Coi trọng công nghệ , đường sắt đang đi đúng hướng

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Ứng dụng 28/05/2019 16:03

Thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 vào các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất kinh doanh đến đảm bảo ATGT, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Anh  1
 

 Công nghệ thông tin là “chìa khóa” kết nối

Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của kết nối. Bởi vậy, trong cuộc cách mạng này vai trò của viễn thông, công nghệ thông tin chiếm 70%. Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo ATGT đường sắt, thời gian qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, MobiFone hỗ trợ và phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong công tác cảnh báo ATGT tại các đường ngang; giải pháp phủ sóng trên các đoàn tàu, các nhà ga.

Trong lĩnh vực phát triển hệ thống thông tin tín hiệu, MobiFone và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng nhau phối hợp, nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trên kết cấu hạ tầng do Đường sắt Việt Nam quản lý để tăng cường, nâng cao chất lượng dịch vụ của cả hai bên.

Song song với đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp tích cực với nhà đầu tư Ucraina nghiên cứu, trình Bộ GTVT thực hiện thí điểm trên đoạn Nha Trang - Sài Gòn để chạy tàu liên tiếp trong khu gian. Thay cho các thiết bị cũ, hệ thống thông tin tín hiệu mới sẽ được ứng dụng công nghệ GPS để lắp đặt các trạm định vị giúp các tàu có thể chạy kế tiếp trong khu gian, tức là trong khu gian có thể xuất hiện 02 - 3 đoàn tàu thay vì chỉ có 01 đoàn tàu như hiện nay, như vậy sẽ nâng cao được năng lực thông qua và thời gian chạy tàu.

Trước đó, để hạn chế các sự cố, tai nạn, ngành Đường sắt đã đầu tư triển khai lắp đặt các thiết bị tự động, các phần mềm quản lý, theo dõi và tổng hợp số liệu…; các thiết bị hỗ trợ cảnh báo trên đầu máy, đặc biệt là lắp đặt camera theo dõi hành trình nhằm nâng cao an toàn chạy tàu.

Thiết bị theo dõi hành trình chạy tàu cho phép giám sát hoạt động nghiệp vụ của ban lái máy từ điều khiển tốc độ, kéo còi đến hô đáp giữa lái tàu và phụ lái để lưu ý khi sắp vào vị trí nguy hiểm như đường ngang, đường dân sinh… Thiết bị này đồng thời giám sát hoạt động của các thiết bị tín hiệu cũng như việc thực hiện quy trình quy phạm của nhân viên điều hành chạy tàu dọc đường, như: Trực ban ga, gác ghi, tuần đường, gác chắn... để có thể ngăn ngừa từ xa các vụ việc đáng tiếc.

Góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo TTATGT

Anh - dpt
Hệ thống camera giám sát tại một số đường ngang

Nhằm hạn chế tình trạng phương tiện vượt đường ngang trái phép làm hư hỏng hệ thống thiết bị cảnh báo, qua đó kéo giảm TNGT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai thí điểm lắp đặt camera giám sát tại các đường ngang có cảnh báo tự động. Với camera này, toàn bộ hoạt động tại đường ngang sẽ được ghi nhận. Trường hợp phương tiện giao thông gây hư hỏng thiết bị thông tin tín hiệu (như đâm hỏng cột đèn, cột thông tin, cần chắn...), đơn vị quản lý đường sắt sẽ lấy dữ liệu hình ảnh, biển số xe và thông báo cho Công an truy tìm đối tượng vi phạm. Đa phần các sự vụ này khi có dữ liệu qua camera đều được xử lý kịp thời, đối tượng vi phạm tự nguyện khắc phục thiệt hại do mình gây ra.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cuộc CMCN lần thứ 4 đã giúp ngành Đường sắt tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới để phục vụ hành khách. Việc đặt mua vé tàu hỏa, thực hiện thanh toán điện tử trực tuyến; quản lý vận tải hàng hóa giữa các đơn vị thông qua môi trường mạng; điều hành toàn mạng lưới chạy tàu thông qua môi trường mạng chung của toàn ngành... đều có thể thực hiện được từ xa.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa, Tổng công ty đang phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây dựng các kho bãi cảng cạn (ICD), từ đó ứng dụng công nghệ để lắp đặt các thiết bị xếp dỡ hiện đại, đảm bảo thời gian nhanh hơn, giá thành hạ hơn, góp phần mở rộng vùng hậu phương cho các khu ga.

Đặc biệt, Tổng công ty đang xây dựng phần mềm lõi quản trị hàng hóa, đảm bảo kiểm soát được tất cả các hàng hóa, toa xe, giúp khách hàng nắm được lịch trình, toa xe hàng hóa, từ đó chủ động trong hoạt động giao dịch. Ở cấp độ đơn vị thành viên, vừa qua Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã ký hợp đồng với MoMo - đơn vị sẽ phối hợp với đường sắt đẩy mạnh kênh bán vé thông qua ứng dụng ví điện tử.

Ngoài ra, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực cứu chữa, cứu hộ, Tổng công ty đã giao cho các phó tổng giám đốc, trưởng các nhánh, tiểu ban nghiên cứu các phương án đầu tư máy móc thiết bị ứng cứu trong những trường hợp như tàu trật bánh, xử lý sạt trượt…

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tập trung xây dựng hoàn thiện định mức đơn giá cũng như hệ thống quy chuẩn để xây dựng phần mềm quản trị, đảm bảo hàng ngày có thể kiểm soát được kết quả hoạt động từng tàu, từng tuyến; kiểm soát doanh thu, chi phí, có được thông tin nhanh nhất để đưa ra các quyết định, đồng thời tạo sự minh bạch hóa trong các hoạt động

Ý kiến của bạn

Bình luận