Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng phục vụ đăng kiểm

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 20/10/2018 14:48

Kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, tàu biển, công trình dầu khí… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần quan trọng bảo đảm ATGT, giảm thiểu TNGT và tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tiến thủ tục hành chính, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng dịch vụ hành chính công, kiểm soát chặt chẽ đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ngành Đăng kiểm tập trung thực hiện thành công nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V - Hà Nội
Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29 - 03V - Hà Nội. Ảnh: Vũ Thành

Ngăn ngừa sai phạm, không bỏ lọt quy trình kiểm định

Thời gian qua, lĩnh vực đăng kiểm luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Với sự cố gắng, tích cực của toàn Ngành, công tác kiểm soát chất lượng ô tô đang lưu hành và phương tiện thủy, tàu biển tiếp tục được nâng lên. Chất lượng phương tiện đang lưu hành được cải thiện, không có phương tiện bị TNGT, tai nạn lao động liên quan đến lỗi đăng kiểm kỹ thuật. Đội tàu biển Việt Nam tiếp tục được duy trì trong “Danh sách trắng” của Tokyo - Mou. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng được Tokyo - Mou xếp trong nhóm các tổ chức đăng kiểm có chất lượng kiểm định cao nhất thế giới. Nhiều đăng kiểm viên xe cơ giới, tàu biển, công trình biển có trình độ cao, được các tổ chức đăng kiểm quốc tế công nhận và ủy quyền, thay mặt các tổ chức này thực hiện kiểm định phương tiện, thiết bị. Đội tàu biển Việt Nam được xếp thứ 19/34 các quốc gia trong “Danh sách trắng” của Tokyo - Mou. Cục Đăng kiểm Việt Nam được xếp thứ 9/22 trong nhóm tổ chức đăng kiểm trên thế giới thực hiện tốt chức năng.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống quản lý chất lượng. Đến nay, Cục đã thực hiện 76 thủ tục hành chính, đã cải cách 50% tổng số thủ tục hành chính, bao gồm bãi bỏ 13 thủ tục (-17,1%), giảm thời gian thực hiện, thành phần hồ sơ 25 thủ tục (-32,89%) với mục đích nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Cục thực hiện quản lý 58 điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã thực hiện điều kiện cắt bỏ hoặc sửa đổi 43/58, bao gồm cắt bỏ 30 điều kiện (-25%), sửa đổi 13 điều kiện (-22%); rà soát, cắt giảm trên 50% số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục duy trì và hoàn thiện 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ GTVT về kiểm tra chứng nhận chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu; thực hiện cấp hóa đơn điện tử, chữ ký số trên 363.000 giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới. Tính đến tháng 6/2018, Cục đã cấp chứng chỉ trực tuyến 162.496 phương tiện.

Để có được những kết quả trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp duy trì sự giám sát trong toàn bộ hệ thống nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định và ngăn ngừa sai phạm, bỏ lọt quy trình kiểm định trên tất cả các lĩnh vực. Như trong lĩnh vực tàu biển, lãnh đạo Cục yêu cầu các bộ phận chức năng thực hiện nghiêm việc hậu kiểm, kiểm tra chéo (giữa các đăng kiểm viên, đơn vị). Kết quả kiểm định tại các đợt kiểm tra trung gian, trên đà, định kỳ, đảm bảo các tàu đều được kiểm tra đủ, đúng khối lượng công việc; quy trách nhiệm cụ thể đối với tàu bị lưu giữ.

Ngoài kiểm soát nội bộ, Cục còn phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quy chế phối hợp kiểm soát tàu biển, thống nhất lựa chọn các đối tượng tàu cần chú trọng giám sát an toàn, hiệu quả đội tàu biển. Đối với công tác đào tạo, các nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực như thử nghiệm an toàn, thử nghiệm khí thải xe cơ giới, đường sắt đô thị tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại các quốc gia có thế mạnh cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng chất lượng chuyên môn và quản lý hồ sơ, dữ liệu phương tiện theo phương thức điện tử.

Song song với kiểm tra, giám sát, Cục luôn duy trì công tác hậu kiểm, phúc tra chuyên ngành đột xuất chất lượng kiểm định xe cơ giới đang lưu hành trên toàn quốc. Việc tăng cường kênh giám sát bằng camera của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã mở thêm kênh “hậu kiểm” từ phía Thanh tra Bộ GTVT. Theo Thanh tra Bộ GTVT, trong năm 2017 lực lượng thanh tra đã phát hiện, đình chỉ gần 10 trường hợp đăng kiểm viên làm sai quy trình kiểm định phương tiện tại một số trung tâm đăng kiểm. Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm toàn hệ thống, Cục tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra để kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng phương tiện GTVT. Đồng thời, trong xu hướng kinh tế thị trường, Cục quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đăng kiểm, với mục tiêu đáp ứng tốt nhất phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Để phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, thời gian qua Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động hơn trong đối thoại với các doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện Cục đang áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO:2015 và trong năm nay sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung để ban hành lại các quy trình, hướng dẫn công việc phù hợp, hiệu quả hơn.

Công nghệ làm nền tảng nâng cao chất lượng

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có 155 trung tâm đăng kiểm và toàn bộ dây chuyền kiểm định phương tiện được nối mạng thiết bị tự động hóa kết quả kiểm định. Các trung tâm đăng kiểm được trang bị camera truyền trực tiếp hình ảnh hoạt động về Cục để giám sát, nâng cao ý thức trách nhiệm của các trung tâm đăng kiểm trong công tác kiểm định. Hàng năm, các trung tâm đăng kiểm đã kiểm định trên 3 triệu lượt phương tiện xe cơ giới đang lưu hành, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đủ điều kiện để tham gia giao thông.

Cục Đăng kiểm Việt Nam luôn là đơn vị đầu tiên của ngành GTVT thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tham gia cơ chế Cổng Thông tin điện tử một cửa Quốc gia; cấp giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới qua mạng, liên thông với cơ quan hải quan, phát hành hóa đơn điện tử. Đến nay, Cục đã công bố dịch vụ công mức độ 4 cho 5 thủ tục nhập khẩu phương tiện giao thông đường bộ; đã và đang triển 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về thẩm định thiết kế phương tiện đường sắt, tàu biển, phương tiện xe cơ giới đường bộ; đánh giá công nhận năng lực cơ sở cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn tàu biển; cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã giảm tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và người dân, mang lại lợi ích thiết thực trong việc giảm thời gian thông qua hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục là hiện đại hóa công tác đăng kiểm và áp dụng công nghệ mới trong kiểm định xe cơ giới, rà soát bổ sung cập nhật các các tiêu chuẩn cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế để đảm bảo chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đưa công nghệ, thiết bị vào ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng đăng kiểm

Thời gian qua, ngành Đăng kiểm tiếp tục có nhiều chuyển biến tốt hơn trên hầu hết các mặt công tác. Trong đó, Cục có sự chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia công tác bảo đảm TTATGT, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ kiểm định.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Ý kiến của bạn

Bình luận