Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ngành Đường thủy nội địa trong tương lai

03/08/2016 06:22

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ngành Đường thủy nội địa trong tương lai

TS. Nguyễn Viết Thanh

Ths. Nguyễn Tuấn Anh

Trường Đại học Giao thông vận tải

Tóm tắt: Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước thời kỳ tới là một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, khoa học quản lý để phát triển CNH - HĐH ngành GTVT, trong đó ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) có vai trò rất quan trọng. Để việc xác định các mục tiêu, chính sách phát triển Ngành một cách đúng đắn cần phải chuẩn bị đủ nguồn vốn, máy móc, thiết bị hiện đại và một nguồn nhân lực (NNL) dồi dào, trong đó NNL là yếu tố vô cùng quan trọng. Đó là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có trình độ cao, được đào tạo bài bản và tiếp cận nhanh những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. Trên cơ sở phân tích hiện trạng NNL ngành ĐTNĐ, bài báo đã đưa ra 8 định hướng cơ bản trong việc xây dựng một chiến lược phát triển NNL đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH của Ngành.

Từ khóa: Nguồn nhân lực, ngành ĐTNĐ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Abstract: The country’s industrialization and modernization period to be a revolution in science and technology, management science to develop industrialization - modernization of transportation, in which the inland waterway industry has a very important role in. In order to determine the objectives, policy development properly, need to prepare enough capital, modern machinery and abundant human resource, in which human resources factor is extremely important. It is leader, scientific and technical staffs, highly qualified workers are trained and agile approach to scientific and technological achievements of the world. Based on analysis of the current status of the human resources of Inland Waterway Adimistration, the paper proposed 8 basic orientations in the development of a strategy to develop human resources to meet the requirements of the industrialization - modernization.

Keywords: Human resources, DTND sector, industrialization and modernization.

1. Đặt vấn đề 

Bộ GTVT đã ban hành Quy hoạch phát triển NNL ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển NNL quốc gia đến năm 2020 trong ngành GTVT, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hằng năm về phát triển NNL của ngành GTVT nói chung và của các cơ sở đào tạo của Bộ GTVT nói riêng. Đồng thời, trên cơ sở mục tiêu, nội dung của các giải pháp thực hiện quy hoạch để triển khai xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện phát triển NNL của toàn Ngành [1]. Vận tải thủy nội địa là một trong 5 phương thức vận tải trong ngành GTVT ở nước ta có vai trò rất quan trọng. Vận tải thủy nội địa không những có vai trò trung chuyển khối lượng hàng hóa, hành khách lớn mà còn tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh [2]. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ĐTNĐ trong những năm tới. Do đó, việc xây dựng chính sách đào tạo NNL cho ngành ĐTNĐ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Cục, tăng cường chất lượng đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Cục ĐTNĐ [3]. Để đáp ứng được nhiệm vụ quan trọng này, việc xây dựng một chiến lược phát triển NNL chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về CNH - HĐH đất nước nói chung và ngành ĐTNĐ nói riêng là hết sức cần thiết.

Bài báo dựa vào NNL hiện có của các đơn vị trực thuộc Cục ĐTNĐ đánh giá hiện trạng NNL, cơ sở đào tạo NNL và thảo luận những định hướng chiến lược phát triển NNL phục vụ CNH - HĐH ngành ĐTNĐ trong tương lai.

2. Thực trạng NNL và cơ sở đào tạo nhân lực ngành ĐTNĐ

2.1. Cơ cấu tổ chức ngành ĐTNĐ

Cục ĐTNĐ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành GTVT ĐTNĐ Việt Nam trong phạm vi cả nước. Cơ cấu tổ chức của Cục ĐTNĐ Việt Nam gồm 9 phòng chuyên môn, các chi cục ĐTNĐ khu vực, các cảng vụ ĐTNĐ khu vực và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc bố trí như Hình 2.1:

Image502131
Hình 2.1: Cơ cấu tổ chức của Cục ĐTNĐ [4]

 

2.2. Thực trạng NNL trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam

Theo số liệu mới nhất, nhân lực các đơn vị trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam có 1.075 CBCNV [4], phân bố nhân lực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam thể hiện hiện trên Hình 2.2:

1
Hình 2.2: Phân bố nhân lực các đơn vị thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam

Phân bố trình độ nhân lực hiện nay không đồng đều, nhân lực có trình độ tiến sĩ chỉ đạt 2 người (chiếm 0,2%), thạc sĩ 67 người (chiếm 7,1%), đại học 708 người (chiếm 74,9%). Đặc biệt, nhân lực có trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật còn cao, chiếm gần 8% (Hình 2.3):

2
Hình 2.3: Phân bố trình độ nhân lực các đơn vị thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam 

Một điều đáng nói là 2 cơ sở đào tạo trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam chưa có nhân lực có học vị tiến sĩ. Hơn nữa, số lượng nhân lực có trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật là 17 người, chiếm 1,8% (Hình 3.4). Phân bố độ tuổi thể hiện trên Hình 3.5 cho thấy, số lượng cán bộ ở độ tuổi từ 40 - 50 (chiếm đến 50%). Có thể nói đây là độ tuổi chín về tay nghề lao động và có hiệu suất lao động cao nhất.

3
Hình 2.4: Phân bố trình độ ở các đơn vị thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam

 

4
Hình 2.5: Phân bố độ tuổi các đơn vị thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam

 

2.3. Thực trạng các đơn vị đào tạo NNL phục vụ ngành ĐTNĐ Việt Nam

Hệ thống cơ sở đào tạo ngành GTVT, trong đó có ngành ĐTNĐ được phát triển rất sớm từ Trường Cao đẳng Giao thông công chính (thành lập năm 1945), đến nay trở thành một hệ thống đào tạo khá lớn với tổng số 21 trường, trong đó: 4 trường đại học, học viện; 4 trường cao đẳng; 8 trường cao đẳng nghề; 2 trường trung cấp; 7 trường trung cấp nghề; 01 trường kỹ thuật nghiệp vụ và 01 Trường Cán bộ Quản lý GTVT [5]. Ngoài ra, các trường đại học ngoài Bộ GTVT có truyền thống đào tạo ngành ĐTNĐ có thể kể đến như: Đại học GTVT, Đại học Xây dựng, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ...

Hệ thống các trường được phân bố hợp lý theo khu vực và tập trung nhiều ở các khu vực kinh tế phát triển như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng được đổi mới theo hướng tăng khả năng ngoại ngữ gắn với ngành nghề và đào tạo theo tín chỉ, học phần, được cập nhật thường xuyên, góp phần đổi mới chất lượng đào tạo. Chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý được các trường thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, tiếp cận sát với thực tế của Ngành. Các trường đại học cả trong và ngoài Bộ đã cập nhật các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng quá trình hội nhập và theo xu thế phát triển của thế giới. 

Chương trình đào tạo nghề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo chương trình khung cập nhật năm 2010. Năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai đề án xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Mục tiêu của đề án là cung cấp một danh mục thiết bị cần thiết cho các trường đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp nghề trong cả nước.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đã và đang chủ động tìm kiếm đối tác để liên danh, liên kết đào tạo. Một số trường đại học đã nhập khẩu chương trình đào tạo của các trường đại học nổi tiếng ở nước ngoài về giảng dạy cho sinh viên Việt Nam. Nhiều bản ghi nhớ hợp tác giữa các trường trong ngành GTVT Việt Nam với các trường đại học, tổ chức giáo dục lớn trên thế giới cũng đã được ký kết, làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác phát triển trong tương lai. Đây được coi là những định hướng tích cực của các trường trong thời gian qua.

Các cơ sở đào tạo sau đại học ở trong nước được củng cố. Các hình thức hợp tác quốc tế trong đào tạo được mở rộng như hội thảo, tham quan, thông qua trợ giúp tài chính của các tổ chức quốc tế và ngân sách nhà nước theo Đề án 165, Đề án 322 và Đề án 911. Tuy vậy, công tác đào tạo hiện nay đặt ra nhiều thách thức. Nhu cầu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý ngày càng tăng. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), yêu cầu về phát triển NNL đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu của TPP là rất cần thiết. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý được đào tạo vẫn chưa theo kịp với công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến; còn thiếu nhiều chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý. Nhìn về số lượng, số cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo vừa qua không phải là ít, song vẫn thiếu cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý "đầu đàn" và công nhân có tay nghề cao. Vì vậy, hệ thống các cơ sở đào tạo ngành GTVT, trong đó có ngành ĐTNĐ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa và thường xuyên đổi mới các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy; đổi mới công tác quản lý nhà trường, đặc biệt là phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm đáp ứng theo nhu cầu đào tạo của Ngành và của xã hội.

 

3. Định hướng xây dựng chiến lược phát triển NNL phục vụ CNH - HĐH ngành ĐTNĐ trong tương lai

3.1. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới

Một số nước tiến hành CNH - HĐH đi trước chúng ta cho thấy sự thành công một phần lớn là do chú trọng vào giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục - đào tạo NNL chất lượng cao. Dưới đây là một số kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới [5].

Nhật Bản đã đưa ra ba nguyên tắc để phát triển kinh tế - xã hội, đó là lấy con người làm trung tâm, lấy phát triển nguồn lực là biện pháp quyết định và động viên quần chúng tham gia tích cực. Hàn Quốc rất chú ý đến phát triển giáo dục - đào tạo, coi trọng người thầy. Hằng năm, Hàn Quốc dành một số lượng ngân sách rất lớn để đầu tư cho giáo dục - đào tạo, cho phát triển NNL chất lượng cao. Sở dĩ, Hàn Quốc có được một nền kinh tế - xã hội phát triển như ngày nay một phần lớn là biết chú ý đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo NNL chất lượng cao.

Singapore là một nước có diện tích nhỏ, tài nguyên ít nhưng nhờ có chính sách phát triển giáo dục - đào tạo, phát triển NNL chất lượng cao nên đã đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, biến Singapore thành nước công nghiêp - dịch vụ phát triển, một "con rồng châu Á" thực thụ.

Các nước Tây Âu rất coi trọng phát triển nền giáo dục - đào tạo. Các nước này đặc biệt chú ý đến việc phát triển NNL chất lượng cao. Họ cho rằng, phát triển NNL chất lượng cao là phải đánh giá một cách đúng đắn vai trò của NNL khoa học - công nghệ đối với CNH - HĐH, nhờ đó mà các nước Tây Âu có chính sách thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ. Các nước này ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển, nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Mỹ luôn coi trọng phát triển nền giáo dục - đào tạo quốc gia. Hệ thống giáo dục của nước này không ngừng đổi mới và hoàn chỉnh nhằm khai thác tiềm năng của con người, phát triển NNL chất lượng cao. Chiến lược của nước Mỹ là hướng vào phát triển công nghệ cao, bồi dưỡng nhân tài, thu hút chất xám, coi trọng tầng lớp trí thức, lấy giáo dục đại học làm phương tiện để chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong phát minh và làm chủ công nghệ mới; coi đó là chiến lược cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thực tế đã chứng minh, đa số nhà khoa học lớn, các chuyên gia hàng đầu trong mọi lĩnh vực đều làm việc ở Mỹ.

Từ những kinh nghiệm trong việc giáo dục - đào tạo NNL chất lượng cao của một số nước trên thế giới cho phép chúng ta rút ra bài học quan trọng: Tài nguyên sức người là nhân tố quyết định tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chứ không phải do tài nguyên vật chất quyết định và giáo dục - đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trực tiếp nâng cao nguồn tài nguyên sức người, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. 

3.2. Mục tiêu của chiến lực phát triển NNL

Mục tiêu phát triển, đào tạo NNL ngành GTVT nói chung và ngành ĐTNĐ nói riêng phải bảo đảm gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; coi đầu tư cho đào tạo NNL là đầu tư phát triển; huy động toàn xã hội tham gia và tối đa hóa các nguồn lực có thể dành cho phát triển đào tạo NNL ngành ĐTNĐ. Chiến lược phát triển NNL của Ngành cần đảm bảo các mục tiêu dưới đây.

Phát triển đào tạo NNL ngành ĐTNĐ là nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam, các trường đại học, cao đẳng và toàn xã hội, có tính chiến lược lâu dài; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của kinh tế hóa ngành ĐTNĐ; bảo đảm nhu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ của từng vùng, từng địa phương.

Phát triển, đào tạo NNL ngành ĐTNĐ phải bảo đảm gắn liền với việc bố trí, sử dụng, nhằm phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; là nội dung quan trọng nhất và phải gắn kết với phát triển con người, góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển con người.

Phát triển, đào tạo NNL ngành ĐTNĐ trên cơ sở tập trung cho các lĩnh vực mũi nhọn của ngành ĐTNĐ, đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển Ngành; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành tiếp cận trình độ quản lý, công nghệ tiên tiến trên thế giới; phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực, tăng cường khả năng liên thông, liên kết giữa các bậc đào tạo.

3.3. Định hướng xây dựng chiến lược phát triển NNL phục vụ CNH - HĐH ngành ĐTNĐ trong tương lai

Đề án “Đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ” đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 264/QĐ-BGTVT ngày 22/01/2014 với mục tiêu nhằm đổi mới bộ máy tổ chức làm công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ theo định hướng hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý; tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát các nhà thầu duy tu, bảo dưỡng công trình, quản lý tới từng địa bàn công trình; phân cấp và tăng cường quản lý tại đơn vị cơ sở, cơ quan quản lý cấp trên thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược quy hoạch và các công việc vĩ mô…; đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, xã hội hóa, phân cấp công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ để làm cơ sở lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao, tạo môi trường lành mạnh; tăng nguồn lực thực hiện bảo trì công trình ĐTNĐ từ xã hội hóa, giảm sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; tăng cường công tác quản lý hành lang, bảo vệ luồng và kết cấu hạ tầng giao thông; đổi mới công tác xây dựng kế hoạch quản lý bảo trì hằng năm, trung hạn 5 năm và điều chỉnh, bổ sung; xây dựng hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng trên các tuyến đường nội địa chính…

Để đáp ứng được mục tiêu của đề án này, kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu về NNL trong ngành ĐTNĐ sẽ thảo luận chi tiết ở các mục dưới đây.

3.3.1. Dự báo tốt nhu cầu nhân lực của Ngành

Dựa vào định hướng, mục tiêu, chiến lược của Ngành, lĩnh vực và thực trạng cơ cấu NNL, độ tuổi cán bộ, trong đó có tính đến tốc độ tăng trưởng về số lượng và chất lượng NNL, số cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu, cần tinh giản và thay thế; căn cứ cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ hiện đại và định hướng phát triển, kiện toàn tổ chức các lĩnh vực Ngành trong thời gian tới để đưa ra được dự báo tốt nhất về nhu cầu NNL, bên cạnh đó cũng cần đề cập tới các yếu tố tác động đến nhu cầu NNL.

3.3.2. Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo của ngành ĐTNĐ

Để ngành ĐTNĐ có được hệ thống đào tạo hoàn chỉnh, phân bố hợp lý các vùng lãnh thổ, đảm bảo đào tạo đủ các chuyên ngành, các trình độ đào tạo; đào tạo được cán bộ chất lượng cao, trình độ đạt được theo khu vực và thế giới; nghiên cứu sắp xếp lại các cơ sở đào tạo gồm chuyển đổi, tách nhập cho phù hợp với hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đặc điểm cụ thể của Ngành, kể cả thành lập mới cơ sở đào tạo, hình thành một số trung tâm đào tạo chất lượng cao để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở giảng dạy hiện đại làm mẫu cho các cơ sở khác.

3.3.3. Cập nhật và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo

Cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... thuộc Cục. Muốn vậy, trước hết cần cập nhật và bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu CNH - HĐH ngành ĐTNĐ và hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đạt các yêu cầu về đào tạo nghề, đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu về NNL của TPP; khuyến khích các trường liên kết đào tạo với nước ngoài, hợp tác song phương với các trường ngoài nước, tham gia đều đặn các cuộc thi tay nghề ASEAN cấp quốc gia và quốc tế; tổ chức thường xuyên hội thi tay nghề giỏi trong Ngành; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra đào tạo ở các trường có liên quan.

3.3.4. Giữ và thu hút chuyên gia trình độ cao và nhân tài

Cần kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng và đãi ngộ nhân tài, tạo môi trường thu hút nhân tài (nhân tài mong muốn trước hết là được làm việc và cống hiến); cần xây dựng chính sách thu hút và sử dụng NNL phải mang tính chất toàn diện; phải xây dựng một cơ cấu NNL hợp lý nhằm tạo ra nhân tài trên nhiều lĩnh vực, tạo ra sự đồng bộ trong cơ cấu nhân sự của Ngành như đào tạo đại học, sau đại học phải kết hợp với đào tạo nghề.

3.3.5. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở trong nước; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành; kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc theo nhóm; tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc;

Xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước; kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và quản lý chuyên ngành; kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế;

Tập trung đầu tư đào tạo lao động trong dây chuyền: Xây dựng, thi công, vận tải logistics, điều khiển phương tiện giao thông, máy móc thiết bị; gửi nhóm lao động đi học tập, thực tập ở nước ngoài.

3.3.6. Xã hội hóa công tác đào tạo

Xem xét khuyến khích các doanh nghiệp nơi tiếp nhận nhân lực được đào tạo tại các trường có trách nhiệm đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đào tạo: Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập với các chính sách như miễn thuế, ưu đãi về lãi suất khi đầu tư; tìm nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế đầu tư cho các trường thông qua các dự án không hoàn lại; xây dựng các dự án đào tạo thông qua các dự án ODA và các công trình trọng điểm của Ngành; chỉ đạo các trường nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thực tiễn của sản xuất; tiếp tục mở rộng các ngành nghề đào tạo, loại hình đào tạo phục vụ nhu cầu đào tạo của Ngành và xã hội.

3.3.7. Áp dụng các cơ chế hỗ trợ phát triển sự nghiệp đào tạo

Xem xét tạo cơ chế tự chủ tài chính, cho phép cán bộ ở các cơ sở đào tạo có thể phối hợp với các viện trong nghiên cứu khoa học.

3.3.8. Các định hướng liên quan khác

Cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trong dạy - học và sinh hoạt của học sinh, sinh viên; thực hiện tốt hơn công bằng xã hội trong giáo dục - đào tạo, đào tạo theo ngành nghề, theo trọng điểm; đổi mới hơn nữa trong việc biên soạn các văn bản pháp luật liên quan tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong Ngành.

 

4. Kết luận

Thực trạng NNL của ngành ĐTNĐ đang phân bố không đồng đều ở các đơn vị, nhân lực trình độ cao còn hạn chế; cần nâng cao chuyên môn cho nhân lực có trình độ trung, sơ cấp và công nhân kỹ thuật hiện có để đáp ứng nhu cầu phát triển Ngành, đặc biệt là những khó khăn khi chúng ta thực hiện PPP.

Trên cơ sở kinh nghiệm của nước ngoài và mục tiêu của việc xây dựng chiến lược đã thảo luận 8 định hướng cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ phát triển NNL, đáp ứng CNH - HĐH ngành ĐTNĐ trong tương lai. Ngoài ra, để có NNL có trình độ cao, khuyến nghị thành lập các viện nghiên cứu chuyên môn để nâng cao năng lực nghiên cứu phục vụ phát triển toàn Ngành.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ GTVT (19/7/2011), Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011 đến 2020.

[2]. Phương Nhi (2015), Khuyến khích phát triển GTVT ĐTNĐ, Báo điện tử Chính phủ (http://baodientu.chinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Khuyen-khich-phat-trien-GTVT-duong-thuy-noi-dia/237959.vgp), cập nhật ngày 20/5/2016. 

[3]. Hoàng Hồng Giang (2014), Thư ngỏ, Cục ĐTNĐ Việt Nam (http://viwa.gov.vn/thu-ngo), cập nhật ngày 20/5/2016.

[4]. Website Cục ĐTNĐ, http://viwa.gov.vn/co-cau-to-chuc, cập nhật ngày 16/5/2016.

[5]. Những giải pháp phát triển NNL chất lượng cao hiện nay (http://kmacle.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/104/907/nhung-giai-phap-de-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-hien-nay), cập nhật ngày 22/5/2016.

Ý kiến của bạn

Bình luận