Cơ hội việc làm cho người lao động

Tác giả: theo congthuong.vn

saosaosaosaosao
09/12/2018 16:19

Các hiệp định thương mại sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động trong thời gian tới.

co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong
Có nhiều cơ hội cho lao động ngành dệt may

Nhiều cơ hội

Tại Hội thảo “Hội nhập quốc tế: Nguồn nhân lực trong tương lai - Trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công” diễn ra mới đây, ông Simon Matthews - Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông - cho hay, Việt Nam có lực lượng người lao động trẻ, dồi dào, năng động với 57 triệu người. Đặc biệt thời gian tới, khi các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới như CPTPP, EVFTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo ra hàng chục triệu việc làm cho nền kinh tế; dự báo có thể mang lại 352.000 – 456.000 việc làm.

Cụ thể, đối với CPTPP, số việc làm được tạo ra mỗi năm theo tính toán từ năm 2020 trở đi là 17.000 - 27.000 việc làm. Đối với EVFTA, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.0000 việc làm/năm. Hay việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng có thể giúp Việt Nam tạo thêm từ 13.700 - 15.000 việc làm/năm. Như vậy, các hiệp định này sẽ tạo ra nguồn việc làm đáng kể, tới khoảng 50.000 - 60.000 việc làm mỗi năm mới cho Việt Nam, chưa kể các hiệp định song phương khác.

Với CPTTP, nguồn việc làm trong lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm và đồ gỗ, còn với EVFTA, nguồn việc sẽ cần nhiều là đồ gỗ, dệt may, da giày…

Những năm đầu, lao động thuộc ngành da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… sẽ duy trì được việc làm và có cơ hội thu nhập cao hơn. Sau đó, cơ hội việc làm sẽ chuyển dịch sang nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; thu nhập sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các loại hình doanh nghiệp và nhóm lao động…

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cơ hội mà các hiệp định thương mại mang lại là rất rõ ràng, tuy nhiên, vẫn có không ít những thách thức, đó là tính cạnh tranh trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm.

Theo Báo cáo thị trường quý II/2018 của ManpowerGroup, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao và 5% lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh. Trước đó, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trình độ quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, có đến 55% doanh nghiệp khẳng định, khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu. Còn theo số liệu điều tra của Viện Khoa học Lao động Xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kỹ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố hạt nhân để thúc đẩy tăng trưởng với chất lượng cao hơn, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển cao hơn trong thời gian tới. Mọi cải cách đều phải bắt nguồn từ hệ thống đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để bắt kịp cơ hội từ các hiệp định thương mại mang lại và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như hiện nay, TS. Vũ Kim Dung - Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đề nghị, doanh nghiệp tăng cường tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động.

Thông qua phối hợp với các trường nghề, trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, ManpowerGroup đã thực hiện các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên năm thứ 1 và 2, Chương trình hướng nghiệp cho sinh viên năm thứ 3 và 4, tạo điều kiện thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp.

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội :Phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước; đồng thời củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận