Cho phép GrabTaxi ở Thanh Hóa, An Giang và Đắk Nông

Giao thông 24h 29/04/2019 06:44

Để đảm bảo việc áp dụng ứng khoa học vào lĩnh vực vân tải taxi hành khách, Bộ GTVT gửi văn bản gửi các tỉnh Thanh Hóa, An Giang và Đắk Nông về triển khai dịch vụ GrabTaxi đối với doanh nghiệp vận tải taxi trên địa bàn.

taxi-2-1555994031-width640height480
Bộ GTVT yêu cầu Grab không cung cấp trực tiếp ứng dụng với tài xế taxi.

Cụ thể, Bộ GTVT luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải (hàng hóa, hành khách), trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân.

Dự trên báo cáo của các Sở GTVT, Công ty TNHH DVVT Sao Đỏ - Chi nhánh An Giang trên địa bàn An Giang, Công ty TNHH TMDVVT Việt Đức trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Công ty cổ phần Bắc Trung Nam Thanh Hóa đều là đơn vị vận tải đã được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi), phương tiện đã được cấp phù hiệu xe taxi theo quy định.

Từ đó, các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải bằng xe taxi nêu trên phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm để triển khai việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động vận tải taxi của đơn vị mình (tiền cước chuyến đi tính theo đồng hồ gắn trên xe) là phù hợp, cần được khuyến khích.

Bộ GTVT cho biết, các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải bằng xe taxi chỉ được áp dụng đối với các phương tiện taxi đã được cấp phù hiệu theo quy định; phải báo cáo về Sở GTVT: Thanh Hóa, An Giang, Đắk Nông trước khi triển khai thực hiện.

Đồng thời, phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT Thanh Hóa, An Giang, Đắk Nông, phối hợp Công an tỉnh và cơ quan chức năng có liên quan tổ chức buổi làm việc với các đơn vị vận tải taxi, hiệp hội vận tải trên địa bàn để trao đổi làm rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách bằng taxi đảm bảo đúng quy định.

Trong đó, đơn vị cung cấp phần mềm không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn.

Bộ GTVT chỉ đạo Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và sự phối hợp của Sở GTVT. Căn cứ vào tình hình thực tế hoạt động vận tải hành khách và trật tự ATGT trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn địa phương.

Việc áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ thực hiện theo quyết định 24/2016 về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng chỉ cho phép thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà và Quảng Ninh.

GrabTaxi khác gì với GrabCar?

Theo Grab, hai loại hình dịch vụ này có điểm giống nhau đều đặt thông qua ứng dụng.

Khác nhau: GrabTaxi là xe taxi thông thường, có mào và đồng hồ cước. Chi phí trên ứng dụng là ước lượng, khi đi xe, bạn trả tiền theo cước phí hiển thị trên đồng hồ taxi.

Còn GrabCar là dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam, được bộ Giao thông - Vận tải đồng ý triển khai thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hoà.

Theo đó, chi phí trên ứng dụng là số tiền khách hàng cần phải trả, không bao gồm bất cứ phụ phí nào khác (Ngoại trừ chi phí cầu đường, bến bãi,…).

Ý kiến của bạn

Bình luận