Cô giáo vượt 60 km mỗi ngày vào dạy học sinh dân tộc Chứt

11/02/2016 06:41

Dù được chuyển về công tác gần nhà, song nữ giáo viên 53 tuổi vẫn viết đơn tình nguyện vào bản Rào Tre để dạy cho tộc người nguyên sơ nhất VN.

Cô Nguyễn Thị Thanh Toàn (53 tuổi, giáo viên trường Tiểu học xã Hương Liên) có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc ngắn, nụ cười tươi. Cuộc đời làm giáo viên của cô là chuỗi ngày gắn bó với các trường tiểu học ở khắp địa bàn miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh).

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Hương Khê, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cô Toàn trở về công tác tại trường tiểu học trên địa bàn. Quãng thời gian này, được tiếp xúc với học sinh ở vùng sâu, đặc biệt là các em dân tộc Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên), cô Toàn cảm nhận rõ sự thiếu thốn, thiệt thòi của đám trẻ, mong muốn giúp các em thoát cảnh thất học.

hocsinh1
Ngoài những giờ học trên lớp, cô Toàn còn vào bản, hướng dẫn bà con người Chứt cải tạo nương vườn. Ảnh: Đức Hùng

Cô Toàn kể, vào năm 2001, trong thời gian công tác tại Trường Dân tộc nội trú Hương Khê, cô được phân công phụ trách nhóm học sinh dân tộc Chứt. "Cứ hai tuần một lần, tôi đón các em từ trường về nhà, cùng ăn, cùng ở với bà con nên thấu hiểu được những khó khăn mà họ trải qua", cô Toàn nói.

Hiện Bản Rào Tre có 38 hộ với 138 nhân khẩu thuộc tộc người Chứt. Từ khi phát hiện đến nay đã hơn 20 năm, tộc người này vẫn duy trì nếp sống nguyên sơ, chưa có ý thức tự giác lao động và tích lũy. Họ ít lao động sản xuất, bởi mọi thứ như gạo, phụ cấp đều được nhà nước hỗ trợ tối đa. Con cái họ khi lớn lên đều không được học hành tử tế, luôn phải đối mặt với nạn mù chữ.

Vào tháng 8/2015, khi Phòng Giáo dục huyện Hương Khê thông báo cần một giáo viên tăng cường vào Trường Tiểu học Hương Liên dạy cho các em dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, cô Toàn viết đơn tình nguyện gửi lên Chủ tịch huyện và Trưởng phòng Giáo dục. Dù trước đó cô đã được điều về Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê, rất gần nhà. 

"Các con ban đầu chưa hiểu thì phản đối, sợ mẹ không đủ sức khỏe. Tôi phải làm công tác tư tưởng, khuyên các con rằng sống trên đời phải biết chia sẻ, sau đó các cháu đồng ý để cho mẹ vào bản công tác", cô Toàn nói và chia sẻ may mắn là mọi việc đều được chồng ủng hộ.

hocsinh2
Cô Toàn tâm sự, gắn bó với học sinh dân tộc Chứt vì tình thương. Ảnh: Đức Hùng

Nữ giáo viên cho hay, từ ngày tình nguyện vào bản Rào Tre dạy học tới nay đã được 5 tháng. Ban đầu, Phòng Giáo dục nói rằng mỗi tháng chỉ cần vào bản dạy một tuần là được. Tuy nhiên cô cho rằng làm thế thì không thành công, đã giúp là phải cho trọn, nên tình nguyện mỗi ngày vượt hơn 60 km cả đi lẫn về để vào bản truyền kiến thức cho các em. Những ngày đầu nữ giáo viên còn ở lại, cùng ăn ở, sinh hoạt với bà con, cuối tuần mới về nhà.

Lớp học ở bản Rào Tre có 14 em, từ lớp 1 đến lớp 5. Học trò đa phần tiếp thu kém, do đó cô Toàn vừa dạy vừa bày vẽ, mục đích là để các em biết chữ. "Tôi từng dạy thế hệ bố mẹ, anh chị của các em. Lợi thế khác là hiểu được tiếng Chứt nên dễ đồng cảm và gần gũi các em hơn", nữ giáo viên nói và cho hay muốn qua việc dạy học sẽ đưa văn hóa đến để thay đổi nhận thức của tộc người này.

"Cách dạy của tôi là tổng hòa, linh hoạt đối với từng trường hợp, trong đó chủ yếu là dạy đọc và viết. Từ khi nhận lớp vào tháng 9 mới một em biết viết, tới nay 14 em đều đọc và viết cơ bản", cô Toàn kể và chia sẻ học sinh Chứt rất ngây thơ. Có em Hồ Viết Ngọc nghe lời cô ban đêm về học, nhưng sau đó học không vào thì tự lấy thước đánh vào đầu, tiếp đó đến lớp kể với cô "con đau quá con khóc, vì cứ học mãi mà không thuộc".

Được cô Toàn dạy dỗ cho con trai, anh Hồ Tiến Hóa (phụ huynh em Hồ Kiểng) nói: "Bản làng tôi lâu nay lạc hậu, mong sao các con tôi được cô dạy học văn hóa, thay đổi nhận thức để sau này đỡ khổ".

hocsinh3
Nữ giáo viên luôn đau đáu làm sao giúp tộc người Chứt thoát khỏi sự lạc hậu. Ảnh:Đức Hùng

Nói về những dự định, cô giáo 53 tuổi trầm ngâm tâm sự hiện còn hơn 2 năm nữa là nghỉ hưu, mong ước có sức khỏe để làm những điều tốt đẹp nhất cho học sinh dân tộc Chứt, giúp bản làng sớm thoát khỏi sự lạc hậu và tục hôn nhân cận huyết luôn đeo đẳng.

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê đánh giá cô giáo Toàn là người nhiệt huyết, kiến thức chuyên môn rất tốt. "Đã cao tuổi nhưng cô vẫn tình nguyện vào vùng sâu dạy học, điều đó thể hiện đức hy sinh tận tụy, luôn hết lòng vì con trẻ. Vừa qua Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen về sự nghiệp giáo dục cho cô Toàn", ông Hùng nói.

Tại bản Rào Tre, khi lập gia đình tộc người Chứt thường lấy những người trong họ hàng, từ đó tạo nên những cặp hôn nhân cận huyết thống. Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều phương án cứu rỗi tộc người này khỏi nguy cơ suy thoái như xây dựng sơ đồ hệ tộc cho bà con người Chứt, tổ chức dạy văn hóa, hỗ trợ về mặt tài chính nếu như có người Kinh kết hôn với người Chứt...

Ý kiến của bạn

Bình luận