Còn xa vời lắm ngành công nghiệp ô tô mới đạt được mục tiêu này!

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 23/09/2019 09:53

Để chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu, việc tạo ra những chiếc xe điện là chưa đủ - các nhà sản xuất còn đang phải thực hiện mục tiêu CO2 trung tính.

xedoisong_bmw_i3_xzva

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, lĩnh vực sản xuất toàn cầu bị đặt dưới một sức ép lớn hơn nhằm thực hiện mục tiêu CO2 trung tính. CO2 trung tính đang là một thuật ngữ khá hot trong những năm gần đây. Hiểu nôm na là lượng CO2 được thải ra phải bằng với lượng CO2 được loại bỏ. Điều đó có nghĩa là CO2 sẽ không thể tích tụ với một lượng lớn trong bầu khí quyển – một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. 

 Trong số các hoạt động thường ngày của nhân loại, giao thông vận tải và sản xuất là hai trong số những nguồn phát thải CO2 nhiều nhất. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô chính là một điểm đen của hoạt động sản xuất. Theo ước tính, trung bình mỗi chiếc xe được tạo ra sẽ đi kèm với khoảng 0,55 tấn CO2 – một con số khiến không ít người phải giật mình. 

Thế nên, không thể chỉ dựa vào những chiếc xe xanh không phát thải, các công ty trong lĩnh vực ô tô cũng phải xanh hóa khâu sản xuất của mình để hướng tới mục tiêu CO2 trung tính hoàn toàn. Thực chất, sản xuất ở đây không chỉ gói gọn trong các hoạt động của nhà máy mà còn cả mạng lưới cung ứng cũng như quá trình vận chuyển linh phụ kiện. 

 

xedoisong_bmw_plant_ptma

 Các tên tuổi trong lĩnh vực này đều nhận thức được vấn đề và đã có những nỗ lực để cắt giảm lượng CO2 trong quá trình sản xuất. Điển hình như tập đoàn BMW, bao gồm cả hai thương hiệu Mini và Rolls-Royce, đã giảm được tới 39% lượng khí thải CO2 cho mỗi chiếc xe ra lò trong vòng 5 năm qua, xuống còn 0,4 tấn. Dù vậy, BMW Group sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đưa con số này về 0. Trong khi đó, thành tích của Toyota hiện là 0,39 tấn/xe hay Nissan là 0,49 tấn/xe. VW thì cho thấy một kết quả rất u ám khi lượng CO2 thải ra trên mỗi chiếc xe thành phẩm vẫn rất cao, lên tới 0,79 tấn.

Tiến sỹ Jury Witschnig đến từ bộ phận bền vững sản phẩm của BMW Group cho rằng để đạt được CO2 trung tính, tập đoàn này đang cố gắng giúp đỡ các nhà cung ứng của mình. Phần lớn các đối tác cung ứng của BMW đã đồng ý tham gia vào một chương. Theo đó, chương trình này không chỉ mang đến những lợi ích về môi trường hay xã hội từ việc hạ thấp lượng khí thải CO2 mà còn góp phần giảm chi phí hoạt động. 

 

xedoisong_new_volvo_xc40_t5_plug_in_hybrid_2018_h2

 Chiến lược CO2 trung tính tỏ ra dễ thực hiện hơn đối với các khu nhà xưởng được xây mới. Trong năm nay, BMW đã khai trương một nhà máy tại Mexico. Điểm đặc biệt của nhà máy này nằm ở chỗ nó được tích hợp các tấm pin mặt trời ngay từ đầu chứ không phải phương án bổ sung sau khi đã hoàn thiện. Các tấm pin này sẽ trở thành một nhân tố chủ đạo trong mục tiêu cung cấp năng lượng nhưng không phát thải CO2 tại đây, dự kiến sẽ đạt được ngay trong năm sau. Không những vậy, những kinh nghiệm tại nhà máy này cũng đã được áp dụng ở các khu vực bỏ hoang của công ty.

Trong khi đó, Volvo thì đã có một nhà máy sản xuất đạt chuẩn CO2 trung tính và đang ấp ủ kế hoạch làm được điều tương tự trên toàn mạng lưới vào năm 2025. Các hoạt động giảm thiểu CO2 của BMW là một phần nằm trong sáng kiến môi trường. Được khởi xướng từ năm 2012, chương trình của BMW đang hướng đến việc giảm 49% mức sử dụng nước, năng lượng và dung môi cũng như lượng chất thải vào năm 2020 (so với năm 2006). Còn ở thời điểm hiện nay, 79% nguồn cung năng lượng của tập đoàn xe hơi nước Đức đều đến từ các nguồn tái tạo. 

