệ thống vận hành tốt đến cách thức phục vụ của nhân viên thân thiện và nhiệt tình. Nói chung là rất tuyệt vời”

Giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động

Sau một hồi làm quen, tôi được biết bác tài xế tên là Nguyễn Văn Ân, quê ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, trước đây bác từng lái xe tải nhưng do thu nhập không ổn định nên bác đã nộp đơn và được công ty nhận vào lái xe cho tuyến xe buýt mới này.

Bác Ân cho biết, hệ thống này gồm có 5 tuyến xe buýt có trợ giá với tổng cộng 61 đầu xe vào hoạt động: tuyến số 5: Nguyễn Tất Thành – Xuân Diệu, Tuyến số 7: Xuân Diệu – Phạm Hùng, tuyến số 8: Thọ Quang – Phạm Hùng, tuyến số 11: Xuân Diệu – Siêu thị Lotte Mart, tuyến số 12: Thọ Quang – Trường Sa.

Hiện tại tuyến xe buýt mới chỉ đưa vào hoạt động tuyến số 5, tuyến số 7 và tuyến số 11 tại các khu dân cư, trường học, bệnh viện để đáp ứng cho người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng, còn những tuyến còn lại sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian gần nhất để phục vụ cho người dân địa phương và du khách trong dịp tết nguyên đán sắp đến.

Theo lịch trình, các tuyến sẽ hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày, tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào giờ bình thường. Để khuyến khích người dân làm quen và sử dụng các tuyến xe buýt mới, UBND TP Đà Nẵng đã chủ trương miễn phí vé cho mọi hành khách trên các tuyến xe này trong thời gian 1 tháng. Sau thời gian miễn phí, giá vé được áp dụng 5.000 đồng/người/lượt, giá vé tháng cho hành khách thuộc diện ưu tiên là 45.000 đồng, diện không ưu tiên 90.000 đồng.

Tuyến xe buýt trợ giá ra đời không chỉ tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân Đà Nẵng mà nó còn mang lại công việc làm và thu nhập ổn định cho người tài xế. Bác Ân chia sẻ: “Nghề này được cái là mức lương ổn định, thu nhập bình quân hơn 3 triệu/1 tháng, tính thêm các phí ăn uống,…thì cũng được khoảng tầm 7 triệu đủ để lo sinh hoạt trong gia đình”.

Cũng theo Bác Ân, công việc này chỉ hoạt động 17 tiếng, mỗi ngày chia làm 2 ca, buổi sáng từ 5giờ– 13giờ, còn buổi tối từ 13giờ – 22giờ, vì làm theo ca nên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, đặc biệt nghề này không chịu nhiều áp lực nhiều như nghề lái xe thồ, lái taxi “làm bao nhiêu, ăn bấy nhiêu”, những lúc xe chờ 10 – 15 phút anh em cũng có thời gian để thư giãn, trò chuyện.

Việc ra đời tuyến xe buýt mới có trợ giá đầu tiên tại Đà Nẵng là tiền đề để ngành giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các tuyến xe buýt và các loại hình vận tải công cộng khác nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Mặc khác, để các tuyến xe buýt hoạt động hiệu quả thì ngành giao thông vận tải cần phải đào tạo đội ngũ nhân viên ngày càng chuyên nghiệp phục vụ hành khách, giới thiệu rộng rãi các tuyến xe buýt đến người dân thông qua các phương tiện truyền thông, góp phần xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh và hiện đại./.

Ý kiến của bạn

Bình luận