Công nghệ quản lý, bảo trì đường bộ mới từ Nhật Bản

Tác giả: Nguyễn Hữu Sinh

saosaosaosaosao
Ứng dụng 30/08/2017 05:49

Quản lý và bảo trì đường bộ là vấn đề luôn được Bộ GTVT quan tâm, chú trọng. Nhằm không ngừng đổi mới và phát triển, thời gian qua Bộ GTVT đã ứng dụng công nghệ mới từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Nhật Bản nhằm nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì đường bộ.

cao boc tai che
Nhiều công nghệ bảo trì đường bộ mới được ứng dụng thời gian qua

Chú trọng cải thiện đầu tư

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, mang lại những đổi mới nhất định và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng miền và cả nước, trong đó phải kể đến các công trình lớn và hiện đại như các tuyến đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cũng gặp phải không ít thách thức như: Nhu cầu đầu tư lớn trong khi việc huy động nguồn lực khó khăn, đầu tư chưa cân đối giữa các lĩnh vực, chi phí xây dựng lớn, công nghệ mới chưa được áp dụng nhiều và hiệu quả, một số công trình chất lượng còn chưa cao…

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý và bảo trì công trình giao thông, Bộ GTVT đã thường xuyên đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình giao thông lên hàng đầu, trong đó ban hành nhiều quy định, hướng dẫn các đơn vị triển khai đồng loạt nhiều giải pháp tích cực. Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện các hoạt động “Năm chất lượng công trình” với các nội dung “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ”, trong đó mục tiêu chính là siết chặt quản lý chủ thể tham gia dự án. Qua đó, công tác quản lý chất lượng các công trình đường bộ ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định.

Theo ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Quản lý và Bảo trì đường bộ (Tổng cục ĐBVN), công tác kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các hư hỏng hoặc các dấu hiệu nguy hiểm để có giải pháp khắc phục, còn công tác sửa chữa đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục khả năng khai thác của cầu, đường, kéo dài tuổi thọ công trình. Đây là công việc chiếm chi phí lớn nhất với 70% chi phí bảo trì hằng năm vào hệ thống quốc lộ.

Việc kiểm tra trước đây chủ yếu do các cơ quan quản lý cầu, đường và các nhà thầu bảo trì thực hiện nên còn thiếu các thiết bị và chuyên gia tham gia kiểm tra, do đó dẫn tới hạn chế về chuyên môn, nhất là đối với các trường hợp hư hỏng cầu, đường phức tạp. Gần đây, được phép của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã có thay đổi trong công tác kiểm tra. Theo đó, Tổng cục đã mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia kiểm tra, đánh giá tình trạng các công trình như cầu Mỹ Thuận, cầu Quán Toan, cầu Tân Đệ, đánh giá sạt lở và khắc phục hậu quả TNGT.

Công nghệ mới từ Nhật Bản

Những năm qua, để đổi mới, cải thiện chất lượng quản lý, bảo trì đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cùng nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đã trao đổi kinh nghiệm, thông tin, công nghệ mới trong ngành GTVT. Gần đây nhất, Bộ GTVT phối hợp cùng Nhật Bản tổ chức Hội thảo liên quan đến công nghệ quản lý và bảo trì đường bộ.

Tại Hội thảo này, các chuyên gia, doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu nhiều công nghệ hiện đại góp phần giải quyết các vấn đề trong công tác quản lý cũng như bảo trì đường bộ.

Về công tác quản lý, ông Tatsuro Masu - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Xây dựng tiên tiến Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) đã xây dựng một hệ thống áp dụng các công nghệ mới trong các công trình công cũng như các công trình khác để áp dụng các công nghệ mới do doanh nghiệp tư nhân phát triển nhằm đạt kết quả cao nhất. Đó là hệ thống thông tin công nghệ mới NETIS (New thechnology information system). Hệ thống này do Trung tâm Công nghệ Xây dựng tiên tiến Nhật Bản gia công phần mềm và dịch vụ hệ thống.

Theo đó, NETIS sắp xếp chuỗi các hoạt động thành một hệ thống tuần hoàn cải tiến các hoạt động. Vòng tuần hoàn đó là thu thập, chia sẻ thông tin về các công nghệ mới; sử dụng nó vào các công trình công; thẩm định, đánh giá hiệu quả sau đó cải tiến và phát triển kỹ thuật.

Cho tới nay, hệ thống thông tin công nghệ mới này có khoảng 3.000 công nghệ đã được đăng ký với kết quả ứng dụng được khảo sát và đánh giá. Đồng thời, Nhật Bản cũng sử dụng NETIS kết nối với hệ thống đánh giá điểm trong đấu thầu. Các công nghệ mới trên NETIS được sử dụng trong 44,5% các công trình công do MLIT quản lý.

Về cách sử dụng, hệ thống thông tin công nghệ mới này khá đơn giản. Người sử dụng chỉ cần truy cập vào trang chủ của NETIS và tìm kiếm thông tin về công nghệ dễ dàng bằng các từ khóa. Hệ thống này có hình ảnh và video về từng công nghệ, tất cả mọi người đều có thể tìm kiếm thông tin miễn phí. Chính vì những tiện dụng của hệ thống, NETIS được nhiều người sử dụng. Kể từ khi thành lập (năm 2012), số lượt truy cập hệ thống thông tin này không ngừng tăng trưởng, năm 2016 đã có hơn 200.000 lượt truy cập.

Về công tác bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp Nhật Bản đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như công nghệ mới, hiệu quả cao như ứng dụng kết cấu thép trong cơ sở hạ tầng đường bộ, các phương pháp nhằm giảm thiểu các nguy cơ thảm họa phổ biến tại Nhật Bản, cáp dự ứng lực độ bền cao, phương pháp sửa chữa vết nứt trường hợp xâm nhập Cloride và bê tông cốt thép, phương pháp giám sát vết nứt cơ sở hạ tầng từ xa....

Tại Hội thảo, chuyên gia JICA đã giới thiệu về các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc đến công tác bảo trì ngay từ giai đoạn thiết kế, thi công để có thể thực hiện bảo trì một cách hiệu quả

Ý kiến của bạn

Bình luận