Chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông trong điều kiện hiện nay của Việt Nam

06/12/2016 06:00

Bài báo chỉ ra việc chuyển nhượng quyền khai thác là một vấn đề không hoàn toàn mới mẻ và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.

ThS. Nguyễn Phương Vân

ThS. Lê Thanh Lan

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

TS. Nguyễn Cao Ý

PGS. TS. Đặng Thị Xuân Mai

TÓM TẮT: Bài báo chỉ ra việc chuyển nhượng quyền khai thác là một vấn đề không hoàn toàn mới mẻ và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.

TỪ KHÓA: Chuyển giao quyền khai thác.

Abstract: This paper points out the transfer of rights to exploit a problem not completely new and proposed some solutions to improve the efficiency of this work in the current conditions of Vietnam.

Keywords: Transfer of rights to exploit.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước cũng đã có nhiều thay đổi rõ rệt, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2011 - 2012 đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 123/142 quốc gia về chất lượng kết cấu hạ tầng tổng hợp, trong đó chất lượng hệ thống cảng biển đứng thứ 111/142; giao thông đường bộ đứng thứ 123/142 và hệ thống cung cấp điện đứng thứ 109/142.

Nhu cầu vốn phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam rất lớn và sẽ ngày càng tăng lên trong một thời gian nữa, sau đó mới bước sang giai đoạn hoàn thiện và giảm dần. Nếu như giai đoạn những năm 1990 và 2000, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam luôn chiếm khoảng 9 - 10% GDP, thì trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ phải nâng mức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lên khoảng 11 - 12% GDP. Đây là mức đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển khoảng 7 - 8%/năm của Việt Nam.

Từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần từ 16 - 17 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng đáp ứng theo cách truyền thống là từ ngân sách chỉ khoảng 50 - 60%. Thực tế thời gian qua cho thấy, phần đóng góp của ngân sách nhà nước và các ngân hàng thương mại trong tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là khá nhỏ và xu hướng này khó có thể thay đổi trong thời gian tới. Vì thế, việc huy động vốn bổ sung từ nguồn đầu tư tư nhân trong nước là hết sức quan trọng, mà nguồn lực này hiện khá lớn.

Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, Bộ GTVT đã có những bước đi đột phá để tìm lời giải cho bài toán thiếu vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là cho xây dựng đường cao tốc. Rất nhiều chủ trương, chính sách tích cực đã được ban hành nhằm hút vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Một trong các chủ trương được coi là bước ngoặt chưa từng có trong tiền lệ đó là: Cho phép chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông. Rất nhiều các công trình mà chủ đầu tư hoặc người sở hữu muốn “bán”, thu tiền về để đầu tư vào công trình khác như: Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Cảng Hàng không Phú Quốc… nhưng tính đến thời điểm này, mới chỉ có 2 công trình là  đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được một công ty trong nước mua quyền thu phí trong 5 năm và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được một nhà đầu tư Ấn Độ ký hợp đồng về mặt nguyên tắc sẽ mua 70% dự án. Tại sao lại như vậy? Chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật có phải là một vấn đề thực sự mới mẻ hay đã được đề cập đến trước đây nhưng cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta?

2. CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN KHAI THÁC LÀ MỘT VẤN ĐỀ KHÔNG MỚI

Hiện nay, vấn đề “bán” các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Sân bay, nhà ga, bến cảng, đường cao tốc… cho khu vực tư nhân trở nên rất sôi động, rất nóng và thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư cũng như của toàn xã hội. Nhưng thực sự, đây không phải là vấn đề mới lần đầu tiên xuất hiện. Trên thực tế, ngay từ những năm 1960, hình thức giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê các doanh nghiệp nhà nước đã được áp dụng nhưng chủ yếu trong ngành Thương mại (khoán đối với cửa hàng và kho bãi chứa hàng), trong ngành Vận tải đường bộ và đường thủy (khoán và cho thuê phương tiện vận tải) và trong các nông lâm trường (khoán vườn cây, gia súc đến các hộ gia đình). Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ yếu áp dụng khoán sản phẩm, khoán trong các tổ, đội, phân xưởng, cho thuê tài sản đơn chiếc. Tuy nhiên, phạm vi cho thuê và khoán chỉ giới hạn trong từng bộ phận và cho các chủ thể thuộc nội bộ doanh nghiệp nhà nước, hầu như chưa có hình thức thuê, khoán toàn bộ một doanh nghiệp nhà nước mà chỉ có hình thức bán và cho thuê riêng lẻ của doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành giải thể hoặc doanh nghiệp bị phá sản. Đến tháng 9/1999, Nghị định 103 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê các doanh nghiệp nhà nước ra đời. Đây được xem là văn bản quản lý nhà nước đầu tiên về chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác. Tiếp đó, năm 2005, Luật Thương mại được Quốc hội ban hành. Bộ luật này đã dành 1 mục với 8 điều quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại. Không lâu sau đó, tháng 3/2006, Chính phủ đã ban hành nghị định số 35/NĐ - CP, quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại. Đặc biệt, sau khi nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Hội nghị Trung ương 4 về hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật là hoàn toàn chín muồi. Kể từ khi hiến pháp 2013 có hiệu lực thì rất nhiều cơ sở pháp lý, luật cho việc thực hiện vấn đề này đã được Quốc hội triển khai và ban hành (Nghị định 15/2015 của Chính phủ, Luật Đấu thầu). Như vậy, có thể khẳng định rằng: Chuyển nhượng quyền khai thác là một vấn đề không mới, nhưng trong giai đoạn hiện nay thì nó cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

3. NHƯỢNG QUYỀN KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

3.1. Tầm quan trọng của chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật

Nếu việc chuyển nhượng thành công, chủ đầu tư sẽ có vốn để quay vòng nhằm thực hiện các dự án khác thay vì phải chờ vốn ngân sách hoặc nguồn vốn từ việc khai thác với thời gian kéo dài hàng chục năm. Chuyển nhượng quyền khai thác cho các nhà đầu tư chính là con đường tìm kiếm vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng và có hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần giảm áp lực cho các nhà đầu tư trong nước. Khi đó, các đơn vị trong nước cũng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến của các nhà đầu tư ngoại. Quan trọng hơn, khi công tác đầu tư hạ tầng được thực hiện hài hòa giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước thì người dân chính là đối tượng được hưởng lợi từ những dự án mang lại trong rất nhiều lĩnh vực.

3.2. Xây dựng khung pháp lý và lộ trình chuyển nhượng cụ thể

Kể từ khi có chủ trương chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật, dễ dàng nhận thấy đã có không ít các công trình được đề xuất chuyển nhượng như: Cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, đường cao tốc… nhưng cái chúng ta thiếu ở đây là một khung pháp lý và lộ trình chuyển nhượng cụ thể.

Các nước có luật về tư nhân hoá, đặc biệt có luật rất rõ ràng về việc chuyển nhượng quyền khai thác ở những cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở kết cấu hạ tầng xã hội. Trong tương lai, người ta có thể chuyển nhượng cả nhà máy nước, quyền sử dụng và quản lý bệnh viện và rất nhiều lĩnh vực khác. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu không có khung pháp lý sẽ dẫn tới việc người dân phản đối dữ dội và hệ quả là người dân không còn tín nhiệm những biện pháp đó nữa.

Trên thế giới, các nước có thể chuyển nhượng cảng hàng không trước hoặc cảng biển, có nước lại chuyển nhượng hệ thống cấp nước trước. Thế nhưng, điểm chung của các nước là làm rất thận trọng và phải có đề án tổng thể trong đó nêu rõ làm cái gì trước, làm cái gì sau, đặc biệt có một cơ quan giám sát độc lập đối với đơn vị nhận chuyển nhượng, thuê hạ tầng. Nếu không có đơn vị giám sát độc lập này, rất có thể phía Cơ quan cho thuê lại đi giám sát và như thế chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tức là có nguy cơ có lợi ích nhóm móc nối với nhau.

Việc chuyển nhượng phải được tổ chức đấu thầu một cách công khai và minh bạch, tránh móc ngoặc, lợi ích nhóm, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Đặc biệt, các trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia... phải hết sức cẩn trọng.

3.3. Vấn đề định giá chuyển nhượng

Nếu như việc xác định giá trị doanh nghiệp trong các trường hợp giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê doanh nghiệp đã được quy định bằng các văn bản cụ thể thì việc định giá chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông lại khó khăn phức tạp hơn rất nhiều.

Khi xác định giá chuyển nhượng, cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Phải lấy chi phí đầu tư thực tế, trượt giá, các khoản chi phí đầu tư khác trong quá khứ (nếu có) và thời gian chuyển nhượng làm cơ sở;

- Các công trình hạ tầng giao thông là một loại hàng hóa có tính chất đặc biệt, do vậy khi định giá chuyển nhượng ngoài việc chú ý đến quan hệ cung cầu trên thị trường thì cần phải xem xét các đặc điểm riêng biệt của loại hàng hóa này;

- Giá chuyển nhượng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân. Muốn vậy, cần lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý dự án hạ tầng giao thông;

- Thời gian chuyển nhượng không quá dài, thường không nên vượt quá 30 năm.

Giá chuyển nhượng quyền khai thác phải do các chuyên gia của cơ quan quản lý công trình xác định. Công việc này phải đảm bảo được tính khoa học dựa trên cơ sở các chi phí bỏ ra và các dự tính các lợi ích có thể thu được từ công trình đó trong một khoảng thời gian xác định. Giá chuyển nhượng cần đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, làm sao để không bán rẻ, bán hớ cho nhà đầu tư.

4. KẾT LUẬN

Chuyển nhượng quyền khai thác là một vấn đề không mới, nhưng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đây được coi là bước đột phá trong lĩnh vực kêu gọi vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp không còn đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư gia tăng hàng năm. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công việc chuyển nhượng quyền khai thác đường cao tốc hay các dự án dịch vụ công trong nhiều lĩnh vực khác cho tư nhân. Việt Nam muốn thành công trong hoạt động chuyển nhượng thì cần có một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, một đề án chi tiết, cụ thể. Nhà nước phải coi nhà đầu tư tư nhân là đối tác, cùng nhau chia sẻ rủi ro, cơ hội phát triển, cùng giải quyết các vấn đề phát sinh. Các hợp đồng chuyển nhượng cần được quy định rõ các điều khoản về khai thác, quản lý, thời gian, mức phí, trách nhiệm của mỗi bên, Nhà nước kiểm soát đến đâu, cơ chế điều chỉnh hợp đồng khi có các phát sinh đột biến… Sự thay đổi trong chính sách là cần thiết để thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài vào lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng song cũng không ít khó khăn này.

Tài liệu tham khảo

[1]. GS. TSKH. Nghiêm Văn Dĩnh (2009), Kinh tế - Quản lý khai thác công trình cầu đường, NXB. GTVT.

 [2]. Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

[3]. http://baodauthau.vn.

[4]. www.baogiaothong.vn.

Ý kiến của bạn

Bình luận