Chính phủ nhiều nước tham gia “giải cứu” hàng không giữa tâm điểm dịch

Giao thông 24h 18/03/2020 10:51

Chính phủ Úc vừa công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không nước này trong thời điểm dịch coronavirus bùng phát diện rộng, khiến cho các hãng hàng không và sân bay phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đi lại toàn cầu.

 

rk_planes-beijinginternationalairport_180320

Sân bay quốc tế Capital, Bắc Kinh, Trung Quốc, ảnh chụp ngày 17/3

Nỗ lực giải cứu toàn cầu

Tuyên bố được công bố vào ngày 18/3 đưa Úc vào danh sách các nước đề nghị tham gia hỗ trợ giải cứu ngành hàng không. Sự thắt chặt chính sách nhập biên, cộng với nhu cầu đi lại đã khiến cho nhiều sân bay, hãng hàng không phải thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh dịch coronavirus đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới.

Trước tình trạng nhiều hãng hàng không đã tạm dừng giao nhận máy bay và các đơn đặt hàng mới nhằm đảm bảo duy trì nguồn tiền mặt, tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing đã đưa ra một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Hoa kỳ cung cấp gói cứu trợ tối thiểu 60 tỷ USD nhằm giúp hãng duy trì thanh khoản, cùng với bảo lãnh bay đối với mảng sản xuất hàng không vũ trụ.

Trước đấy, Boeing cũng đã yêu cầu Washington cung cấp 50 tỷ USD dưới dạng các khoản tài trợ và cho vay, cộng với đề nghị giảm thuế cho hãng - khoản tiền thuế có thể lên tới hàng chục tỷ USD.

“Hàng không vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai xa. Tuy nhiên, cho tới khi lưu lượng hành khách toàn cầu trở về mức bình thường, những biện pháp chúng tôi đưa ra là cần thiết để có thể giảm sức ép đến ngành hàng không và toàn bộ nền kinh tế thế giới” đại diện Boeing cho biết trong một thông cáo mới nhất.

Bên cạnh Boeing, tập đoàn sản xuất máy bay Airbus cũng đã đưa ra nhiều tín hiệu về sự cần thiết của các gói cứu trợ từ chính phủ nếu tình trạng dịch coronavirus kéo dài thêm nhiều tháng. 

Chính phủ Úc cũng tuyên bố sẽ hoàn trả và miễn các phí cho các hãng hàng không. Các khoản này bao gồm phí kiểm soát không lưu nội địa - trị giá 715 triệu AUD (trong đó có 159 triệu AUD hỗ trợ lập tức). Nước này cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo đối với công dân không nên đi du lịch nước ngoài vào thời điểm này.

Tại Châu Âu, Thụy Điển và Đan Mạch đã công bố khoản bảo lãnh cho vay 300 triệu USD vào ngày 18/3. Khoản vay này dành cho hãng hàng không SAS, một trong những động thái mới nhất của chính quyền nhiều nước trong nỗ lực bảo vệ ngành hàng không.

Cơ quan toàn cầu của ngành hàng không, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết tổng số tiền hỗ trợ cần thiết từ các chính phủ trên toàn thế giới có thể lên tới 200 tỷ USD để có thể vực dậy ngành hàng không.

“Ngành hàng không thế giới đang đứng trước bờ vực sụp đổ trước bối cảnh chính phủ nhiều nước đã tiến hành cách ly dân số trên diện rộng và đóng cửa biên giới đối với khách nước ngoài” chuyên gia phân tích Helane Becker thuộc công ty Cowen cho biết. Cộng với việc Mỹ xem xét đưa ra lệnh hạn chế đi lại nội địa trên toàn lãnh thổ, hàng không đang đứng trước sự gia tăng khủng hoảng nhu cầu đi lại.

Tập đoàn hàng không American Airlines cho biết hãng đã phải gia tăng thời gian nghỉ tự nguyện đối với tiếp viên, thợ máy và nhân viên cổng soát vé tới 12 tháng, một trong những dấu hiệu cho thấy tập đoàn không đặt hi vọng vào khả năng sớm hồi phục nhu cầu đi lại của ngành hàng không. 

Diễn biến xấu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

hzchangi0317
Hành khách nhập cảnh đi qua hệ thống soi nhiệt tại sân bay Quốc tế Changi, Singapore ngày 16/3

Tình hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở nên tồi tệ hơn đối với các hãng hàng không trong tuần này khi các chính phủ nhiều nước đã đưa ra nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với lệnh hạn chế đi lại.

Hãng hàng không Air New Zealand hôm 18/3 đã tuyên bố đình chỉ hoạt động thêm hai ngày nhằm đánh giá lại sự tác động đến tài chính của hãng sau khi cắt giảm phần lớn chuyến bay. Hãng hàng không lớn thứ nhì tại Úc, Virgin Australia cho biết hãng sẽ tạm dừng khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế từ ngày 30/3 đến 14/6, giảm nửa sức khai thác hành khách nội địa. Các biện pháp trên có thể dẫn tới sự sa thải ồ ạt tại hãng.

Paul Scurrah, giám đốc điều hành của Virgin cho biết: "Chúng tôi đã bước vào một thời gian chưa từng có trong ngành hàng không toàn cầu, điều này đòi hỏi chúng tôi phải có hành động nhằm duy trì hoạt động một cách có trách nhiệm, cân bằng giữa nhu cầu đi lại và sự an toàn của công dân”.

Đối thủ lớn nhất của Virgin, Qantas cũng công bố kế hoạch cắt giảm 90% công suất quốc tế. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Asia có trụ sở tại Singapore cho biết sẽ ngừng bay hoàn toàn trong 3 tuần, kể từ 23/3 đến 15/4.

“Chúng tôi dự đoán tình hình sẽ còn trở xấu đi nhanh chóng” Giám đốc điều hành của Singapore Airlines Goh Choon Phong tuyên bố trong một cuộc họp hôm thứ 3 (17/3).

Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Philippines, Cebu Air Inc cho biết họ đã hủy tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế bắt đầu từ ngày 19/ 3 đến ngày 14/4 trước tình trạng chính phủ nước này siết chặt an ninh kiểm dịch đi lại. Hãng hàng không quốc gia Philippine cũng sẽ dừng khai thác các chuyến bay quốc tế kể từ 20/3 và hoạt động trở lại kể từ 13/4.

Ý kiến của bạn

Bình luận