Chủ tàu vỏ thép hư hỏng ở Thanh Hóa được hỗ trợ 500 triệu

24/08/2017 06:28

Doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép trị giá 18 tỷ đồng cho ngư dân Thanh Hóa chấp nhận hỗ trợ 500 triệu để chủ tàu sửa chữa hư hỏng.

 

Chủ tàu vỏ thép hư hỏng ở Thanh Hóa được hỗ trợ 50
Con tàu vỏ thép 18 tỷ của gia đình ông Muộn liên tục gặp sự cố trong những lần ra khơi. Ảnh: Lê Hoàng.

Ngày 23/8, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, sau hai tháng thương thảo, đơn vị đóng tàu là Công ty Đại Dương (trụ sở ở Thái Bình) đã đạt thoả thuận trong việc hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67.

Gia đình ông Nguyễn Duy Muộn (phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) nhận 500 triệu đồng và thống nhất không khiếu nại thêm. Số tiền sẽ được chủ tàu sử dụng để sửa chữa máy phát, phần còn lại dùng cho thay thế hệ thống điện…

Hai tháng trước, ông Nguyễn Duy Muộn có đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị kiểm tra tình trạng hỏng hóc liên tục của tàu vỏ thép gần 18 tỷ đồng. Theo chủ tàu, nghiệm thu đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng tàu cứ ra khơi chuyến nào thì trục trặc chuyến đó, hết hỏng máy lại vỡ tời…

Con tàu công suất hơn 800 mã lực của ông Muộn hành nghề lưới chụp. Với tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng (vay ngân hàng 17 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của gia đình), tàu được Công ty Đại Dương đóng và hạ thủy vào tháng 8/2016. Từ khi hạ thủy, tổng cộng chín lần tàu trục trặc phải quay vào bờ sửa chữa, khiến chủ tàu bù lỗ mỗi chuyến hàng trăm triệu đồng.

Ban đầu, gia đình ông Muộn yêu cầu doanh nghiệp đóng tàu phải bồi thường 800 triệu đồng để sửa chữa. Sau nhiều lần thương lượng, hai bên thống nhất mức 500 triệu đồng.

“Tôi đồng ý vì hai lý do. Thứ nhất là phía nhà máy đã có thiện chí hợp tác. Thứ hai là thời gian tàu nằm bờ quá lâu, bao nhiêu chi phí phát sinh đi kèm khiến áp lực nợ nần nặng nề”, ông Muộn nói và cho hay đang khẩn trương sửa chữa tàu để sớm ra khơi đánh bắt.

Theo chính sách của Nghị định 67, ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Đến nay Thanh Hóa đã phê duyệt hồ sơ đóng mới 67 tàu cá theo Nghị định 67. 46 tàu đưa vào hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép, còn lại là tàu vỏ gỗ. Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong số 23 tàu vỏ thép đưa vào sử dụng, tàu của ông Muộn bị hư hỏng nặng nhất.

Ý kiến của bạn

Bình luận