Cú hích lớn từ các công trình vốn ODA Nhật Bản

Thị trường 06/06/2017 06:15

Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản được Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác trong năm nay hứa hẹn sẽ tạo cú hích lớn cho nền kinh tế.

 

Cú hích lớn từ các công trình vốn ODA Nhật Bản
Đường vành đai 3 TP. Hà Nội là dự án sử dụng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)

Cú hích

Cho đến thời điểm này, mục tiêu thông xe Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phân đoạn sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vào cuối tháng 6/2017 vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

“Áp lực là rất lớn khi trên công địa qua Quảng Nam, vẫn còn một số điểm vướng mặt bằng, nhưng VEC và các nhà thầu sẽ quyết tâm thông xe đoạn tuyến đúng cam kết với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) để có thể sớm ‘chia lửa’ với Quốc lộ 1”, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC khẳng định.

Lãnh đạo VEC cho biết, trong quá trình triển khai, dòng vốn vay JICA luôn được cấp kịp thời, tạo điều kiện cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ Dự án. Tại phân đoạn này, JICA  cam kết hỗ trợ 673,6 triệu USD để thực hiện 8 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu hệ thống kiểm soát, điều hành giao thông thông minh trong tổng mức đầu tư toàn Dự án là 1,472 tỷ USD.

Là đoạn tuyến được dự báo có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, 65 km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sắp được thông xe được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đặt kỳ vọng sẽ là cú hích tăng trưởng cho địa phương được coi là “ngôi sao đang lên” tại các tỉnh miền Trung.

Giống như tuyến cao tốc qua miền Trung, Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện - công trình sử dụng vốn vay JICA này chắc chắn sẽ thông xe vào cuối quý III/2017. Là một trong 2 hợp phần quan trọng nhất của Dự án Xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng, công trình có tổng chiều dài 15,630 km, được triển khai thi công từ năm 2014.

Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện gồm một gói thầu xây lắp do Liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 thực hiện. Tính đến giữa tháng 5/2017, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải (tổng chiều dài 5,44 km); phần đường dẫn hai đầu cầu (10,19 km) đang triển khai thi công đến các lớp móng, mặt đường, dự kiến hoàn thành ngày 2/9/2017.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, việc cầu Tân Vũ hoàn thành sớm sẽ tạo động lực đáng kể cho Dự án Xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) - công trình được kỳ vọng là lối ra biển mới cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Được thiết kế để đón tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải lên tới 100.000 DWT, thông qua lượng hàng từ 12,1 đến 13,8 triệu tấn, Dự án Xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Trong đó, Hợp phần A - tôn tạo, xử lý nền đất yếu, kè bảo vệ, vũng quay tàu… có tổng mức đầu tư 18.624 tỷ đồng (vốn vay ODA Nhật Bản là 16.409 tỷ đồng). Hiện Gói thầu số 6 “Đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ bờ, tôn tạo bãi, xử lý nền đất yếu và hạ tầng điện nước” có một số hạng mục vượt tiến độ (đạt 92%).

“Ban Quản lý dự án hàng hải đang phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước để hoàn thành nghiệm thu hạng mục và công việc liên quan phục vụ bàn giao cho chủ đầu tư Hợp phần B (xây dựng các bến) triển khai các công việc tiếp theo”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Thêm những dự án mới

Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn vốn ODA Nhật Bản, Danh mục 20 dự án hạ tầng giao thông đã được Bộ GTVT đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018, với tổng mức đầu tư 270 tỷ yên. Theo đó, trong danh sách dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản trong 3 năm tới, có những công trình có quy mô rất lớn thuộc các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng biển, đường cao tốc, hàng không và đường sắt.

Cụ thể, ngoài các hiệp định vay bổ sung cho các dự án đang triển khai, trong danh mục này có 8 dự án mới có quy mô vốn lớn như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Phan Thiết.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), các dự án thuộc danh mục nói trên đều là những công trình cần được ưu tiên đầu tư do có sức lan tỏa, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn và phù hợp với tiêu chí cho vay của JICA.

Trong số các dự án hạ tầng dự kiến sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đáng chú ý nhất là Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 15,2 km, gồm 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2; 5 cầu trung và nhỏ; đường dẫn vào cầu. Trong đó, điểm nhấn chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24 km dạng cầu dây văng; vượt qua luồng Định An, đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu.

Hiện đơn vị lập dự án đầu tư đang kiến nghị sử dụng nguồn vốn vay ODA (STEP) của Chính phủ Nhật Bản cho Dự án, vì nguồn vốn vay STEP có điều kiện rất ưu đãi: lãi suất cố định là 0,1%/năm, thời hạn vay 40 năm, bao gồm 10 năm ân hạn. Chi phí tài chính của Dự án sẽ giảm đáng kể so với việc sử dụng các nguồn tài chính khác như BOT, hay vay ưu đãi không ràng buộc (lãi suất 1,4%/năm, thời hạn 25 năm).

Mặt khác, việc thực hiện các hợp đồng với liên doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam hoặc nhà thầu phụ khi thực hiện Dự án sẽ giúp chuyển giao công nghệ, bí quyết của Nhật Bản cho các nhà thầu Việt Nam, nâng cao tay nghề đội ngũ kỹ sư, công nhân trong nước.

Được biết, tổng giá trị đề nghị ký Hiệp định vay vốn ODA cho Dự án (không bao gồm vốn đối ứng) là hơn 7.314 tỷ đồng, tương đương hơn 36 tỷ yên. Nếu được thông qua, đây sẽ là công trình cầu dây văng vượt sông lớn thứ hai (sau cầu Cần Thơ) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tài trợ vốn ODA Nhật Bản.

“Việc xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ khai thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn khoảng cách xuống 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau về TP.HCM. Cùng với đó sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận