Công bố quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất

Tác giả: Minh Nghĩa

saosaosaosaosao
Xã hội 10/10/2015 04:39

Theo quy hoạch mới Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ có 82 chỗ đậu tàu bay thay vì 42 như hiện nay và sức chứa kịch là 25 triệu hành khách/năm

IMG_0882
Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật và Cục trưởng Cục HK Lại Xuân Thanh chủ trì công bố quy hoạch chi tiết CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất

Chiều 9/10 tại TPHCM, Bộ GTVT đã chính thức công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã công bố Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT ngày 07/09/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng “về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Có đến 15 căn cứ pháp lý để ra Quyết định quan trọng nói trên bao gồm Luật liên quan, Nghị Định, Quyết định, công văn liên quan, Ngoài ra Quyết định được thông qua trên cơ sở góp ý bằng văn bản của 6 Bộ là Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên & Môi trường; Bộ Quốc phòng; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND TPHCM. Hai cơ quan là Vietnamairlines và Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam cũng có văn bản góp ý cho Quyết định này.

ho so quy hoch
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thay mặt Bộ GTVT trao hồ sơ quy hoạch cho Cục HK, ACV, cảng vụ HKMN, Quản lý bay miền Nam

Theo đó Cảng HKQT Tân Sơn nhất vẫn là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, theo tiêu chuẩn của ICAO là cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, tiếp tục sử dụng 02 đường cất hạ cánh hiện hữu. Công suất là 25 triệu khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa, có 82 vị trí đỗ máy bay (54 chỗ đậu tàu dân dụng, 28 vị trí đỗ tàu bay lưỡng dụng), hiện tại Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng được 42 vị trí đậu tàu bay.

Về quy hoạch sử dụng đất sẽ tăng từ 590,48 ha hiện nay lên 598,11ha vào năm 2030, trong đó diện tích khu bay dùng chung do HKDD quản lý là 467,35ha, diện tích đất do HKDD quản lý là 104,33 ha, đất quân sự liên danh với HKDD là 18,80ha, đất mở rộng sân đỗ tàu bay, đường lăn dùng chung từ đất quốc phòng là 7,63ha.

Về quy hoạch giao thông, với đường trục ra vào cảng hàng không (CHK) là đường trục từ công viên Hoàng Văn Thụ vào CHK bằng đường Trường Sơn, đường 2 chiều, 06 làn xe, có phân cách giữa. Với đường trục Tân Sơn Nhất - Bình Lợi ra vào CHK bằng 2 tuyến riêng biệt, mỗi tuyến có 3 làn giao thông kết nối giữa nhà ga quốc tế và nhà ga nội địa có đường nội bộ, cầu cạn, quy hoạch thêm một cầu vượt Bạch Đằng – Trường Sơn. Riêng nhà để xe trước ga quốc nội và quốc tế được xây thành nhiều tầng, đấu nối trực tiếp với các đường trục.

Trả lời các nhà báo về việc đất sân golf trong khu vực có thể dùng để mở rộng được vị trí đậu hay không, Cục trưởng Cục HK Lại Xuân Thanh khẳng định là khó khả thi cả về suất đầu tư và nhiều vấn đề kỹ thuật khác, chưa kể vận hành cả nhà ga ở hai đầu Nam – Bắc sân bay gây tốn kém trong khi hiệu quả đưa lại không cao.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thay mặt Bộ GTVT nhận định, thực tế hiện nay Tân Sơn Nhất đã xấp nhỉ 25 Triệu khách/năm rồi, vậy phải tính đến 5 năm nữa thì tăng đến mức nào để có phương án cụ thể.  Với Long Thành thứ trưởng cho biết nếu thuận lợi thì nhanh nhất đầu 2018 mới có thể khởi công, với điều kiện phải tách GPMB ra khỏi đầu tư xây dựng thì thời gian hoàn thành nhanh nhất cũng phải 2023 mới đưa vào sử dụng giai đoạn I để chia sẻ với Tân Sơn Nhất.

Thứ trưởng yêu cầu ACV nhanh chóng làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM để sớm tiến hành bàn giao quyền sử dụng đất, từ đó có cơ pháp lý tiến hành các bước đầu tư xây dựng.

Ý kiến của bạn

Bình luận