Chương trình phổ thông mới: Triển khai nóng vội?

24/04/2017 06:31

Nhiều chuyên gia lo ngại chương trình phổ thông mới khó khả thi vì ôm đồm, quá tải.

12-chot-1492959575007
Nhiều ý kiến cho rằng không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho học sinh tiểu học như chương trình mới đặt ra Ảnh: TẤN THẠNH

Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông và chương trình từng môn học dự kiến sẽ được ký chính thức vào tháng 9-2017.

Quá tải với học sinh tiểu học

Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay cùng với việc xây dựng chương trình thổng thể, ban cũng đã xây dựng chương trình các môn học cụ thể. Ngay trong tháng 5-2017, ban soạn thảo sẽ trình dự thảo lần I chương trình môn học cho Hội đồng Thẩm định quốc gia. Dự kiến tháng 9-2017, chương trình tổng thể giáo dục phổ thông được ký chính thức, chương trình từng môn học cũng được ký ban hành. Nếu trong quá trình tập huấn triển khai có vướng mắc sẽ tiếp tục chỉnh sửa.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho học sinh tiểu học như chương trình mới đặt ra Ảnh: TẤN THẠNH

Khác với chương trình hiện hành - những người xây dựng đảm nhận đồng thời việc soạn thảo sách giáo khoa (SGK) - ở chương trình phổ thông mới, ban soạn thảo chỉ có trách nhiệm xây dựng chương trình. Tuy nhiên, vì quy định một chương trình có nhiều bộ SGK nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ biên soạn một bộ SGK. Dự kiến, tháng 4-2018, SGK lớp 1 và lớp 6 sẽ có để giáo viên (GV) tập huấn và triển khai vào năm học 2018-2019.

Trong khi Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã đưa ra một lộ trình chi tiết thì các chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng cần có nhiều sự thay đổi ở bản dự thảo chương trình phổ thông tổng thể. Theo nhận xét của một số GV đứng lớp - những người trực tiếp tham gia giảng dạy- dự thảo chương trình mới vẫn ôm đồm và quá tải đối với học sinh (HS) cả 3 cấp, đặc biệt là tiểu học.

Một GV Trường Tiểu học Yên Hòa (TP Hà Nội) cho rằng ở bậc tiểu học, chỉ nên hướng tới mục tiêu dạy HS biết đọc và viết thông thạo tiếng Việt, làm quen với việc học ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống và sự hiểu biết ban đầu về tự nhiên, xã hội chứ không phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức như chương trình mới đặt ra. Với tổng thời lượng lớp 1-3 là 1.147 tiết, lớp 4-5 là 1.184 tiết, chương trình mới nặng về kiến thức, quá tải hơn nhiều so với chương trình hiện hành.

Nên cắt giảm thời lượng một số môn

Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội tỏ ra rất băn khoăn về tính thực tế của chương trình phổ thông mới khi áp dụng. Theo dự thảo, ở cấp THPT sẽ có thêm môn mỹ thuật, âm nhạc với thời lượng 3 tiết/tuần trong khi từ trước tới nay, các trường không dạy môn này. Rõ ràng là không thể cấp tập tuyển một lứa GV tốt nghiệp trường nghệ thuật nào đó mà không có khả năng sư phạm để giảng dạy. Vậy GV sẽ lấy ở đâu?

Chương trình mới còn đưa vào hàng loạt môn học mới, như hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thế giới công nghệ (ở tiểu học), công nghệ và hướng nghiệp (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ (THPT)... Năm 2018, chương trình sẽ triển khai, liệu GV sẽ dạy như thế nào khi chính họ còn lơ mơ về các môn học?

GS Ngô Việt Trung, Viện Toán học, cho rằng chương trình phổ thông mới cắt giảm thời lượng học các môn truyền thống để đưa thêm vào những môn học rèn luyện kỹ năng. Vì thế, thời lượng học kiến thức các môn truyền thống giảm đến mức báo động. Toán là môn học quan trọng nhất cho việc rèn luyện tư duy của HS nhưng số tiết học của chúng ta lại ít hơn các nước xung quanh. Với thời lượng học như vậy, HS không được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết để vào đời.

GS Trung cũng đặt câu hỏi: Liệu các môn học mới của chương trình có thực sự nâng cao một số kỹ năng hay không? Ví dụ, chúng ta sẽ dạy gì trong môn hoạt động trải nghiệm sáng tạo? Nếu nhìn vào chương trình thì đây là các hoạt động ngoại khóa nhưng lại đưa vào hoạt động chính khóa. Theo GS Trung, một số môn học về nghệ thuật hay tin học nên đưa vào chương trình ở những mức độ nhất định.

“Việc học tập sâu hơn nên dành cho những HS có năng khiếu trong những nhóm học ngoại khóa. Bởi lẽ, việc học sâu hơn những môn này cần GV giỏi và cơ sở vật chất đầy đủ. Môn nghệ thuật chỉ nên dạy các kiến thức sơ đẳng nhất về mỹ thuật và âm nhạc trong cấp tiểu học. Môn tin học chỉ nên dạy nguyên lý hoạt động máy tính và ngôn ngữ lập trình. Không nên học sâu hơn về “khoa học máy tính” và “tin học ứng dụng” ở cấp THPT vì những kiến thức này chỉ phù hợp đối với giảng dạy ở ĐH” - chuyên gia toán học này nêu ý kiến.

GS Ngô Việt Trung cho rằng nên mạnh dạn bỏ môn giáo dục quốc phòng và an ninh để có thêm thời lượng học kiến thức cơ bản. “Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất có môn học này trong lúc đất nước chúng ta đang an bình. Hãy học theo Hàn Quốc, một nước luôn ở trong tình trạng báo động chiến tranh nhưng họ đã bỏ các tiết học về quốc phòng từ năm 1997” - GS Ngô Việt Trung góp ý.

Ý kiến của bạn

Bình luận