Cơ hội và thách thức của quản lý vận tải trong giai đoạn đầu hội nhập WTO

Bạn đọc 08/05/2013 09:41

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nên kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của Việt Nam đã có thay đổi đáng kể, phục vụ tích cực việc phát triển vận tải hành khách, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và nền kinh tế quốc gia, góp phần phát triển kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, vận tải ở nước ta đã được đáp ứng về mặt số lượng nhưng chất lượng còn chưa cao, còn bị tác động mạnh của các quy luật cung cầu, quy luật giá trị và của các thị trường vận tải, phương tiện, sức lao động, bị chi phối của khối vận tải tư nhân (vốn nhỏ bé, manh mún) và cần phải được quản lý chặt chẽ hơn. Vận tải là bộ phận quan trọng của nhóm ngành thứ 3 – khối dịch vụ (nay đã được mở rộng hơn, ngoài bưu điện, thương nghiệp bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm, đã có thêm nghiên cứu khoa học, thông tin, tư vấn thiết kế, văn nghệ, thể thao, y tế, giáo dục…), bên cạnh việc phục vụ phát triển đất nước, phát triển kinh tế-xã hội các vùng


I. Những vấn đề cơ bản của quản lý vận tải và các giải pháp chủ yếu
1.    Hiện trạng quản lý vận tải
a)    Những việc đã làm đượ:
Quản lý Nhà nước về vận tải được chú trọng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển vận tải được xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành, các chuyên ngành, địa phương.
Vận tải đã đáp ứng được yêu cầu đi lại, yêu cầu vận tải của nhân dân và của nền kinh tế về mặt số lượng; mạng lưới vận tải hàng hóa, hành khách đã hình thành. Vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn đã khởi sắc, chủ yếu bằng xe buýt. Chất lượng phương tiện vận tải đã được nâng lên do tuổi của đội tàu, xe, tàu bay được trẻ hóa, chủng loại phương tiện phong phú, đa dạng; đã hình thành được cơ cấu phương tiện vận tải; quy định về kiểm định phương tiện đã được ban hành, bổ sung, tổ chức thực hiện tốt nên chất lượng vận tải đã được cải thiện.
Người điều khiển phương tiện được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, lái tàu, bằng chứng chỉ chuyên môn nên chất lượng đã có tiến bộ; nhiều trung tâm sát hạch hiện đại được đưa vào hoạt động; quản lý chất lượng người điều khiển phương tiện được quan tâm hơn.
Nguồn nhân lực quản lý nhà nước về vận tải được chú trọng: tại Bộ GTVT và các Cục, Tổng cục, Sở GTVT đã có bộ phận chuyên trách về quản lý vận tải với số lượng cán bộ có chuyên môn được đào tạo cơ bản. Các biện pháp kiểm tra, kiểm soát được tăng cường, nâng cao mức xử phạt để đưa hoạt động vận tải vào nề nếp.
b)    Những việc làm chưa được
Chất lượng vận tải, dịch vụ vận tải còn chưa cao; cước, phí còn chưa hợp lý; trật tự vận tải, nhất là vận tải đô thị còn có vấn đề; còn hiện tượng chở quá số người, chở quá trọng tải phương tiện, còn một số phương tiện quá cũ vẫn hoạt động (trong phạm vi hẹp); có lúc còn tồn động hàng tại cảng biển (cả hàng vô chủ).
Phát triển nguồn nhân lực quản lý về vận tải đã được quan tâm nhưng vẫn còn yếu, nhất là đội ngũ cán bộ tại các địa phương.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vận tải chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa trở thành tính tự giác; cưỡng chế thực hiện theo các nghị định của Chính phủ đã có hiệu quả nhưng có nơi, có lúc còn thực hiện chưa nghiêm.
Chưa giải toả được dứt điểm việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt ảnh hưởng đến trật tự an toàn vận tải. Việc hiện đại hoá đường ngang (đường sắt) đang được tiến hành nhưng còn chậm.
2.    Cơ hội, thách thức của quản lý vận tải
Chúng ta sẽ phân tích, đánh giá việc quản lý vận tải hành khách, hàng hóa thông qua các cơ hội, thách thức chủ yếu.
a) Cơ hội
Quản lý nhà nước về vận tải đã được tăng cường thông qua việc soạn thảo, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật: đã có đầy đủ 5 luật chuyên ngành; các nghị định, thông tư hướng dẫn và đã tổ chức thực hiện trong toàn ngành, các chuyên ngành. Trong quá trình soạn thảo, đã lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân để chỉnh lý, bổ sung. Các chiến lược phát triển GTVT toàn ngành, quy hoạch các chuyên ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… đã được xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đã soạn thảo, đàm phán, ký kết các hiệp định vận tải đa phương, song phương với các nước (trong khu vực, có biên giới và các nước khác) về vận tải liên quốc gia, vận tải đa phương thức, vận tải quá cảnh hoặc vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải.
Đã gia nhập WTO nên kinh tế đối ngoại phát triển, khối lượng hành khách, hàng hoá xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, quá cảnh tăng cao, tạo điều kiện cho phát triển vận tải; có thể trao đổi, chia sẻ thông tin với các nước trên thế giới; bài học thành công, thất bại của các nước về phát triển vận tải là kinh nghiệm quý giá đối với Việt Nam. Đã cơ bản hội nhập về kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển vận tải ở cả hai phương diện phần cứng (cơ sở hạ tầng) và phần mềm (chính sách, cơ chế): cam kết tiêu chuẩn kỹ thuật các tuyến đường liên Á, chỉ định các tuyến GMS, ASEAN với hệ thống báo hiệu song ngữ (bằng tiếng Việt và tiếng Anh); đã cải tiến thủ tục qua lại biên giới. Vận tải hành khách, hàng hóa công cộng có điều kiện được cải thiện nhờ kêu gọi vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau, đa dạng hóa các hình thức đầu tư như FDI, công tư kết hợp (PPP)…
Chính sách, cơ chế phát triển vận tải liên tỉnh, nội tỉnh, đô thị đã được quan tâm xây dựng, tổ chức thực hiện, tổng kết đánh giá và hoàn thiện theo định kỳ hoặc thường xuyên. Quyền tự do kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân được bảo đảm nên trong hoạt động vận tải đã phát huy các lợi thế, phạm vi hoạt động hiệu quả của từng phương thức, từng loại phương tiện vận tải, vị trí địa lý và lợi thế của doanh nghiệp, cá nhân làm vận tải.   
Đã xã hội hóa khá sâu rộng hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đã có tư nhân tham gia vận tải hàng hải, hàng không, liên kết trong đường sắt. Vận tải công cộng tại các thành phố lớn đã khởi sắc, nhất là vận tải đô thị. Các bến tàu, bến xe, bãi kho hàng đã được đầu tư xây dựng phục vụ vận tải.
An ninh, an toàn được bảo đảm, kể cả trên phương tiện và trên các tuyến đường vận tải nên hành khách, người gửi hàng yên tâm, nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến; việc tiếp cận dễ dàng, giá cả vận tải tương đối hợp lý, tiện lợi và thời gian vận chuyển, thời gian đưa hàng được rút ngắn hơn trước nhiều. Tỷ trọng vận tải hàng xuất nhập khẩu của đội tàu biển trong nước đã được tăng lên nhiều, nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của đội tàu treo cờ Việt Nam.  
Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tạo thuận lợi cho phát triển vận tải nên việc đi lại của nhân dân, vận chuyển hàng được thuận lợi hơn, khoảng cách giữa các vùng miền được rút ngắn, có điều kiện cho việc nghiên cứu và phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
b) Thách thức    
Việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý vận tải chưa được sâu rộng, toàn diện, đồng bộ; phối hợp thực hiện chưa thật chặt chẽ, thường xuyên, nhất là giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan có chức năng nhiệm vụ quản lý tại cảng, đầu mối vận tải lớn. Quản lý nhà nước bằng pháp luật, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tuy đã qua một số năm theo cơ chế thị trường nhưng có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa được tăng cường: một số nội dung của văn bản đã ban hành còn chưa khả thi, một số doanh nghiệp, cá nhân hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ, muốn thoát ly quản lý, một số khác gây khó khăn, phiền hà hoặc có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động quản lý kinh doanh, khai thác vận tải.
Trong vận tải chưa có kết nối đa phương thức do chưa có các đầu mối vận tải, các trung tâm chuyển tải; các tuyến kết nối từ đường sắt quốc gia tới cảng biển, cảng hàng không hầu như chưa có; cơ sở hạ tầng trên tuyến vận tải (trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu, sửa chữa phương tiện, thương mại…) còn nghèo nàn, đơn điệu. Chưa triển khai áp dụng được nhiều ưu đãi trực tiếp, gián tiếp đối với các dự án vận tải tại các vùng đặc biệt khó khăn, khó khăn, đô thị lớn. Vận tải hành khách công cộng chưa có loại hình phương tiện khối lượng lớn như đường sắt, tàu cao tốc, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT) nên chưa giải quyết được các luồng hành khách lớn trên các hướng chính trong khi năng lực thông qua của đường, nút giao thông, năng lực vận tải của xe khách, xe buýt có hạn.
Tai nạn giao thông hiện còn ở mức cao, nhất là trong vận tải đường bộ, tuy đã có giảm nhưng chưa bền vững; trật tự an toàn vận tải liên tỉnh đã được chú trọng nhưng chưa được phối hợp chặt chẽ với các loại dịch vụ khác như bến xe, trạm dừng nghỉ, dịch vụ thương mại…; ùn tắc giao thông trong và ngoài đô thị có dấu hiệu gia tăng; ô nhiễm môi trường do hoạt động vận tải, nhất là do xe ô tô con, xe mô tô, xe máy, đang ở mức khá nghiêm trọng tại các thành phố lớn.
Các doanh nghiệp vận tải lớn trong ngành như đường sắt, hàng không, hàng hải, bộ máy quản lý còn chồng chéo, cồng kềnh, hoạt động đa ngành nhưng chưa đạt chuẩn khu vực, hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp tư nhân hàng không ít tàu bay, chưa chiếm lĩnh được thị trường khu vực. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải nước ta còn thấp, tham gia thị trường vận tải quốc tế ở mức độ hạn hẹp, đặc biệt khi triển khai các hiệp định vận tải song và đa phương sẽ bộc lộ yếu kém về năng lực (vận tải, tài chính, chuyên môn, pháp luật, nhân lực).  
Trong tương lai, tác động của biến đổi khí hậu, phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ là vấn đề rất lớn, tác động đến vận tải nói chung, vận tải hành khách, hàng hóa nói riêng, tại các thành phố ven biển và TP. Hồ Chí Minh. Chỉ số giá, bao gồm giá nhiên liệu, vật tư, lãi suất, tỷ giá hối đoái có tác động nhất định đến hoạt động vận tải, trong khi đồng tiền Việt Nam còn một thời gian nữa mới có thể trở thành đồng tiền chuyển đổi được.
Văn hóa giao thông, ý thức chấp hành pháp luật của một số người tham gia giao thông, nhất là học sinh, thanh thiếu niên yếu kém gây phản cảm cho hành khách trong và ngoài nước khi đi trên phương tiện vận tải công cộng.
3.    Các giải pháp chủ yếu
a) Giải pháp hoàn thiện mạng lưới, luồng tuyến vận tải, bến bãi
Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch màng lưới vận tải gồm màng lưới tuyến vận tải hành khách, hàng hóa, trạm dừng nghỉ, điểm dừng đón trả khách, hàng, xếp dỡ, trước hết là màng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, đô thị và các bến khách, bãi đỗ xe ô tô, tàu thuyền. Tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa theo các cấp quốc tế, quốc gia, ngành, tương đương với các tiêu chuẩn EURO 2,3,4… và hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu phương tiện vận tải trong từng chuyên ngành vận tải.
Xây dựng định hướng phát triển các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, đô thị gồm các loại khối lượng lớn như tàu (thủy, hỏa) cao tốc, tốc độ cao; metro, tàu điện trên cao, mặt đất, monorail, buýt nhanh, buýt dẫn hướng và các loại khác như xe taxi, xích lô, thuyền, tàu, ca nô khách thường và du lịch. Khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch (điện, LPG, CNG, hai loại nhiên liệu thay đổi…).
Xã hội hóa mạnh hơn việc đầu tư vào phát triển phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa, xếp dỡ. Tiếp tục xây dựng các điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa, các trung tâm chuyển tải hàng hóa, cảng cạn (ICD), cảng khô, các trung tâm logistics sau cảng phục vụ vận tải đa phương thức; tổ chức nhiều tour du lịch đường bộ, đường thủy tới các đảo Việt Nam và các nước láng giềng.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý vận tải và tổ chức triển khai thực hiện theo hướng tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao quyền tự chủ, kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về kinh doanh, đầu tư, vận tải; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường quản lý doanh nghiệp, phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải, thông qua việc hoàn thiện, tổ chức thực hiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước, chiến lược, quy hoạch và ứng dụng phương pháp quản lý hiện đại, công nghệ vận tải tiên tiến.  