 Mercedes-Benz thì đặt mục tiêu CO2 trung tính vào năm 2022 đối với các nhà máy và 2039 đối với những chiếc xe. Được biết, thương hiệu này đang tập trung đào tạo sinh thái cho lực lượng lao động của mình. Theo Mercedes-Benz, đây là một yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu mà họ đề ra. Còn nếu nhìn vào bản kế hoạch của Nissan, có thể thấy chiến lược CO2 trung tính không hề dễ dàng.

Một trong những bước đi đầu tiên của Nissan là giảm 80% (so với năm 2000) lượng phát thải CO2 từ các hoạt động của tập đoàn vào năm 2050. Trong năm ngoái, tập đoàn xe hơi của Nhật Bản đã thải ra tổng cộng 2,6 triệu tấn CO2, cao hơn 0,2 triệu tấn so với năm 2005 dù cho lượng CO2 trên mỗi chiếc xe được sản xuất đã giảm 33,7%. Thực ra, BMW cũng không khá hơn là bao khi mức sử dụng năng lượng của tập đoàn này đã tăng lên trong năm ngoái. Nguyên nhân được Witschnig đưa ra là vì trải qua một mùa hè nóng bất thường.

 Đối tác của Nissan là Renault lại đặt ra một mục tiêu khác. Đó là giảm 25% lượng CO2 trong suốt vòng đời của một chiếc xe ở giai đoạn 2010-2022. Nhà máy đầu não của tập đoàn này tại Ma-rốc cũng đang sử dụng năng lượng tái tạo từ công nghệ nhiệt sinh khối. Nguyên liệu đầu vào là gỗ và hạt olive. Tro phụ phẩm sau đó sẽ phục vụ mục đích nông nghiệp. Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều những sáng kiến đang được ngành công nghiệp ô tô thực hiện.

Nhưng kết quả chưa thấy đâu thì một thách thức mới đã xuất hiện. Đó là từ chính những khối pin được trang bị trên những mẫu xe không phát thải. Nếu nghe qua, EV hay các sản phẩm tương tự là những chiếc xe không thải ra CO2 trong quá trình vận hành. Nhưng CO2 vẫn được thải ra từ khi chúng được sản xuất, bao gồm cả khâu chế tạo pin. Và để một chiếc EV có thể xanh đúng nghĩa (nếu so với một chiếc xe thông thường), chúng cần phải chạy đủ quãng đường nhất định. 

 Ví dụ, một chiếc Volkswagen e-Golf cần phải di chuyển 124.000km thì lượng phát thải CO2 của nó mới thấp hơn một chiếc Golf sử dụng động cơ diesel. Còn nếu xét trên cả vòng đời (thu thập nguyên vật liệu, chuỗi cung ứng, sản xuất, sử dụng và tái chế), một chiếc BMW i3 với khối pin 42kWh cũng chỉ xanh hơn 15% so với người anh em 118d. Còn nếu dùng điện có nguồn gốc xanh trong giai đoạn sử dụng, ưu thế của i3 sẽ cải thiện đáng kể. Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là giảm lượng CO2 từ quá trình sản xuất pin.  

 Có thể thấy, một chiếc xe ra đời là tổng hòa của một chuỗi quá trình. Và cho đến khi tới tay người tiêu dùng, quá trình này sẽ được nối tiếp bằng một series khác, ví dụ như phân phối, vận chuyển và bán hàng. Sau đó mới đến giai đoạn chúng được khai thác bởi người tiêu dùng. Cứ mỗi khâu sẽ đồng nghĩa với một lượng CO2 phát thải được cộng gộp vào vòng đời của chiếc xe đó.

Thế nên, để tạo nên những chiếc xe xanh hoàn toàn trong cả vòng đời, các nhà sản xuất ô tô vẫn còn phải trải qua nhiều phen đau đầu, thậm chí là còn dữ đội hơn. Nói thế để thấy rằng bài toán về môi trường là rất khó, cần tới rất nhiều công sức, tiền bạc, những đột phá và cả thời gian để giải quyết. Người ta vẫn thường nói: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhưng trong trường hợp này, câu nói đó không hề đúng. 

Ý kiến của bạn

Bình luận