Chỉ 6% lao động ngành xây dựng tham gia bảo hiểm xã hội

03/06/2017 05:12

Trong số ba triệu lao động trong ngành xây dựng hưởng lương, chỉ có 6% người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

cfc0d_d8864_c215b_dau_tu_tu_quy_bao_hiem
Chi phí đóng cao, ngại ràng buộc đang là những nguyên nhân khiến người lao động và doanh nghiệp không mặn mà tham gia BHXH - Ảnh minh hoạ: TL

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố “Báo cáo nghiên cứu khoảng trống trong tham gia bảo hiểm xã hội ở một số ngành tại Việt Nam” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 2-6-2017 tại Hà Nội.

Theo số liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2014, ngành xây dựng ở Việt Nam có tới ba triệu người lao động hưởng lương nhưng chỉ có 6% tham gia BHXH. Trong ngành sản xuất, kinh doanh sản phẩm mây - tre đan, tỷ lệ này cao hơn, với 20% trong số 300.000 người lao động hưởng lương tham gia BHXH.

Kết quả nghiên cứu của ILO cho thấy, bản thân doanh nghiệp và người lao động đều “ngại” tham gia BHXH.

Bà Paulette Castel, chuyên gia tư vấn của ILO, cho biết: một mặt người lao động mong muốn có nghề nghiệp ổn định với doanh nghiệp,  nhưng mặt khác họ cũng muốn nếu có điều kiện thì sẵn sàng quay trở về nông thôn lập nghiệp. Đặc biệt, những người lao động trong ngành xây dựng có nhu cầu về bảo đảm thu nhập trong ngắn hạn hơn là tham gia vào các khoản lợi ích xã hội.

Nhiều người lao động trong ngành xây dựng ngại ký hợp đồng lao động, đóng BHXH vì sợ bị ràng buộc. Tình trạng không muốn ký hợp đồng diễn ra từ cả hai phía.

Lao động sản xuất mây - tre đan cũng không có hứng thú tham gia BHXH. Họ không cam kết đóng đủ 20 năm BHXH để nhận lương hưu vì khá tự tin vào khả năng lao động ở tuổi già và sự hỗ trợ của gia đình.

Nghiên cứu cho thấy, ngành xây dựng, sản xuất mây - tre đan thường sử dụng nhân công tạm thời thông qua hợp đồng miệng, trả công nhật, chỉ những người lao động gắn kết lâu dài mới được ký hợp đồng và đóng BHXH. Đáng lưu ý hơn cả, người lao động thường thỏa mãn với đề xuất của doanh nghiệp về việc sẽ trả cho họ mức lương thực nhận cao hơn nếu không đóng BHXH.

Với tổng mức đóng BHXH của doanh nghiệp và người lao động lên tới 32,5% tiền lương như hiện nay thì đây là lựa chọn được hai bên cho là cùng có lợi.

Để khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia BHXH, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội, cho rằng cần phát triển hệ thống BHXH đa tầng với sự liên thông giữa bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Việc tham gia bảo hiểm tự nguyện chủ yếu dựa trên đóng góp của người dân, có sự hỗ trợ, đảm bảo của Nhà nước.

“Đặc biệt là cần sớm xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với thủ tục hành chính BHXH để từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ của cơ quan BHXH để tạo niềm tin cho các bên tham gia,” bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nói.

Còn theo khuyến nghị của ILO, cần đơn giản hóa các thủ tục tiếp cận, tham gia BHXH. Đổi với công nghệ, xây dựng một phương thức tham gia linh hoạt sẽ cho phép người lao động tiếp cận bảo hiểm tốt hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận