Chuyện những người đón Tết trên xe buýt

Tác giả: Minh Quốc

saosaosaosaosao
Bạn đọc 25/01/2020 09:21

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, khi mọi người đã được nghỉ ngơi thì những người lái xe, phục vụ xe buýt lại tất bật, xuôi ngược ngày đêm đưa hành khách trở về với quê hương, đoàn tụ với gia đình. Đó là những chuyến xe buýt không bao giờ nghỉ, kể cả trong những ngày Tết.

 

xe buyt 1
 

Gian nan trên từng lộ trình

Những ai thường xuyên đi xe buýt mới thấu hiểu những áp lực, căng thẳng mà người lái xe buýt phải đối mặt. Từ lúc xe buýt rời bến cho đến điểm cuối là một hành trình khép kín có lộ trình rõ ràng, xe buýt phải đáp ứng thời gian phục vụ hành khách đến các điểm dừng, đỗ đúng giờ. Những ca làm việc của lái xe và phục vụ xe là 8 tiếng/ngày nhưng ở thành phố lớn như Hà Nội thường xuyên ùn tắc thì có khi kéo dài 10 - 12 tiếng/ngày. 

Trên chuyến xe buýt đi từ Bến xe Giáp Bát, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Lê Đức Vinh và anh Ngô Đức Minh là lái xe và phụ xe tuyến xe số 03A, thuộc Xí nghiệp Xe khách phía Nam (Tổng công ty Vận tải Hà Nội). Anh Vinh quê ở Hưng Yên và đã công tác tại Xí nghiệp được hơn 10 năm, còn anh Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) thì mới về Xí nghiệp công tác được 3 năm với vai trò phụ xe.

Tâm sự với chúng tôi anh Vinh cho biết, đã gần 20 năm lái xe nhưng kể từ khi lái xe buýt, anh mới thấm được nỗi vất vả gian lao của nghề làm dịch vụ. Anh bảo: “Trước đây, tôi lái xe hợp đồng cho một công ty vận tải tư nhân, công việc đỡ áp lực và căng thăng hơn bây giờ nhiều. Lái xe buýt phải chuẩn lộ trình, giờ giấc, trong khi đường phố lúc nào cũng đông đúc, ùn tắc”.

Tuy nhiên, anh Vinh cho biết sự vất vả, cực nhọc của nghề lái xe buýt không bằng những giây phút chạnh lòng khi nhìn thấy đường phố rộn ràng, dòng người tấp nập mua sắm vào dịp Tết. 

Đó là phút giây nhớ về gia đình, những ngày cận Tết mà vẫn chưa kịp về đoàn tụ, đón chào năm mới. “Cái khoảnh khắc lái xe đi giữa phố phường tràn ngập hoa đào, dòng người đi sắm Tết đông như chẩy hội khiến tôi cảm thấy bồi hồi, rưng rưng. Những ngày giáp Tết, khi đưa hành khách đến bến xe để trở về quê hương đón Tết, tôi cũng chỉ muốn chạy về ngay với những thân yêu. Nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời thôi bởi mình luôn ý thức được công việc, trách nhiệm đưa đón hành khách đến nơi, đến chốn, không xảy ra sự cố gì là vui rồi. Nghề phục vụ cộng đồng mà…, bao năm phục vụ rồi cũng quen, vợ con cũng cảm thông”, anh Vinh chia sẻ.

Cũng như anh Vinh, anh Minh dù mới phục vụ trên xe buýt được 3 năm nhưng cũng đủ trải nghiệm với nghề “làm dâu trăm họ”. Anh Minh bảo: “Mình mới làm phục vụ trên xe buýt được 3 năm và 3 năm đó mình cũng không có thời gian dành cho gia đình những ngày cuối năm. Khoảng thời gian đó, tần suất hoạt động của xe buýt gần như dành 100% thời gian phục vụ cộng đồng, ngày thường đã đông ngày Tết còn đông gấp đôi, gấp ba số lượng hành khách. Anh em trong Xí nghiệp phải căng như dây đàn mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết.

Năm đầu tiên đón Tết trên xe buýt, không được quây quần bên mâm cơm chiều 30 cũng thấy chạnh lòng, nhưng giờ cũng quen rồi. Nghề dịch vụ là vậy, lúc người ta nghỉ ngơi thì mình phải làm việc”.

