'Công nhân phải dùng tay bốc đá để gia cố đường ray'

08/11/2017 04:52

Đây là điều kiện thực tiễn mà các công nhân ngành đường sắt đang phải vượt qua để sớm hoàn thành công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 12, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường sắt Bắc-Nam.

 

'Công nhân phải dùng tay bốc đá để gia cố đường ra
Tổn thất nặng nhất tại Km 1226+780 khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh, đường ray bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường, treo ray, không thể chạy tàu. Ảnh: VGP/Phan Trang

Báo cáo của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đường sắt Bắc-Nam qua các tỉnh miền Trung đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão số 12 và lũ lớn, khiến thời gian khắc phục kéo dài, dự kiến đến 9/11 mới có thể thông toàn tuyến.

Tổn thất nặng nhất tại Km 1226+780 khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh, đường ray bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường, treo ray, không thể chạy tàu.

Hiện, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung hàng trăm nhân lực, thiết bị, khẩn trương thi công 3 ca để khắc phục sự cố. Ít nhất 3 ngày nữa mới có thể trả đường để thông tuyến với tốc độ 5 km/giờ. Riêng các đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động bị hỏng, không hoạt động, dự kiến được khôi phục hoàn toàn ngày 8/11.

2 'Công nhân phải dùng tay bốc đá để gia cố đường
Địa hình hiểm trở khiến đội ngũ công nhân phải dùng tay để trực tiếp bốc xếp đá gia cố, không thể đưa máy móc vào Ảnh: VGP/Phan Trang

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, cơn bão số 12 và lũ lớn đã khiến 23 khu gian bị ảnh hưởng nặng nề. Tới 5/11, 22/23 khu gian đã được thông đường nhưng khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh do sạt lở trên Đèo Cả quá lớn."Sóng to còn trùm cả lên đường sắt, mép sạt lở chỉ cách đường ray 10-20 cm, nên khu vực này đang được Tổng Công ty tập trung mọi nguồn lực khắc phục", ông Vũ Anh Minh cho biết.

Cụ thể, đối với công trình xử lý sụt trượt Km 1226+780 (khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh) với Tư vấn TEDI South là đơn vị Tư vấn thiết kế cho công trình xử lý sụt trượt Km 1226+800. Về phương án xử lý, thống nhất làm tường chắn bê tông xếp rọ đá, giai đoạn 1 dùng khoan neo để xếp rồng đá, rọ đá nhằm thông xe 5 km/h.

"Chúng tôi phấn đấu đến 9/11 sẽ thông tàu, dự kiến tàu có thể chạy khoảng 5 km/h trên đoạn này nhưng chưa dám khẳng định có thông được tuyến này hay không. Bởi, đường tiếp cận để gia cố, sửa chữa chỉ có đường sắt, đường biển cách đến hơn 30m, cần đưa vào khoảng 4.000 m3 đá nhưng mỗi ngày chỉ đưa được khoảng 300 m3 đá. Toàn bộ nhân công phải dùng tay không chứ không đưa được máy móc vào bởi một bên vực, một bên núi, không máy móc nào tiếp cận được", ông Vũ Anh Minh chia sẻ.

Tổng Công ty đã đưa khoảng 120 người xuống khu vực này để khắc phục nhưng không thể đưa thêm người xuống được nữa bởi địa hình hiểm trở. "Đứng gần thì sụt đường mà đứng xa thì không thể đưa xe cẩu vào", lãnh đạo ngành đường sắt cho hay.

"Công nhân thi công hoàn toàn phải dùng tay bốc đá, di chuyển ở độ cao hơn 30 m so với mực nước biển trên địa hình dốc dựng đứng, đá ngổn ngang, công tác khắc phục, thông đường rất vất vả. Đây là điểm bị thiệt hại nặng nề nhất của ngành đường sắt sau cơn bão này", ông Minh nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Vũ Anh Minh cho biết, có 1.184 cột thông tin đường sắt bị đổ nghiêng, trong đó 890 cột bị gẫy, phải khôi phục lại. VNR dự kiến sẽ kết nối lại tín hiệu trong ngày hôm nay (7/11) nhưng để khôi phục lại 1.184 cột thông tin này cũng phải cần thời gian khoảng 2 tháng.

Về tổng thiệt hại, người đứng đầu Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành đường sắt đã chịu thiệt hại do thiên tai khoảng 100 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng cơn bão số 12 này là ngành đường sắt bị thiệt hại nặng nề nhất, dự kiến khoảng 60 tỷ đồng.

"Trước mắt, toàn bộ kinh phí các đơn vị tự ứng tiền ra để khắc phục ngay lập tức. Sau khi kết thúc, VNR sẽ tổng hợp và báo cáo lên Bộ GTVT để Bộ trình lên Chính phủ", ông Vũ Anh Minh cho hay.

Việc thi công công trình xử lý sụt trượt Km 1226+780 được giao cho Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa và Công ty CP Đường sắt Phú Khánh; đồng thời, yêu cầu hai Công ty khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu để thi công đảm bảo tiến độ trả đường khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh và thông xe tốc độ 5 km/h qua Km 1226+780 trước 12h00 ngày 9/11.

Chủ tịch Vũ Anh Minh yêu cầu Công ty CP Đường sắt Phú Khánh tiếp tục kiểm tra, bảo đảm tình trạng cầu đường, hành lang an toàn giao thông đường sắt, xử lý chướng ngại phát sinh để bảo đảm an toàn chạy tàu đối với các khu gian đã trả đường. Chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục phát cây, dọn tôn, xử lý các đường dây điện, chướng ngại... trong khu gian có nguy cơ gây mất an toàn khi tàu chạy.

Công ty CP Thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn chạy tàu (từ ngày 6/11) đối với các đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang có lắp cần chắn tự động (không hoạt động) cho đến khi thiết bị hoạt động trở lại. Tổ chức phòng vệ đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đối với các cột thông tin tín hiệu bị đổ ra phía đường bộ (thực hiện từ ngày 6/11 đến khi các cột thông tin tín hiệu được di dời); khắc phục các sự cố về thông tin tín hiệu, đảm bảo hệ thống thông tin tín hiệu hoạt động thông suốt trước ngày 8/11. 

Giao Công ty CP thông tin tín hiệu Sài Gòn, Đà Nẵng thực hiện khắc phục công trình khắc phục các cột thông tin tín hiệu hư hỏng; Công ty CP Đường sắt Thuận Hải thực hiện công tác khắc phục sự cố kết cấu hạ tầng Đường sắt từ Km 1307+100 đến Km 1307+150 (khu gian Lương Sơn-Nha Trang)...

Liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu và phục vụ hành khách, Chủ tịch Vũ Anh Minh yêu cầu các Công ty CP Vận tải: ĐS Sài Gòn, Hà Nội tổ chức tốt công tác chuyển tải, phục vụ hành khách; đồng thời, thông báo, thông tin đầy đủ cho hành khách về yêu cầu phải chuyển tải qua khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh trong thời gian chờ thông đường để hành khách biết và lựa chọn phương tiện phù hợp.

Ý kiến của bạn

Bình luận