Chủ đầu tư trong nước kêu khó tham gia cao tốc Bắc-Nam

Thị trường 07/07/2019 06:09

Tiêu chí tài chính, kinh nghiệm đối với chủ đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam được cho là "quá sức" với nhiều doanh nghiệp nội địa.

 

ct-1549846783280646919201
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ được kết nối vào tuyến cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Đắc Thành

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện các ban quản lý dự án đã phát hành được hơn 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Anh, Trung Quốc...

Đến ngày 10/7, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chốt hồ sơ nhà đầu tư tham gia đấu thầu, sau đó chấm hồ sơ theo các tiêu chí đã đưa ra.

Đề cập khả năng tham gia các dự án cao tốc Bắc Nam, ông Vũ Đức Nhận - Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành (đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) cho biết, công ty ông muốn tham gia để giải quyết việc làm cho người lao động, song trở ngại là rất khó cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài. 

Ông Nhận phân tích, về tiêu chí năng lực và kinh nghiệm thì ít nhà đầu tư Việt Nam có thể đáp ứng được. Ví dụ, doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án, nghĩa là với các dự án cao tốc Bắc Nam mà vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu ít nhất là 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp phải từng tham gia các dự án lớn tương đương. 

"Một số doanh nghiệp Việt Nam gần đây mới tham gia các dự án cao tốc lớn như Hạ Long - Vân Đồn, Bắc Giang - Lạng Sơn, hiện rất ít nhà đầu tư có đủ vốn chủ sở hữu, kinh nghiệm như tiêu chí nêu trên", ông Nhận nói. 

Khó khăn khác theo ông Nhận là các ngân hàng đang siết chặt cho vay hoặc cho vay lãi suất cao với các dự án BOT. "Lãi suất ngân hàng trên 11%, trong khi lãi suất tạm tính trong hồ sơ dự án thầu chỉ là 7,8 %; chưa kể rất nhiều dự án BOT đang bị hụt thu (so với phương án tài chính) đã khiến nhà đầu tư nao núng", ông Nhận cho hay. 

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói, tiếp sau các dự án mở rộng quốc lộ 1, nhà đầu tư trong nước rất muốn xây dựng cao tốc Bắc Nam song với tiêu chí các bộ, ngành đã đưa ra thì "cơ hội cho nhà đầu tư trong nước là rất thấp".

Ông Thế đơn cử, tiêu chí "nhà đầu tư phải từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét" bắt buộc doanh nghiệp phải từng tham gia các dự án 4.000-5.000 tỷ đồng. Trên thực tế, hiếm khi nhà đầu tư trong nước tham gia dự án lớn như vậy. "Nếu hạ tiêu chí thì nhà đầu tư trong nước mới có cơ hội", ông Thế nhận định.

Đề cập việc doanh nghiệp trong nước có thể liên danh với các nhà đầu tư khác để đủ tiêu chí, ông Trần Văn Thế nói, "khi liên danh vốn chủ sở hữu có thể đủ, song kinh nghiệm của nhà đầu tư thì vẫn xét theo việc từng tham gia các dự án riêng lẻ; hơn nữa tìm được nhà đầu tư để cùng hợp tác cũng khá nan giải".

Với góc nhìn chuyên gia, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trước đây có tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực vẫn nhận làm đường BOT, sau đó phải bán lại dự án. Do vậy việc các bộ, ngành đặt tiêu chí cao để tìm nhà đầu tư có năng lực thực sự cho cao tốc Bắc Nam là cần thiết.

"Chúng ta đấu thầu công bằng, nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mà có hiệu quả thì vẫn hơn để đơn vị trong nước thiếu năng lực làm, sẽ ảnh hưởng về lâu dài. Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do doanh nghiệp trong nước đầu tư vừa qua xuất hiện nhiều điểm sụt, lún là ví dụ", ông Ngô Trí Long nói. 

Trái với quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có chính sách ưu tiên doanh nghiệp trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc Nam, hoặc phải có tiêu chí để các doanh nghiệp trong nước liên kết lại và đấu thầu được. 

"Cao tốc Bắc Nam đi dọc đất nước nên có liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng, không thể để cho một số doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm", ông Doanh nhấn mạnh.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác công tư thông tin, các dự án cao tốc Bắc Nam được thực hiện đấu thầu quốc tế đúng theo quy định Chính phủ đưa ra; doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ theo luật chung với doanh nghiệp nước ngoài. Trường hợp một nhà đầu tư trong nước không đủ năng lực, kinh nghiệm thì có thể liên danh, hợp tác với nhau hoặc với nhà đầu tư nước ngoài.

"Trước đây, nhiều người cho rằng doanh nghiệp đầu tư dự án BOT là "tay không bắt giặc", nên với các dự án cao tốc Bắc Nam, chúng tôi phải tăng năng lực của chủ đầu tư", ông Huy chia sẻ. 

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố danh mục 8 dự án xây dựng tuyến cao tốc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Đó là các dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100; mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60 điểm.

Mức điểm năng lực tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).

Ý kiến của bạn

Bình luận