b) Giải pháp về chính sách, cơ chế
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các loại KCHTGT khối lượng lớn như đường sắt đô thị, BRT bên cạnh phát triển đường bộ cao tốc; nghiên cứu triển khai xây dựng bước đầu một vài đoạn tuyến của đường sắt cao tốc Bắc Nam và cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống vận tải đường sắt, bao gồm một số đoạn tốc độ cao, một số đoạn còn thiếu và kết nối với đường sắt xuyên Á (Singapore- Côn Minh), đường sắt châu Á thông qua chính sách ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích đầu tư, áp dụng các hình thức khác nhau của PPP, cải cách cơ chế, thủ tục cấp vốn, giải phóng mặt bằng.
Hoàn thiện chính sách, cơ chế phát triển vận tải gồm ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh dịch vụ vận tải của doanh nghiệp vận tải. Xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu xác định danh mục các dự án ưu tiên trong quản lý vận tải, dịch vụ vận tải.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp trong vận tải hành khách công cộng, bao gồm vận tải liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, đô thị như chính sách giá, thuế, phí, lệ phí. Hoàn thiện cơ chế quản lý dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, quản lý vận tải chuyên dùng, quản lý điều hành giao thông đô thị, quản lý đỗ xe, ứng dụng ITS, thu phí điện tử (ETC)…
Cải tiến quy trình thẩm định dự án, đề án, phân bổ nguồn lực vận tải. Xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá phân bổ nguồn lực; đánh giá dự án sau đầu tư, đánh giá rủi ro đối với các dự án vận tải, nhất là các dự án lớn, dự án kéo dài nhiều năm, qua nhiều tỉnh.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh doanh khai thác sử dụng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bao gồm tàu cao tốc, vận tải hành khách công cộng đô thị như metro, monorail…
Nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để giảm thiểu thiệt hại, nhất là đối với KCHTGT phục vụ vận tải tại các thành phố ven biển và TP. Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục kết hợp với cưỡng chế thi hành pháp luật về vận tải bằng xe ô tô, đường sắt, đường thủy, đường không; tổ chức các phong trào văn hóa trong vận tải. Tuyên truyền quảng bá cho nhân dân trong và ngoài nước với các hình thức phong phú, đa dạng.
II. Kết luận
    Quản lý vận tải hành khách, hàng hóa là công việc khó khăn, phức tạp, là công việc thường xuyên của ngành GTVT nên chúng ta cần tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chính sách cơ chế và tổ chức thực hiện quản lý hoạt động vận tải thông qua các đề án, dự án phát triển vận tải sao cho sát thực, có tính khả thi cao, bảo đảm chất lượng dịch vụ và ít rào cản nhất nhằm góp phần phát triển ngành GTVT và phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước- vấn đề đang được toàn thể xã hội quan tâm do tính xã hội hóa sâu rộng của nó. Hy vọng các cơ hội, thách thức, giải pháp đề xuất trên đây được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện, áp dụng vào thực tế.
Tài liệu tham khảo
[1]. The MOT of Vietnam- The JICA: The Comprehensive Study on the Sustainable Development of Transport System in Vietnam (VITRANSS 2), Final Report, Hanoi, 2010.
[2]. The World Bank in Vietnam: Transport Strategy- Transition, Reform, and Sustainable Management, Workshop Edition, 2006.
[3]. The Comprehenshive Urban Development Program in Hanoi Capital city (HAIDEP), Final Report, 2006; The Study on Urban Transport Master Plan and Feasibility Study in Hochiminh Metropolitan Area (HOUTRANS, Final Report, 2004.
[4]. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT: các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ về Nghiên cứu phát triển bền vững KCHTGT, vận tải các năm 2006-2009.
[5]. Các đề án do Bộ GTVT lập như: đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2010-2020, đường sắt đô thị của một số tuyến; các quyết định như: số 35/2009/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung chiến lược phát triển GTVT; số 1327/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030…

LÝ HUY TUẤN

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

 

Ý kiến của bạn

Bình luận