Chỗ nào khó khăn nhất, nguy hiểm nhất đều có mặt lực lượng ngành GTVT

Tác giả: Thùy Dương (ghi)

saosaosaosaosao
Sự kiện 29/01/2021 13:16

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, nhiệm kỳ 2016 - 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 và nhiệm kỳ 2021 - 2025 của Bộ GTVT, ngày 24/12/2020. Tạp chí GTVT trân trọng trích đăng và giới thiệu bài phát biểu của Phó Thủ tướng đến bạn đọc.

 

TVU04315
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện quan trọng nhưng cũng là một năm đầy khó khăn khi chúng ta vừa phải đối phó với đại dịch Covid-19, vừa phải đối mặt với những thiên tai khốc liệt gây ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước nên chúng ta vẫn cơ bản đạt khá các mục tiêu vì con người, tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của ngành GTVT.

Ngành GTVT có những đóng góp rất quan trọng trong giai đoạn vừa qua của đất nước như cải tạo, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Trong năm 2020, ngành GTVT đã tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến giao thông; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai nhiều dự án quan trọng của Ngành; công tác quản lý vận tải được tăng cường, các loại hình dịch vụ vận tải được nâng cao chất lượng; tập trung rà soát, cập nhật bổ sung chiến lược, quy hoạch hệ thống, cơ cấu GTVT. Với trách nhiệm của một cơ quan quản lý ngành, ngành GTVT đã tái cấu trúc vận tải tương đối tốt trong thời gian qua.

Về công tác đảm bảo trật tự ATGT được triển khai tích cực, tăng cường kiểm soát tải trọng xe, phối hợp đồng bộ cùng các cơ quan triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên các lĩnh vực một cách hiệu quả, góp phần bảo vệ người dân, giảm thiểu thiệt hại cho người dân và Nhà nước.

Chỗ nào khó khăn nhất, nguy hiểm nhất từ ngoài biển cho đến đất liền hay miền núi đều có mặt của lực lượng ngành GTVT, từ lãnh đạo Bộ cho đến các đơn vị và cán bộ, người lao động phối hợp khắc phục sự cố kịp thời.

Ngành GTVT đã tích cực phối hợp sát sao với các đơn vị, địa phương để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án của Ngành, tạo điều kiện để hoàn thành kịp và vượt tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm. Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được triển khai quyết liệt và có kết quả bước đầu.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành GTVT trong năm 2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn khó khăn, do các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính hiệu quả về mặt tài chính thấp, chưa có hệ thống văn bản QPPL đầy đủ, thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư... dẫn đến việc trong thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam bày tỏ quan tâm đầu tư nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát thị trường.

Hệ thống GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả khai thác vận tải. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2021 - 2025 và là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Đây cũng là năm bản lề vì ngoài việc thực hiện nhiệm vụ ngành GTVT để đầu tư thực hiện còn phải chuẩn bị cho những năm tiếp theo, khối lượng công việc rất lớn vì nếu năm 2021 không hoàn thành thì toàn bộ giai đoạn trung hạn của 4 năm sau công việc sẽ kéo dài hơn. Do đó, năm 2021 là năm vô cùng quan trọng, vì vậy yêu cầu Bộ GTVT phải nhanh chóng triển khai chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và Nghị quyết về Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ:

image003_1
 

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng, bảo vệ hành lang ATGT.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy hoạch theo Luật Quy hoạch của 5 chuyên ngành.

Thứ ba, tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn nào từ ngân sách, dự án nào cần nguồn vốn của doanh nghiệp, nước ngoài... (vì ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo 30%, còn lại 70% là phải huy động từ bên ngoài) và tiến độ thực hiện thì mới thành công được.

Thứ tư, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư, trước hết phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; đề nghị tập trung đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn, các dự án trọng điểm của Ngành (các cao tốc Bắc - Nam, Bến Lức - Long Thành, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Trung Lương - Mỹ Thuận, đường sắt đô thị, cảng hàng không...).

Thứ năm, chủ động đẩy nhanh tiến độ đầu tư khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Thứ sáu, đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao sản lượng, chất lượng, dịch vụ vận tải, nâng cao tính kết nối giữa các phương thức vận tải, thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025.

Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo trật tự xã hội, ATGT, UTGT, giảm TNGT; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác ứng cứu, tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ do thiên tai; xây dựng và hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời gắn với các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Thứ tám, đối với công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, Bộ GTVT chủ động làm ngay từ đầu để ngăn ngừa và khắc phục ngay từ đầu.

Thứ chín, tiếp tục sắp xếp bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và các cơ quan tham mưu...

Ý kiến của bạn

Bình luận