'Chạy đua' mua tàu bay làm quá tải trầm trọng hạ tầng hàng không

Bạn đọc 15/03/2019 09:40

Thời gian vừa qua, các hãng hàng không trong nước liên tục gia tăng đội bay của mình một cách nhanh chóng khiến hạ tầng của ngành này không bắt kịp đà tăng trưởng.


 

vnp_san_bay
Hạ tầng hàng không đang bị quá tải do các hãng mua nhiều tàu bay về. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không lao vào cuộc đua mua máy bay làm quá tải trầm trọng hạ tầng hàng không tại các sân bay, nhà ga.

Cuộc đua mua tàu bay

Thời gian vừa qua, các hãng hàng không trong nước liên tục gia tăng đội bay của mình một cách nhanh chóng khiến hạ tầng của ngành này không bắt kịp đà tăng trưởng.

Đơn cử, chỉ trong vòng 3 năm qua, Vietjet Air đã ký hợp đồng mua khoảng 270 tàu bay mới. Hiện tại, đội bay của Vietjet có số lượng 64 tàu bay và dự đoán sẽ tăng lên đáng kể sau khi các hợp đồng của Boeing được bàn giao.

Các hãng hàng không khác như Vietnam Airlines đang vận hành đội bay gần 100 chiếc, Jetstar Airlines có 11 chiếc, Bamboo Airways cũng sở hữu đội bay 6 chiếc và có thể tăng lên hơn 50 tàu bay sau các hợp đồng thỏa thuận gần đây. Chưa kể, nước ta có khoảng hơn 60 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ đang khai thác đường bay đến Việt Nam.

Cần phải thừa nhận rằng, thị trường hàng không đang có tốc độ tăng trưởng nóng khi vé máy bay giá rẻ, khuyến mãi ồ ạt và người dân có thể dễ dàng lựa chọn nhu cầu đi lại tại các điểm đến trong nước. Trong khi đó, đường sắt và đường bộ bị “lép vế” về thời gian đi lại, giá vé chưa đủ sức cạnh tranh và chất lượng dịch vụ không thể ngang bằng được hàng không.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thứ 5 thế giới về lượt khách hàng năm trong giai đoạn 2015-2035, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,7%/năm, cao hơn mức 3,9%/năm của thế giới và 4,6%/năm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn hạ tầng sân bay đang diễn ra ở hầu hết các sân bay lớn, đặc biệt nghiêm trọng là sân bay Tân Sơn Nhất (trong khi sân bay Long Thành phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành), sân bay Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng… cũng đang dần quá tải.

Nhìn nhận việc đầu tư hạ tầng hàng không cần thời gian dài chứ không thể ngày một, ngày hai là có thể đầu tư mở rộng được sân bay, xây thêm đường lăn, sân đỗ tàu bay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2018, Bộ đã hoàn thành quy hoạch lại 22 sân bay trong cả nước, phải có tầm nhìn dài hạn cho vấn đề này chứ không thể vừa xây xong là đã quá tải.

Cắt giảm nội địa, tăng bay quốc tế

Khẳng định nhu cầu đi lại đường hàng không rất lớn đã cho thấy tín hiệu của nền kinh tế tốt, niềm tin vào loại hình giao thông an toàn (22 năm qua Việt Nam không có tai nạn hàng không nghiêm trọng), ông Võ Huy Cường bày tỏ sự lo lắng dồn nén áp lực rất lớn về hạ tầng hàng không. Theo ông, Nhà nước cần tăng cường đầu tư các sân bay, sân đỗ; xã hội hóa đầu tư sân bay; quy hoạch quỹ đất làm nhà ga, sân bay, mở rộng đường cất hạ cánh.

Tuy nhiên, vị Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, đối với các hãng đặt mua tàu bay không phải tất cả đưa vào khai thác vì mỗi hãng có một chiến lược kinh doanh riêng như Vietjet có chủ trương thành lập liên minh hãng hàng không bên ngoài tại Thái Lan, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc chứ không phải mang tất cả 200 tàu bay về nước ta khai thác.

Lý giải rõ hơn, theo ông Cường, các hãng hàng không nếu mua đơn hàng tàu bay lớn sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, đồng thời cũng tận dụng nghiệp vụ khá phổ biến là “sale and leaseback” (bán và cho thuê lại), tăng cường khai thác cho thuê ướt (thuê trọn gói máy bay, tổ bay, bảo dưỡng); thành lập công ty chuyên cho thuê tàu bay phối hợp với định chế tài chính lớn để có sự hỗ trợ tài chính…

Đưa ra kinh nghiệm một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan, ông Cường cho rằng không nên hạn chế tàu bay nội địa mà cắt giảm nội địa chuyển sang khai thác quốc tế. Điều này bởi một phần do cơ sở hạ tầng hiện đại như đường sắt và đường cao tốc tốt nên số khách sử dụng bay nội địa quãng ngắn giảm. Trong khi đó, dù cơ sở hạ tầng hàng không ở các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên cũng được đầu tư phát triển nhưng chưa kịp nhu cầu đi lại của hàng không.

“Tại nước ta, đường bay quốc tế cạnh tranh khốc liệt nhưng doanh thu tốt hơn vì nội địa tuyến ngắn giá bị khống chế theo quy định. Với tình hình quá tải, slot (giờ cất hạ cánh) tới sân bay quan trọng không tăng thì các hãng có thể chuyển hướng bay đường trục nhu cầu lớn, hệ số sử dụng ghế cao hoặc duy trì đường bay du lịch mùa cao điểm, còn lại tập trung bay quốc tế,” ông Cường bày tỏ quan điểm.

Từ đó, ông cho rằng, đường bay nội địa không tăng mà sẽ cắt giảm, trong khi đó tăng đường bay quốc tế, điều này có thể thay đổi bức tranh về vận tải hàng không của Việt Nam./.

Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định tiến hành thanh tra công tác quản lý năng lực khai thác và điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) tại cảng hàng không, sân bay. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2018 đến thời điểm thanh tra và các thời kỳ khác có liên quan.

Hội đồng quản lý slot do Cục trưởng Cục Hàng không làm Chủ tịch và thành viên là các Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không… Việc điều phối slot thực hiện theo nguyên tắc chỉ cấp tối đa 85% năng lực, theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Ý kiến của bạn

Bình luận