“Chiến sỹ bay” vượt khó ở đảo Trường Sa

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/11/2020 14:31

“Chiến sỹ bay” là tên gọi thân thương mà những người dân, người lính trên đảo Trường Sa đặt cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật tại Trạm Dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát (CNS) của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Trước những khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các kỹ sư của ATTECH đã nỗ lực hết mình vượt qua mọi sóng gió để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

chiến sỹ bay
Đội ngũ nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay làm việc tại đảo Trường Sa.

Sức mạnh từ ý chí và tinh thần “thép”

Trong những tháng đầu năm 2020, đất nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới đang phải căng mình đối mặt với đại dịch Covid-19. Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, gặp không ít khó khăn và cuộc sống sinh hoạt ngoài đảo Trường Sa cũng không ngoại lệ.

Do tác động khách quan của đại dịch, mối quan hệ khăng khít giữa đảo và đất liền tạm thời bị chia cắt. Khi những thành phố lớn dần thực hiện theo chỉ đạo cách ly toàn xã hội thì cũng là lúc mà Trường Sa, đồng bào, quân dân, đội ngũ kỹ thuật viên của ATTECH chiến đấu với những thiếu thốn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Bởi lẽ, để đảm bảo phòng ngừa từ xa, cắt các nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lên đảo, mọi chuyến tàu ra thăm hỏi, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 trong năm 2020 đều tạm dừng.

Vốn đã chịu những khắc nghiệt thời tiết cũng như cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, nay những người dân, người chiến sỹ và đội ngũ cán bộ kỹ thuật đang hoạt động, công tác tại Trường Sa còn chịu những cắt giảm về nguồn cung lương thực, thực phẩm, cũng như gặp phải những hạn chế về tinh thần. Dường như thiếu thốn trồng thiếu thốn, thiệt thòi trồng thiệt thòi, khó khăn trồng khó khăn, mọi thứ cứ dồn dập đến với đội ngũ kỹ sư của ATTECH nói riêng và toàn bộ nhân dân trên đảo nói chung. Khoảng thời gian này có lẽ là những ngày "không thể quên" đối với mỗi người lao động của ATTECH đang hoạt động và thực hiện nhiệm vụ tại nơi đây.

csb
Mặc dù công việc có nhiều khó khăn, vất vả nhưng những nhân viên của ATTECH vẫn luôn lạc quan, ngày đêm cống hiến.

Anh Nguyễn Văn Phúc – một trong những kỹ sư trẻ của ATTECH đang làm nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật hệ thống thiết bị Thông tin – Dẫn đường – Giám sát hàng không (Trạm CNS) tại đảo Song Tử Tây chia sẻ: "Công tác 09 tháng liên tục tại hải đảo thực sự là một nhiệm vụ, thách thức đối với bản thân. Bình thường đã vốn thiếu thốn nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cuộc sống của mọi người trên đảo gặp nhiều khó khăn hơn. Để ứng phó với tình hình thực tế, chúng tôi phải tiết kiệm nguồn lương thực, nước dự trữ để đảm bảo dự phòng trong tình hình dịch bệnh kéo dài. Làm nhiệm vụ nhiều tháng trên đảo, tôi cũng như các anh em đồng nghiệp rất nhớ gia đình, nhớ người thân”.

Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng những người “chiến sỹ bay” đang hoạt động trên đảo không hề nao núng, luôn lạc quan với tinh thần ATTECH "Không ngại khó, Không ngại khổ". Họ vẫn ngày đêm cống hiến, sáng tạo trong công việc để vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa trợ lực giúp Trường Sa phòng và chống đại dịch Covid-19. Điều này được minh chứng bằng kết quả vận hành các đài trạm, trang thiết bị đồng bộ đều không có bất kì sai sót nào, sẵn sàng cho những đột phá trong giai đoạn phục hồi sắp tới sau đại dịch. Đồng thời, những người “chiến sỹ bay” này cũng nỗ lực, góp công sức để hỗ trợ các chiến sĩ quân dân tạo nên "lá chắn thép" bảo vệ đồng bào trên đảo Song Tử Tây trước dịch bệnh.

“Tuy ở ngoài biển đảo xa xôi, nhưng anh em chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo Ban lãnh đạo Công ty. Các cuộc điện thoại hỏi thăm, các tin nhắn động viên tiếp thêm phần sức mạnh, niềm tin và an tâm tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra các chiến sĩ, cư dân trên đảo luôn đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng tôi, cùng nhau nỗ lực bám biển giữa muôn trùng khó khăn phía trước", anh Phúc cho biết.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”

Là một trong những “chiến sỹ bay” gắn bó lâu dài với nơi đây, anh Lưu Ngọc Diễn - Trạm trưởng Trạm CNS Trường Sa chia sẻ: “Với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, mỗi lần nhận được nhiệm vụ ra Trường Sa thay ca trực, trong tâm trí anh cũng như các đồng nghiệp của mình luôn có tâm trạng như được về với quê hương, về với mái nhà thân ấm cúng và thân quen của mình. Còn với những đồng nghiệp về đất liền lại luôn cảm thấy bùi ngùi, quyến luyến như thể không muốn xa nhà, xa quê hương của mình”.

chiensybay
Sau những ngày làm việc vất vả, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của ATTECH còn chăm chỉ tăng gia sản xuất, trồng rau cải thiện đời sống.

Anh Diễn cũng cho biết được trải nghiệm những ngày tháng sống và làm việc trên đảo, những người “chiến sỹ bay” như anh thật sự cảm phục về sự quyết tâm của lãnh đạo Công ty và tinh thần vượt khó, không ngại khổ của các kỹ sư ATTECH, đặc biệt là những người đã trực tiếp khảo sát, lắp đặt, đưa vào vận hành khai thác các trạm ADS-B và trang thiết bị đồng bộ tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn. Lên đảo làm việc, các anh mới được chứng kiến tình cảm và sự gắn bó, đoàn kết, chung sức vượt qua gian khó của các lực lượng đóng quân trên đảo và người dân. Mối quan hệ mật thiết giữa quân và dân trên đảo từ lâu đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những con người đang ngày đêm bám biển giữa trùng dương bao la. Được sống và làm việc trong sự quan tâm, đùm bọc của quân dân với những người lần đầu ra đảo làm việc chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao. Chính điều đó như tiếp thêm sức mạnh và ý chí, niềm tin vượt qua khó khăn, bám biển, bám đảo, bám bầu trời của những người “chiến sỹ bay”.

“Sống và làm việc ở Trường Sa mới cảm nhận được nơi đây đang đổi thay từng ngày với rau xanh và trái ngọt, với tiếng trẻ thơ bi bô đánh vần, với tiếng chuông chùa thanh tịnh và những lời nguyện cầu cho sự bình yên, vĩnh cửu… Là “chiến sĩ bay” chúng tôi tự hào lắm! Tự hào vì được sống và làm việc tại Trường sa, khúc ruột của đất mẹ Việt Nam. Nơi đây biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ cho sự bình yên trên biển, đảo. Chính vì vậy, cho dù có vất vả, khó khăn đến mấy chúng tôi cũng cố gắng vượt qua hoàn thành tốt nhiệm vụ được tin tưởng giao phó, đóng góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng vào bảo vệ giữ vững biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc”, anh Diễn cho biết.

Được biết, cụm Thông tin – Giám sát ADS-B/VHF/VSAT đảo Trường Sa Lớn, cùng với cụm Thông tin – Giám sát ADS-B/VHF/VSAT đảo Song Tử Tây là 2 tổ hợp thiết bị CNS hiện đại ứng dụng những công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay của Công ty ATTECH tại quần đảo Trường Sa.

z2160568264103_856861d04e7be8982dfc716dc567f026
Cụm Thông tin – Giám sát ADS- B/VHF/VSAT trên đảo Trường Sa Lớn

Năm 2013, ATTECH đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các hệ thống Giám sát tự động phụ thuộc ADS-B tại đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây, đánh dấu sự có mặt lần đầu tiên của hàng không dân dụng Việt Nam tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, góp phần nâng cao năng lực giám sát đối với các tàu bay dân dụng hoạt động trên các đường bay song song trên biển Đông. Tiếp đó, vào cuối năm 2015, các hệ thống thông tin thoại không – địa VHF và truyền dẫn vệ tinh VSAT tiếp tục được đưa vào khai thác đã góp phần hoàn thiện vững chắc tầm phủ sóng thông tin liên lạc thoại VHF cho toàn bộ vùng thông báo bay, đặc biệt đối với vùng phía Đông và Đông Nam của phân khu 4 và phân khu 5 Vùng Thông báo bay FIR Hồ Chí Minh. Tổ hợp các hệ thống thông tin thoại VHF, giám sát tự động phụ thuộc ADS-B và hệ thống truyền dẫn vệ tinh VSAT nói trên đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay trên khu vực biển Đông thuộc FIR Hồ Chí Minh; đảm bảo hội nhập về tiêu chuẩn điều hành bay đối với các vùng thông báo bay các quốc gia lân cận, nâng cao vị thế của ngành Hàng không Việt Nam trong việc tuân thủ lộ trình cam kết quốc tế trong việc áp dụng các công nghệ mới, hiện đại để nâng cao an toàn hàng không trên khu vực biển Đông; sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động điều hành bay tại khu vực quần đảo Trường Sa, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia.

Ý kiến của bạn

Bình luận