Cơ trưởng Sully - câu chuyện có thật về phép màu trên sông Hudson

Bạn đọc 04/10/2016 04:51

Đó là cơ trưởng Chesley B. "Sully" Sullenberger, người đã điều khiển máy bay hỏng cả hai động cơ khi đang chở 155 người hạ cánh thành công trên mặt sông Hudson.

1577118

Chiếc máy bay 1549 hạ cánh giữa sông Hudson.

Đó là cơ trưởng Chesley B. "Sully" Sullenberger, người đã điều khiển máy bay hỏng cả hai động cơ khi đang chở 155 người hạ cánh thành công trên mặt sông Hudson.

Cú hạ cánh mạo hiểm

Vào 15 giờ 24 (giờ địa phương) ngày 15/1/2009, chiếc máy bay chở khách Airbus 320 mang số hiệu 1549 của hãng hàng không US Airways từ đường bay số 4 cất cánh rời khỏi sân bay LaGuardia (thành phố New York). Máy bay lúc đó có 150 hành khách và 5 nhân viên phi hành đoàn, gồm cơ trưởng Sullenberger, cơ phó Jeff Skiles và 3 nữ tiếp viên hàng không.

Hai phút sau khi phát tín hiệu đầu tiên về cho trạm kiểm soát không lưu vào lúc 15 giờ 25, chiếc máy bay gặp sự cố khi va thẳng vào một đàn ngỗng trời bay ngược chiều ở độ cao 820m. Ngỗng trời đã chui vào hai động cơ hai bên của chiếc máy bay, khiến chúng phát nổ và dừng hoạt động ngay lập tức. Nhận diện tình hình nguy cấp, cơ trưởng Sully cùng cơ phó Skiles rà soát một lượt bản danh sách những điều cần làm khi gặp trường hợp khẩn để cố khởi động lại động cơ. Tuy nhiên, tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu khi chiếc máy bay chậm lại và mất dần độ cao. Hai phi công nhanh chóng thực hiện cuộc gọi cứu trợ cho trạm điều khiển không lưu Tracon qua radio: "Đâm phải đàn chim. Chúng tôi đã hỏng cả hai động cơ. Chúng tôi sẽ quay trở lại sân bay LaGuardia". Phản ứng trước lời kêu cứu của máy bay, nhân viên Patrick Harten nhanh chóng sắp xếp và thông báo lại cho máy bay 1549 có thể hạ cánh tại đường bay số 13.

Tuy nhiên, cơ trưởng Sully thay đổi quyết định khi cho rằng hiện trạng của chiếc máy bay không thể quay trở về và hạ cánh xuống LaGuardia. Ông tìm kiếm sự hỗ trợ khác, hỏi liệu rằng có thể đáp xuống sân bay Teterboro ở hạt Bergen (thuộc bang New Jersey) gần đó hay không. Đáp ứng yêu cầu tức tốc, nhân viên kiểm soát Patrick thông báo máy bay được cho phép đáp xuống đường bay số 1. Lại một lần nữa cơ trưởng Sully khẳng định cũng không thể hạ cánh xuống Teterboro. Lúc này ông phát thông báo: "Chúng tôi không thể làm được. Có lẽ chúng tôi sẽ đáp xuống mặt sông Hudson", ngầm ám chỉ máy bay của ông không có đủ độ cao để thực hiện bất kì màn hạ cánh xuống sân bay như chỉ định và ông quyết định địa điểm cuối cùng đón chiếc máy bay là giữa sông Hudson. Chỉ còn 90 giây trước khi xảy ra màn hạ cánh liều lĩnh, cơ trưởng mới thông báo cho hành khách "Chuẩn bị va chạm".

Sau khi đáp xuống mặt nước an toàn, Sully nhanh chóng rời khỏi buồng lái và ra lệnh sơ tán hành khách, buộc họ mặc áo phao cứu hộ và di chuyển ra 4 cửa thoát hiểm- nơi có phao cứu sinh được bung sẵn - và trèo sang hai cánh hai bên, khi nước bắt đầu tràn vào khoang trống. Nhiệt độ ngoài trời ghi nhận lúc đó là - 7 độ C. Cơ trưởng Sully là người cuối cùng rời khỏi cabin để chắc chắn rằng mình không bỏ sót bất kì một hành khách nào trên chiếc máy bay đang chuẩn bị chìm.

