Chuyện lạ ở trung tâm TP.Thanh Hóa: 3 năm người dân không có điện, nước

Ý kiến 26/12/2018 14:46

Đó là các hộ dân đang sinh sống tại mặt bằng quy hoạch 1876 (sau đây gọi là khu 1876), phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là khu đất đắc địa của thành phố Thanh Hóa.

1-1203

Theo phản ánh của người dân nơi đây cho biết, sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật và được UBND thành phố Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy phép xây dựng nhà.

 Khu mặt bằng quy hoạch 1876

Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 năm sinh sống tại mặt bằng nêu trên nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân chưa được đầu tư hoàn thiện (mặc dù người dân đã nộp hết tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất) như: tuyến đường giao thông trục chính của mặt bằng nối với khu dân cư chưa được đỗ nhựa, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt chưa được đầu tư xây dựng (các hộ dân phải tự xin sử dụng dụng điện, nước của Khu Bình Minh với giá rất cao và thiếu ổn định), đặc biệt vào ngày trời mưa đường sá lầy lội, vào ngày trời nắng thì bụi bặng gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của các hộ dân sinh sống tại khu vực mặt bằng và các hộ dân khu vực lân cận.

Mặc dù, các hộ dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay tuyến đường giao thông trục chính chưa được thảm nhựa, hệ thống cấp thoạt nước, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt chưa được đầu tư xây dựng gây bức xúc trong nhân dân. 

Theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước tổ chức bán đầu giá đất cho hộ gia đình, cá nhân tại các dự án  “Khu đô thị mới” phải đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác” (Khoản 1, Điều 2 Quy chế Khu đô thị mới theo NĐ 02/2006/NĐ-CP) hay “Đảm bảo phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội” (Khoản 2, Điều 3 Nghị định 11/2013/NĐ-CP). 

Pháp luật quy định, kể cả đối với các Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê (dự án thương mại) thì điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cũng phải là “Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải”; (Mục b, Khoản 1, Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP). Đối với Dự án Khu đô thị mới thì yêu cầu còn phải chặt chẽ hơn tức là phải thực hiện xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như phải có đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước,... thì mới được phân lô, bán nền (Điều 11, Thông tư 20/2013/TTLT-BXD-BNV).

2-1204

Cho đến thời điểm này đường vẫn chưa được thảm nhựa trong khu 1876

Quy định của pháp luật là vậy, song những hộ dân sinh sống tại mặt bằng 1876 do UBND thành phố Thanh Hóa làm chủ đầu tư chưa được hưởng bất kỳ lợi ích gì so với quy định của pháp luật nêu trên, mặc dù các hộ dân đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc nghĩa vụ tài chính của người dân đối với Nhà nước khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất cũng như các nghĩa vụ khác khi thực hiện xây dựng nhà để ở.

Trước phản ánh của người dân, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Liên - Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử Hàm Rồng - Chủ đầu tư để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Trước câu hỏi của phóng viên đặt ra về tình trạng chưa có điện, nước nhưng đã cho người dân vào ở suốt 3 năm qua, ông Liên vội vàng thanh minh: "Theo chỉ đạo của UBND TP Thanh Hóa ban quản lý và cũng là chủ đầu tư đã cố gắng cung cấp điện nước cho nhân dân trong khu đầy đủ và đến ngày hôm qua tức 21/12/2018, chủ đầu tư đã cung cấp đầy đủ điện, nước cho người dân sống tại mặt bằng quy hoạch 1876, Ban quản lý cũng mong bà con thông cảm vì đã để sự việc trên xảy ra thời gian qua".

Ông Nguyễn Thanh Liên cho biết thêm, chúng tôi cũng nhận được phản ánh từ các hộ dân về tình trạng nêu trên, điện, nước lâu nay có chậm là đúng, đây là phản ánh đúng của người dân, có cái khó là mặt bằng ở đây rộng, chúng tôi cũng đã liên hệ với các hộ dân lấy điện, nước tạm của các hộ xung quanh. Chúng tôi cũng đã đề nghị các hộ dân ký hợp đồng trực tiếp với  điện lực Thanh Hóa. Theo lời ông Liên thì đến ngày hôm qua (21/12/2018) chủ đầu tư đã hoàn thiện xong điện, nước và thảm nhựa cho các hộ dân ở khu 1876.

Để xác minh với lời của chủ đầu tư có chính xác hay không, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với đại diện người dân khu 1876 thì nhận được phản ánh trái với lời khẳng định của chủ dự án, người dân ở khu 1876 cho biết, đến thời điểm này tức là sáng 22/12/2018 vẫn chưa có điện, nước.

Qua đây, đề nghị chủ đầu tư, UBND TP Thanh Hóa quan tâm để sớm cung cấp điện, nước cho người dân để ổn định đời sống, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc, người dân nơi đây mong muốn đón Tết sum vầy hạnh phúc, không phải nơm nớp lo điện, nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận