Cơ chế thu hút xã hội hoá đầu tư và khai thác bến xe khách

Thị trường 22/07/2015 11:28

Trong những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới bến xe khách, đưa nhiều bến xe khang trang, hiện đại vào phục vụ.

toan-canh-ben
Toàn cảnh bến xe

Hiện trạng hoạt động của các bến xe ô tô khách

Trong những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới bến xe khách và đã đưa nhiều bến xe khang trang, hiện đại vào phục vụ hoạt động vận tải khách, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu đi lại của người dân. Tính đến tháng 6/2014, trên toàn quốc có 457 bến xe khách, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 7 bến xe, trong đó có 70% số bến xe từ loại 4 trở lên. Cụ thể, mô hình quản lý bến xe hiện nay gồm: Bến xe do các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý (bến xe xã hội hóa) và bến xe do các đơn vị sự nghiệp có thu tổ chức quản lý (Sở GTVT hoặc UBND tỉnh hoặc UBND huyện quản lý) hoặc Bến xe do Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Phòng Đô thị huyện hoặc Ban quản lý dự án huyện quản lý.

Đối với mô hình quản lý bến xe do các đơn vị kinh doanh khai thác quản lý theo Luật Doanh nghiệp (xã hội hóa bến xe), mô hình quản lý này đã đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với bến xe như: Đảm bảo phương tiện xuất bến đúng giờ theo phân công biểu đồ được phê duyệt, tránh được tình trạng cạnh tranh khách đi xe giữa các đơn vị kinh doanh vận tải trong bến, điều tiết phương tiện nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách, văn minh, lịch sự và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...; phù hợp với quy định của pháp luật; đơn vị chủ động tạo được nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp bến xe, hiệu quả hoạt động cao phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Đối với mô hình quản lý bến xe do đơn vị sự nghiệp có thu hoặc do Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Ban Quản lý Kinh tế hoặc Phòng Đô thị huyện quản lý, đây là mô hình quản lý tồn tại từ trước đây, chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Những bến xe này theo quy định không thuộc diện Nhà nước nắm cổ phần chi phối, cần phải nghiên cứu, phát triển theo hướng cổ phần hóa và kêu gọi các nhà đầu tư mua cổ phần để tăng cường xã hội hóa công tác khai thác bến xe.

Đánh giá công tác xã hội hóa bến xe ô tô khách trước Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ

Số lượng bến xe đã được xã hội hóa tính đến tháng 6/2014 là 213 bến xe (chiếm 46,6%). Các bến xe xã hội hóa có ưu điểm là điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành hoạt động của bến xe. Tuy nhiên, việc xã hội hóa chủ yếu thành công và hấp dẫn các nhà đầu tư khi thực hiện tại các bến xe trung tâm hoặc bến xe tại các đô thị lớn; các bến xe có quy mô nhỏ, nơi có nhu cầu đi lại của nhân dân thấp đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xã hội hóa, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bên cạnh những thành công ban đầu, công tác xã hội hóa bến xe ô tô khách vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong công tác thu hút đầu tư và khai thác. Hầu hết các bến xe khách xã hội hóa (được đầu tư bằng 100% vốn của tư nhân) thường gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các bến xe do Nhà nước đầu tư, quản lý do vốn đầu tư của các bến xe xã hội hóa lớn, bến xe mới đưa vào hoạt động nên cần thời gian để xây dựng thương hiệu, trong giai đoạn đầu chưa hấp dẫn được phương tiện và hành khách, vị trí nhiều bến xe không thuận lợi. Một số bến xe xã hội hóa hiện đang khai thác với công suất thấp hơn nhiều so với năng lực thiết kế, hoạt động của bến xe chưa hiệu quả do các khoản thuế phải nộp lớn trong khi nguồn thu còn hạn chế. Ngoài ra, công tác lập quy hoạch liên quan đến mạng lưới bến xe cũng gặp nhiều bất cập như: Một số tỉnh, thành phố chưa có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không phù hợp với thực tế; một số bến xe đầu tư theo đúng quy hoạch nhưng vị trí không ổn định, đang hoạt động khai thác hiệu quả thì bị di dời, thậm chí di dời nhiều lần; quy hoạch nhiều bến xe chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị nên chưa tạo thuận lợi cho các bến xe hoạt động.

Sự cần thiết về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe ô tô khách

Xuất phát từ những thực tế nêu trên, Bộ GTVT thấy rằng hiện nay còn thiếu cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác bến xe nên tỷ lệ xã hội hóa đầu tư, khai thác các bến xe còn thấp; vẫn còn trông chờ vào ngân sách Nhà nước để đầu tư và nâng cấp bến xe; nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm tổ chức các tuyến vận tải và phát triển các bến xe nên người dân khu vực này đi lại còn khó khăn.

Trong điều kiện hiện nay, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế; đặc biệt đối với các bến xe khách. Để phát triển được công tác xã hội hóa bến xe, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác bến xe, nhằm tạo thuận lợi cho sự đi lại của nhân dân cũng như xây dựng các đô thị văn minh, lịch sự, đảm bảo ATGT.

Do vậy, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 16212/TTr-BGTVT ngày 19 tháng 12 năm 2014, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách nhằm tăng cường thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác các bến xe ô tô khách, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo đáp ứng các mục tiêu phát triển vận tải đã được phê duyệt trong Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 4/3/2014.

Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ

Xét đề nghị của Bộ GTVT, ngày 16/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và khai thác bến xe khách được hưởng các chính sách về lãi suất vay, kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản bắt buộc, miễn tiền thuê đất, ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các cơ chế, chính sách này sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn, thu hút trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa đầu tư, khai thác bến xe, tháo gỡ khó khăn về xây dựng bến xe khách hiện nay trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện để thu hút nguồn lực của nhân dân xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, những ưu đãi trong Quyết định sẽ tạo thuận lợi cho các bến xe đã thực hiện xã hội hóa hoạt động hiệu quả, tháo gỡ khó khăn chung cho hoạt động của các bến xe.

Sau khi có hiệu lực từ ngày 01/6/2015, Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để phát triển mạng lưới bến xe hiện đại, văn minh, lịch sự, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Ý kiến của bạn

Bình luận