Chuẩn bị tốt các điều kiện để ứng phó với thiên tai

Tác giả: Bích Thảo

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 28/09/2015 05:43

Bộ GTVT luôn chủ động ứng phó với thiên tai, thảm họa và giảm thiểu thiệt hại cho hạ tầng giao thông mùa mưa lũ năm 2015.

image001
Một vụ cháy dầu tràn trên biển

Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, để giảm thiểu thiệt hại cho công trình GTVT trong mùa mưa lũ, toàn ngành GTVT đã chủ động trong công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai (PCTT) với phương châm phòng hơn chống. Ngay từ đầu năm, Ngành đã tiến hành kiểm kê tổng hợp số lượng vật tư, phương tiện dự phòng cho PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN), nhất là những vật tư, thiết bị chuyên dùng như dầm cầu, rọ thép, phao, phà…; sắp xếp, điều chỉnh lại vị trí để dự phòng cho phù hợp, sửa chữa những hư hỏng, mua sắm bổ sung cho đủ số cần thiết và luôn ở tư thế sẵn sàng. Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cần kiểm tra kỹ các công trình giao thông, nhà ga, bến cảng, kho bãi…; sửa chữa, gia cố để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nạo vét cống rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy, dự báo trước các tình huống có thể xảy ra, trên cơ sở đó đưa ra được các phương án đường tràn, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Ngoài ra, ngành GTVT sẽ đầu tư trang thiết bị và các công cụ hỗ trợ hoạt động xử lý thông tin báo nạn, tổ chức và điều hành hoạt động TKCN trên biển, trên không; đảm bảo sửa chữa, duy tu bảo dưỡng chăm sóc các tàu TKCN luôn ở trong trạng thái tốt, sẵn sàng xuất phát đi làm nhiệm vụ; rà soát kiểm tra các trang, thiết bị hiện có và đôn đốc các đơn vị mua sắm, trang bị thêm các thiết bị TKCN mới. Sau các đợt thiên tai, thảm họa, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị phải chủ động thành lập đoàn công tác đến ngay hiện trường để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả.

Với lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo giao thông khi có thiên tai, thảm họa; lập kế hoạch chi tiết phương án đảm bảo giao thông, hướng dẫn phân luồng đối với các tuyến QL huyết mạch như QL1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, các QL đi Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên... chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng phục vụ công tác ứng cứu khi có sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra và thường xuyên kiểm tra các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất khi có sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đường bộ thường xuyên kiểm tra biện pháp đảm bảo giao thông khi thi công công trình trong mùa bão, lũ. 

Về Đường sắt, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện kiểm kê, rà soát, bổ sung số lượng, chủng loại, vị trí tập kết vật tư dự phòng, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có thiên tai, thảm họa, sự cố xảy ra; thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...

Lĩnh vực Đường thủy nội địa được giao tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong mùa mưa bão ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia vào những thời gian hay xảy ra mưa bão của từng vùng; đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị quản lý đường thủy nội địa kịp thời ứng cứu nhanh khi thiên tai xảy ra.

Bộ GTVT đã chỉ đạo đơn vị, các lĩnh vực phải xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN cho từng công trường thi công, có kế hoạch đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công dưới nước, các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất, các công trình trên biển hoặc ven biển.

Để có thể giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với hạ tầng ngành GTVT, thời gian tới, Ngành cũng cần tiến hành một chương trình dài hạn về điều tra, nghiên cứu, quan trắc, dự báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai ngành GTVT. Chương trình sẽ không dừng lại ở việc xác định mức độ điều tra, nghiên cứu về những tác động của thiên tai đến hạ tầng giao thông mà còn tiến tới xác định mức độ nguy hiểm những tác động của thiên tai đến hạ tầng giao để phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển giao thông trong tương lai. Công tác tư vấn thiết kế công trình giao thông phải chú trọng đến việc lồng ghép phương án giảm nhẹ thiên tai vào thiết kế công trình để có tính bền vững cao, đảm bảo các công trình giao thông khi đưa vào sử dụng.

Ý kiến của bạn

Bình luận