Những dòng tâm sự ngắn ngủi với anh Vinh và anh Minh trên chuyến xe buýt tuyến 03A chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện của những người lái xe, phục vụ trên xe buýt trong những ngày cận Tết. Đó là câu chuyện của những người làm nghề được ví như “làm dâu trăm họ”.

Tranh thủ gọi điện chúc Tết

xe buyt 5

Vì xa gia đình, công việc phục vụ cộng đồng khiến các lái xe, phụ xe buýt ít có thời gian về thăm gia đình, nhất là vào lúc cao điểm giáp Tết, tần suất hoạt động phục vụ hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày. Trong những ngày tháng vất vả đó, những người phục vụ trên xe buýt chỉ biết bày tỏ tỉnh cảm với gia đình qua những cuộc gọi động viên ngắn ngủi.

Anh Nguyễn Huy Sơn - lái xe tuyến buýt số 107 thuộc Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long cho biết: "Em phục vụ tuyến này hơn 5 năm rồi. Năm nào cũng vậy, gần Tết đưa đón bà con về quê cũng cảm thấy nhớ nhà lắm! Những lúc như thế chỉ biết tranh thủ khi xe về bến hoặc giao ca thì gọi điện về nhà xem đã sắm sửa được gì chưa, chứ cũng chẳng biết làm thế nào. Những lúc như thế, được nghe tiếng người thân chúc mừng năm mới thấy ấm áp lắm. Cái nghề dịch vụ vốn vậy. Nhiều năm qua anh em đón Tết trên xe rồi cũng thành quen. Nghề chọn mình, mình cũng chọn nghề, dù vất vả gian lao nhưng thấy có ý nghĩa khi đưa đón hành khách về quê đón xuân an lành”. 

Anh Sơn cho biết thêm: “Tết đông vui, nhộn nhịp, khách rất vui vẻ muốn về nhà thật nhanh nên họ rất lịch sự, họ cũng gấp rút hơn ngày thường nên bọn em làm việc đỡ vất vả hơn”.

Anh Vũ Viết Xuân - tài xế tuyến buýt nhanh BRT số 01 thuộc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội chia sẻ, anh có không ít kỷ niệm ngày Tết với những hành khách quen thuộc. Trước đây, anh Xuân lái xe buýt tuyến 54 từ Hà Nội đi Bắc Ninh, cứ mỗi dịp Tết đến, nhiều hành khách lại lên xe anh để chúc Tết, mừng tuổi, thăm hỏi động viên. “Lái xe và phục vụ xe tuyến buýt 54 trước đây được hành khách rất quý mến, đặc biệt là tình cảm của người Bắc Ninh dành cho chúng tôi. Tết nào khách cũng cho quà, người thì bánh kẹo, người cho bao thuốc, có người lại cho cả bánh trưng” anh Xuân nhớ lại.

Một cái Tết nữa đang đến thật gần, mọi người háo hức đón chờ một năm mới với nhiều niềm vui, hy vọng mới. Với những hành khách đi xe buýt, có lẽ điều mong muốn nhất là được đi trên những chuyến xe tiện lợi, an toàn và thân thiện. Còn với người làm xe buýt, điều kỳ vọng nhất chính là sự ủng hộ, quan tâm đến từ khách hàng. 

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các đơn vị vận tải sẽ bố trí thêm 65 phương tiện xe buýt dự phòng tăng cường với 130 lượt xe/ngày. Tổng số lượt xe tăng cường dự kiến là 1.170 lượt. Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch bố trí xe tăng cường phục vụ trên các tuyến có nhu cầu đi lại tăng cao qua khu vực các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, các điểm trung chuyển xe buýt như: Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt trong những ngày cao điểm để kịp thời giải tỏa khách khi có sự gia tăng đột biến..

Hy vọng trong những năm tiếp theo, không chỉ riêng xe buýt mà cả lĩnh vực vận tải hành khách công cộng nói chung sẽ ngày càng hoàn thiện, đổi mới, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân cũng như xây dựng được một hệ thống vận tải văn minh, an toàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận