Công ước SAR79 và các thỏa thuận quốc tế tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực biển Đông

Tác giả: VISHIPEL

saosaosaosaosao
Bạn đọc 20/11/2017 06:36

Hoạt động tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển là hoạt động mang tính toàn cầu, một vụ việc có thể liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực. Các quốc gia ven biển không thể tự tiến hành hoạt động TKCN một cách đơn phương và tự do trên tất cả các vùng biển. Các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động TKCN trên biển đều yêu cầu các quốc gia ven biển cần lưu ý trong việc phối hợp, hợp tác với các quốc gia láng giềng trong việc thường trực thu nhận, xử lý thông tin cấp cứu trên biển, tổ chức và phối hợp điều hành hoạt động TKCN trên vùng biển quốc gia mình quản lý và vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia trong khu vực.

 

1_1142966
 

Biển Đông - vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam là vùng biển có hoạt động hàng hải cũng như kinh tế biển sôi động. Nơi đây cũng tiềm ẩn nhiều tai nạn, sự cố hàng hải gây nên những tổn thất về người và tài sản cho các phương tiện hoạt động tại khu vực.

Những năm qua, để phù hợp với đòi hỏi thực tế, Việt Nam đã tổ chức và duy trì hệ thống phối hợp TKCN trên biển với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một quốc gia ven biển trong hoạt động TKCN trên biển. Bên cạnh sự tham gia và trở thành thành viên chính thức của Công ước quốc tế về TKCN trên biển (Công ước SAR 79), Việt Nam cũng đã xúc tiến việc hợp tác quốc tế và các quốc gia trong khu vực bằng việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong công tác TKCN. Việt Nam cũng đồng thời tích cực thực hiện phối hợp thu nhận, xử lý thông tin cấp cứu trên biển, tổ chức và điều hành hoạt động tìm kiếm người, phương tiện bị nạn trên vùng biển thuộc quốc gia mình quản lý hay các vùng biển chồng lấn. Một số thỏa thuận hợp tác quốc tế về TKCN trên biển giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực biển Đông như sau:

- Việt Nam đã ký kết Hiệp định Hàng hải với 7 quốc gia trong khu vực biển Đông. Bên cạnh các điều khoản quy định các vấn đề liên quan đến hành hải, vận tải biển…, trong Hiệp định còn có những quy định cụ thể về việc hai bên ký Hiệp định phải dành sự quan tâm trong việc tổ chức hoạt động cứu giúp người, phương tiện, hàng hóa của phía bên kia gặp tai nạn, sự cố trong vùng biển hay vùng nước cảng biển.

- Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua Tuyên bố ASEAN về hợp tác TKCN người và tàu thuyền gặp nạn trên biển. Nội dung của Tuyên bố đã quy định nhiều điều khoản rõ ràng, cụ thể trong vấn đề hợp tác của các quốc gia, có thể nêu ra một vài điểm quan trọng như sau:

+ Các thành viên ASEAN chỉ định cơ quan có thẩm quyền làm Trung tâm Điều phối cứu nạn (RCC) để phối hợp với các cơ quan tương ứng khác trong ASEAN bảo đảm hỗ trợ kịp thời đối với người và tàu thuyền gặp nạn trên biển. Các RCC thành lập đường dây thông tin trực tiếp, chính thức nhằm chia sẻ thông tin cập nhật và hỗ trợ hoạt động TKCN;

+ Các thành viên ASEAN cung cấp, đầu tư các thiết bị TKCN thích hợp theo khả năng cho phép đối với các hoạt động trên biển theo yêu cầu của Trung tâm Điều phối cứu nạn (RCC);

+ Đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ thông tin giữa ASEAN, các nước đối thoại và các tổ chức hàng hải quốc tế có liên quan để tăng cường khả năng của ASEAN trong việc hỗ trợ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển;

Để tăng cường hợp tác trong các hoạt động trên biển Đông, trong đó có lĩnh vực TKCN trên biển, gần đây chúng ta đã ký kết Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Philippines về hợp tác trong lĩnh vực TKCN.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế về TKCN trên biển hiện nay cũng như các quy định trong Công ước SAR 79, Việt Nam cần tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động TKCN trên biển giữa các lực lượng, các địa phương với các quốc gia ven biển theo các hiệp định, điều ước, thỏa thuận đã ký; chú trọng việc đầu tư các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng đủ lớn, cũng như xem xét đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân viên trực tiếp và gián tiếp làm công tác TKCN đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm xử lý tình huống, trình độ ngoại ngữ và sức khỏe trong công tác TKCN 24/7

Ý kiến của bạn

Bình luận