Theo nhiều chuyên gia hàng không, cơ trưởng Sully đã tính toán rất kỹ khi hạ cánh trên sông Hudson tại địa điểm gần khu vực hoạt động sầm uất của các công ty du lịch trên thuyền. Khi nhìn thấy chiếc máy bay lao xuống sông, tàu du lịch của công ty NY Waterway và Circle Line đã nhanh chóng đến hiện trường tai nạn chỉ sau 4 phút bụng máy bay đáp xuống mặt nước. Tiếp đến, trực thăng, tàu của sở cứu hộ New York cùng thợ lặn cũng được khẩn trương huy động đến nơi máy bay rơi, kịp thời cứu giúp các nạn nhân đang run bần bật vì giá lạnh. Toàn bộ 155 người trên máy bay may mắn sống sót.

Ranh giới giữa anh hùng và kẻ tội đồ

Với màn hạ máy bay thương mại thành công trên mặt nước đầu tiên trong lịch sử, cơ trưởng Sully được giới chuyên gia, cánh truyền thông và công chúng hết lời ca ngợi như một anh hùng, khi cứu sống được 155 mạng người. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian Hội đồng An toàn giao thông Mỹ (NTSB) và các cơ quan tình báo điều tra nguyên nhân gây ra vụ "rơi máy bay", cơ trưởng Sully đã bị nghi ngờ và đặt câu hỏi về quyết định liều lĩnh cũng như khả năng điều khiển máy bay.

Các chuyên gia đều khẳng định nếu như động cơ không hoạt động, việc trở lại sân bay là điều không thể. Tuy nhiên, trong trường hợp có một sân bay nhỏ ở ngay cạnh thay thế, cụ thể là sân bay Teterboro (New Jersey), thì quyết định hạ cánh xuống giữa sông Hudson là một việc làm ít ai dám mạo hiểm. Nếu như góc hạ cánh quá dốc, thì sẽ gây ra áp lực với mặt nước, có thể khiến cánh máy bay bị gãy và nhanh chóng cả chiếc phi cơ lao thẳng xuống dưới đáy sông.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, các nhân viên của NTSB đã thử nghiệm các cuộc mô phỏng với những thông số trong hiện trạng máy bay 1549 khi mất cả hai động cơ, nhằm kiểm tra liệu rằng nó có thể quay về sân bay Laguardia thành công hay không. Trong gần 24 chuyến bay mô phỏng tại trung tâm điều hành Tououse (Pháp) do các viên phi công dày dạn kinh nghiệm thực hiện, có đến hơn một nửa số chuyến bay trở về được LaGuarda và Teterboro mà không hề bị sứt mẻ.

Đối mặt với sự nghi ngờ bủa vây của cơ quan chức năng trong suốt 15 tháng, cơ trưởng Sully trong phiên điều trần cuối cùng đã giải thích: "Sự khác biệt giữa một cuộc mô phỏng và một tình huống khẩn cấp diễn ra đời thực là con người, là phi công. Không một ai biết trước mình sẽ ở trong sự cố như vậy. Cũng không một ai được huấn luyện để có thể thoát khỏi tình trạng nguy cấp như những gì tôi trải qua. Tất cả những viên phi công thực hiện chuyến bay mô phỏng đáp xuống đường bay thành công đều quyết định ngay lập tức trở về sau khi phát hiện động cơ bị hỏng. Họ không dành thời gian cho việc trì hoãn, suy nghĩ, đánh giá phân tích sự việc". Nói một cách khác, những cuộc thử nghiệm mô phỏng đó hoàn toàn thất bại khi dựng ra kịch bản không hề giống với thực tế. Cuối cùng NSTB kết luận cơ trưởng Sully đã có quyết định đúng đắn trong khoảnh khắc nguy hiểm đó và xứng đáng là một vị anh hùng.

Cơ trưởng Sully (57 tuổi) từng là phi công lái máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ. Tính đến thời điểm xảy ra sự cố, ông đã bay 19.663 giờ, trong đó có 4.765 giờ bay trên chiếc Airbus A320. Ông cũng là một chuyên gia an ninh hàng không và một phi công tàu bay lượn.

Ý kiến của bạn

Bình luận