Chuyện về 6 người Trung Quốc duy nhất sống sót sau thảm họa Titanic

Tác giả: Theo helino

saosaosaosaosao
Xã hội 30/04/2018 09:41

Ít ai biết rằng, trên con tàu Titanic định mệnh ngày ấy từng có sự hiện diện của 8 người đàn ông Trung Quốc, và 6 trong số đó thậm chí còn sống sót trở về. Vậy mà câu chuyện về họ lại được phủ một lớp bụi qua năm tháng, trở nên vô danh và bị lãng quên.


 

Chuyện về 6 người Trung Quốc duy nhất sống sót sau
Tàu RMS Titanic

106 năm kể từ ngày con tàu được mệnh danh là "không thể chìm" RMS Titanic va phải tảng băng trôi và mãi mãi nằm lại đại dương sâu thẳm, Thế Giới vẫn không ngừng tìm kiếm và tôn vinh các câu chuyện xoay quanh những vị hành khách xấu số hay may mắn.

Thế nhưng ít ai biết rằng, trên con tàu định mệnh ngày ấy từng có sự hiện diện của 8 người đàn ông Trung Quốc, và 6 trong số đó thậm chí còn sống sót trở về. Vậy mà câu chuyện về họ lại được phủ một lớp bụi qua năm tháng, trở nên vô danh và bị lãng quên.

Một bộ phim tài liệu mang tên "The six" dự định sẽ ra mắt vào cuối năm nay, được cho là sẽ vén lên tấm màn bí mật về thân thế 6 người đàn ông này.

Arthur Jones, một nhà làm phim tài liệu người Anh đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm làm nên bộ phim này phát biểu: "Trong số 700 người sống sót sau thảm họa Titanic, có 6 người đàn ông Trung Quốc chưa bao giờ được kể câu chuyện của mình. Tại sao họ lại bị phớt lờ như vậy?"

"Họ là ai? Tại sao họ lại có mặt trên con tàu, chuyện gì đã xảy ra với họ sau thảm họa? Và tại sao họ lại lên được những con thuyền cứu hộ?", đây đều là những câu hỏi mà Arthur Jones muốn đi đến cùng để tìm câu trả lời.

2 Chuyện về 6 người Trung Quốc duy nhất sống sót s
Danh sách 8 người đàn ông Trung Quốc có mặt trên tàu Titanic

Theo những tài liệu ít ỏi còn sót lại, được biết danh tính 8 người đàn ông Trung Quốc có mặt trên tàu Titanic lần lượt là: Ah Lam, Fang Lang, Len Lam, Chung Foo, Chang Chip, Ling Hee, Lee Bing và Lee Ling. Trong số đó chỉ có 6 người sống sót, 2 người đã bỏ mạng là Len Lam và Lee Ling.

Jones, cùng với sự giúp đỡ của nhà sử gia đồng thời là đồng nghiệp Steven Schwankert đã đi tới rất nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Anh Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông để lần theo manh mối về 6 người đàn ông bí ẩn này. Trong quá trình tìm kiếm, có rất nhiều người đã cố liên lạc để cung cấp thông tin mà mình biết được, bởi vậy Jones đã lập nên trang web whoarethesix.com để cập nhật quá trình tìm tòi của bộ đôi.

8 người đàn ông Trung Quốc ngày ấy, được cho là đã từng làm việc trên các con tàu chở hàng từ Trung Quốc sang Châu Âu. Sau đó, họ đã cố gắng mua vé để lên còn tàu Titanic từ Southampton, Anh để di chuyển sang nước Mỹ với hy vọng được đổi đời và bắt đầu cuộc sống mới.

Khi thảm họa xảy ra, 4 trong số 8 người Trung Quốc đã may mắn leo lên được chiếc thuyền cứu hộ cuối cùng. 1 người khác sau đó cũng đã được một thuyền cứu hộ cứu sống. 

Fang Lang, người cuối cùng trong số 6 người Trung Quốc sống sót có một trường hợp đặc biệt hơn cả: Anh được tìm thấy trôi nổi trên một cánh cửa, nơi anh tự buộc mình vào để tránh bị rơi xuống biển khi ngất đi vì lạnh. Có một điều được Jones phát hiện ra, đó là cảnh người ta cứu Fang đã từng là một cảnh quay trong bộ phim Titanic năm 1997, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến phần hậu kỳ cuối cùng, khung hình này lại bị cắt bỏ.

3 Chuyện về 6 người Trung Quốc duy nhất sống sót s
Hình ảnh thời còn trẻ và khi về già của Fang Lang

Có một số tin đồn cho rằng, những người Trung Quốc này đã lên tàu bằng cách trốn vé, và việc họ có mặt trên những chiếc thuyền cứu hộ là do đã giả trang thành phụ nữ. Jones khẳng định đây hoàn toàn là các kết luận vô căn cứ bởi những người đàn ông này đều có tên đàng hoàng trong danh sách những hành khách mua vé. Việc họ giả trang thành phụ nữ cũng không hề có bằng chứng xác thực.

Sau khi sống sót, những hành khách khác đều được chào đón tại New York và được giới báo chí thi nhau lao vào phỏng vấn, đưa tin. Thế nhưng riêng những người đàn ông Trung Quốc này thì lại bị đưa đến đảo Ellis và ngay lập tức trục xuất khỏi nước Mỹ sau 24 giờ. Điều này được cho là do thời bấy giờ có đạo luật cấm người lao động Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Kể từ đó, sự tồn tại của họ dường như đã rơi vào quên lãng.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, Arthur Jones và đồng nghiệp đã may mắn tìm được đến với con trai một nạn nhân sống sót, chính là người đàn ông nằm trên cánh cửa năm xưa, ông Fang Lang. Khi được phỏng vấn, con trai ông Fang tỏ ra rất ngạc nhiên về câu chuyện của cha mình. Cả cuộc đời, ông Fang chưa từng hé răng nửa lời về sự kiện năm xưa.  

"Có lẽ do ngày ấy bị tống ra khỏi nước Mỹ một cách thô bạo đã khiến họ sản sinh tâm lý không muốn bị phát hiện, cũng như không muốn chia sẻ câu chuyện của mình", Jones phán đoán.

Ý kiến của bạn

Bình luận