Chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam 7 năm sau khi gia nhập WTO

25/04/2015 10:56

Dịch vụ logistics đã và đang trở thành một công cụ cạnh tranh hữu hiệu của các doanh nghiệp trước xu thế toàn cầu hóa hoạt động thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh khi những rào cản đã được dỡ bỏ dần cho các doanh nghiệp nước ngoài trong lộ trình thực hiện những cam kết WTO của chính phủ Việt Nam.


Bài báo phân tích về thực tế chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam sau 7 năm chính thức gia nhập WTO vào ngày 11/01/2007 cũng như đề cập đến định hướng của Chính phủ nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ logistics.

TS. Hồ Thị Thu Hòa
Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ CHí Minh

Người phản biện: PGS. TS. Đồng Văn Hướng
PGS. TS. Trần Cảnh Vinh

Từ khóa: Chất lượng dịch vụ, logistics, WTO.

Abstract: Logistics service has been becoming among effective competitive tools of companies in the trend of trade globalization. Especially, since 2014, 100% foreign – invested foreign enterprises have been allowing toparticipate directly into doing logistics in Vietnam under WTO commitments. This paper is to discuss about the reality of Vietnam logistics service quality – 7 years after accession to WTO on November 1st 2007 as well as the orientation of Vietnam government to improve this sector’s quality. 

Keywords: Service quality, logistics, WTO.

1. Giới thiệu chung

Theo cam kết WTO, từ năm 2014, hầu hết các dịch vụ logistics đều được dỡ bỏ rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài được gia nhập thị trường với mức vốn 100%. Tự do hóa trong lĩnh vực logistics theo yêu cầu của WTO vừa là cơ hội khi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận những kinh nghiệm trong quản lý mạng lưới logistics toàn cầu nhưng cũng là thách thức khi doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển nguồn lực theo chiều sâu để có thể đủ sức cạnh tranh một cách nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

2. Giới thiệu tổng quan về hoạt động logistics của Việt Nam

2.1. Khái quát về hoạt động logistics Việt Nam

Tổng quan về hoạt động logistics Việt Nam có thể được tóm tắt qua Bảng 2.1 sau đây:

Bảng 2.1. Tổng quan về lĩnh vực dịch vụ logistics Việt Nam

b21

Nguồn: Nomura Research Institute: Viet Nam Logistics Development, Trade Facilitation & the Impact on Poverty Reduction. Japan [4]

Thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay được chia sẻ cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, chiếm lĩnh thị trường chủ yếu vẫn là các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với khả năng cạnh tranh, mạng lưới rộng khắp, tính chuyên nghiệp, sự đa dạng và chuyên sâu của các dịch vụ cung cấp như quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ giá trị gia tăng, hệ thống thông tin logistics và trung tâm phân phối trong khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tập trung vào việc cung cấp những dịch vụ logistics cơ bản như vận tải, giao nhận và thủ tục hải quan.

2.2. Khung pháp lý đối với dịch vụ logistics tại Việt Nam

2.2.1. Luật Thương mại 2005 [3]

Dịch vụ logistics được đề cập lần đầu tiên trong Luật Thương mại 2005 tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa 11 với các Điều từ 233 đến 240 bao gồm:

- Khái niệm về dịch vụ logistics (với thuật ngữ logistics phiên âm theo tiếng Việt là “logistics”);

- Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics;

- Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

- Quyền và nghĩa vụ của khách hàng;

- Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

- Giới hạn trách nhiệm;

- Quyền cầm giữ đối với hàng hóa;

- Nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khi cầm giữ hàng hóa.

2.2.2. Nghị định số 140/2007/NĐ-CP [5]

Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2007/NĐ-CPQuy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logisticsbao gồm 4 Chương và 12 Điều với một số nội dung chính:

- Phân loại dịch vụ logistics;

- Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics trong đó có đề cập lộ trình cam kết xóa bỏ giới hạn về tỷ lệ % góp vốn của đối tác nước ngoài trong các công ty liên doanh;

- Giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

- Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics.

3. Đánh giá của World Bank (WB) về chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2014

3.1. Giới thiệu về chỉ số đánh giá kết quả thực hiện logistics (The Logistics Performance Index – LPI)

Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện logistics (LPI) và các chỉ số thành phần được thực hiện bởi WB, các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà khoa học. LPI là chỉ số được xây dựng nhằm giúp cho các quốc gia trên thế giới phát hiện ra những thách thức và cơ hội trong quá trình thực hiện hoạt động logistics. WB thực hiện các cuộc khảo sát LPI định kỳ từng 2 năm [9]. Những ý kiến thu thập được từ các công ty sử dụng dịch vụ logistics, chuyên gia hoạch định chính sách, các công ty logistics và các nhà chuyên môn về các vấn đề liên quan đến thực hiện logistics đều được xem xét trong LPI. Các nội dung liên quan đến chỉ số LPI được thể hiện ở Bảng 3.1 sau:

Bảng 3.1. Các nội dung liên quan đến chỉ số LPI

b31

Nguồn: World Bank (2007, 2010, 2012, 2014): Connecting Compete: Trade Logistics in the Global Economy

3.2. LPI của Việt Nam qua các năm 2007, 2010, 2012 và 2014

Mặc dù có tốc độ phát triển cao (trung bình 20%), nhưng chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam chưa thực sự phát triển tương xứng.

Trong cuộc khảo sát thực hiện đầu năm 2014, WB đã tăng số quốc gia được khảo sát lên 166 và chỉ số LPI của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc từ vị trí 53/155 theo thường lệ lên vị trí 48/166 quốc gia. Chỉ số LPI và các chỉ số thành phần của logistics Việt Nam qua các năm được thể hiện chi tiết ở Bảng 3.2 sau:

Bảng 3.2. LPI và các chỉ số đánh giá thành phần của logistics Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2014

b32

Nguồn: World Bank (2007, 2010, 2012 and 2014): Connecting to compete: Trade logistics in the global [9]

Cùng với một số quốc gia dẫn đầu về logistics thuộc nhóm nền kinh tế có thu nhập không cao (non-high income) như Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nỗ lực vươn lên trong cải thiện chất lượng dịch vụ logistics (Hình 3.1).

h31

Nguồn: World Bank (2014): Connecting to compete: Trade logistics in the global [9]

Hình 3.1: Các quốc gia có LPI kém nhất và tốt nhất thuộc nhóm nền kinh tế có thu nhập không cao

Nỗ lực của Chính phủ cũng như của các công ty trong và ngoài nước đã góp phần cải thiện kết quả thực hiện logistics của Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam đã có chuyển biến tích cực khi các chỉ số về cơ sở hạ tầng được cải thiện từ vị trí 82 (2012) lên vị trí 44 (2014) và chỉ số về chất lượng và năng lực logistics được cải thiện từ vị trí 82 (2012) lên vị trí 49 (2014). Tuy nhiên, chỉ số về thời gian thực hiện dịch vụ đã tụt lùi từ vị trí 36 (2012) xuống vị trí 56 (2014).

Chỉ số năng lực giảm từ vị trí 56 (2007) xuống vị trí 82 (năm 2012) thể hiện sự suy giảm về năng lực của nhà cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, năm 2014, thay đổi vị trí lên 49. Tín hiệu tích cực này cho thấy nếu tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn, năng lực logistics của Việt Nam sẽ có sự thay đổi tốt hơn. Ngoài ra, trong khi các quốc gia trong khu vực (Bảng 3.3) có sự thay đổi tăng vị trí không nhiều, thì Việt Nam vẫn là một trong những nước có vị trí theo chỉ số LPI tăng vọt từ vị trí 53/155 (năm 2012) lên vị trí 48/166 (năm 2014) (Bảng 3.3).

Tuy nhiên, có thể thấy rằng vẫn có những chỉ số giảm nghiêm trọng. Chẳng hạn, chỉ số về thời gian giảm từ vị trí 38 (năm 2012) xuống vị trí 56 (năm 2014) trong khi chỉ số hải quan giảm từ 37 (2007) xuống chỉ còn ở vị trí 63 (năm 2012) và có cải thiện đến vị trí 61 (năm 2014) dù Chính phủ và ngành Hải quan đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện quy trình thực hiện thủ tục khai báo hải quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (hải quan điện tử) và gần đây là triển khai hệ thống VNACCS/VCIS.

Bảng 3.3. Chỉ số LPI & các chỉ số thành phần đánh giá chất lượng dịch vụ logistics của một số quốc gia trong khu vực (2007, 2010, 2012 và 2014)

b33

Nguồn: World Bank (2007, 2010, 2012& 2014): “Connecting to compete: Trade logistics in the global” [9]

Chú thích: Ở mỗi chỉ số đánh giá, kết quả của 4 năm được cung cấp (VD: Việt Nam – chỉ số hải quan 37(53) 63 (61) có nghĩa là 37 (2007), 53 (2010), 63 (2012), và 61 (2014); -: không đánh giá

Sự sút giảm một số chỉ số đánh giá dịch vụ logistics của Việt Nam theo đánh giá của WB cho thấy tổng thể chất lượng dịch vụ logistics vẫn chưa được cải thiện, do đó sẽ là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành giữa các công ty nội địa và công ty nước ngoài hiện tại cũng như với các công ty nước ngoài đang chuẩn bị gia nhập thị trường logistics Việt Nam khi rào cản 100% vốn nước ngoài được mở ra từ năm 2014 theo cam kết của Việt Nam trong lộ trình gia nhập WTO cũng như với những thách thức đến từ TPP (Trans – Pacific Partnership – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) khi chính thức được thông qua bởi 12 nước thành viên.

4. Định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics của Chính phủ cho đến năm 2020

Từ thập niên 90 (gần 3 thập kỷ qua), ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã không ngừng phát triển, mang lại nhiều thành công và đổi thay có giá trị đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã đánh giá rất cao vai trò của logistics qua quyết định 175QĐ-TTg (27/1/2011) “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020” [6] với định hướng:

- “Logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu”;

   – “Hình thành dịch vụ trọn gói 3PL (integrated 3PL); phát triển logistics điện tử (e-logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện”.

   – “Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics đạt 20 – 25% năm. Tỉ lệ thuê ngoài logistics (outsourcing logistics) đến năm 2020 là 40%”.

Trước đó, ngày 15/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1601/QĐ-TTg “Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” [7], trong đó nêu rõ ở Điều 1: “Phát triển vận tải biển đồng bộ với phát triển các ngành vận tải liên quan: Đường bộ, đường sông, đường sắt; ứng dụng và phát triển công nghệ vận tải tiên tiến, trong đó chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics để tạo nên một hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn, hiệu quả.

5. Cam kết WTO của Việt Nam trong lĩnh vực logistics

Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) [10] của WTO phân loại dịch vụ thành 12 ngành, với tổng cộng 155 hoạt động dịch vụ, theo đó, dịch vụ logistics bao gồm các dịch vụ vận tải, các dịch vụ phụ trợ cho mọi phương thức vận tải như dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ lưu kho và kho hàng, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ phân phối.

Sau khi chính thức trở thành thành viên đầy đủ của WTO vào ngày 11/01/2007, Việt Nam đã và đang từng bước thực hiện theo lộ trình các cam kết WTO trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics. Theo cam kết, Việt Nam thực hiện tự do hóa dịch vụ logistics trong WTO về logistics theo lộ trình 4 bước đến năm 2014 bao gồm:

- Tự do hóa thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế quan;

- Tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics;

- Nâng cao năng lực quản lý logistics;

- Phát triển nguồn nhân lực.

Với cam kết này, kể từ ngày 11/01/2014, các nhà cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để gia nhập thị trường logistics nội địa. Như vậy, áp lực cạnh tranh gia tăng không chỉ giữa các nhà cung cấp nội địa mà còn là cuộc đối đầu giữa các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài có tiềm lực vững mạnh, mạng lưới, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao.

6. Một số kiến nghị

- Về quản lý nhà nước: Hiện nay, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics có sự tham gia của 4 bộ liên quan là Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các dịch vụ logistics đều chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải, nên chăng quy trách nhiệm quản lý nhà nước về một cơ quan chủ quản duy nhất là Bộ GTVT, điều đó sẽ giúp cho việc kiểm soát chất lượng dịch vụ có tính nhất quán, tránh chồng chéo về chức năng giữa các bộ, ngành.

- Về cơ sở pháp lý: Hiện nay, mới chỉ có Nghị định số 140/2007/NĐ-CP “Quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics”. Nên hướng tới việc xây dựng luật logistics nhằm thể chế hóa mọi hoạt động logistics và có căn cứ pháp lý ở mức độ cao và nhất quán trong giải quyết những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động logistics.

7. Kết luận

Sau 7 năm gia nhập WTO (tính đến 2014), mặc dù logistics Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên cần có sự nỗ lực hơn nữa từ cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để cải thiện tốt hơn nữa chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam và xây dựng chiến lược dài hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Thị Thu Hòa (2014), Mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ logistics REPERIMP phù hợp với thực tế Việt Nam, Tạp chí GTVT, số 3/2014, tr.49- 52.

[2]. Hồ Thị Thu Hòa (2014), Một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng chuỗi dịch vụ logistics của Việt Nam – Trường hợp của TP. HCM (Đề tài NCKH cấp trường, Trường Đại học GTVT TP. HCM).

[3]. Luật Thương mại Việt Nam, 2005.

[4]. Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.

[5]. QĐ 175QĐ-TTg (27/1/2011), Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.

[6]. Quyết định 1601/QĐ-TTgQuy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

[7]. World Bank (2007, 2010, 2012, 2014), Connecting to compete: Trade logistics in the global, New York: World Bank.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận