Chặn đứng gian lận, bịt lỗ hổng trong các kỳ thi THPT quốc gia

03/10/2018 09:59

Hàng loạt sự cố nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 khiến các chuyên gia tuyển sinh phải họp với Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) bàn cách hoàn thiện, bịt các lỗ hổng trong các kỳ thi tới đây với mục tiêu giữ ổn định đến năm 2023.

bothi
Năm 2019, Kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ ổn định về cách thức tổ chức thi

Rà soát quy trình, chỉ rõ sai phạm

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 khiến dư luận chấn động với phát hiện hơn 330 bài thi ở Hà Giang có tổng điểm công bố chênh so với điểm chấm thẩm định, trong đó không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm. Thậm chí có thí sinh được nâng lên 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có trường hợp thí sinh bị điểm liệt 0,75 điểm môn Hóa học (nghĩa là sẽ trượt tốt nghiệp THPT) được sửa thành điểm Giỏi với mức 9,75 điểm. Tiếp theo đó là tại Hòa Bình, Sơn La đều phát hiện tình trạng sửa điểm nghiêm trọng.

“Kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện với mục tiêu “2 trong 1”. Nếu chỉ là mục tiêu tốt nghiệp THPT thì chắc chắn Kỳ thi THPT quốc gia sẽ không có nhiều sai phạm. Sai phạm chủ yếu ở đây là làm cho thí sinh có kết quả tốt để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng, thậm chí có thể vào một số trường danh tiếng”.

Tiến sĩ Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,  Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội)

Trước các tình huống này, Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đồng thời yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương rà soát quy trình tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện Quy chế thi, giải pháp khắc phục; có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi điểm thi. 

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực nói trên, TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng Kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện với mục tiêu “2 trong 1”. Theo TS. Phạm Tất Thắng, nếu chỉ là mục tiêu tốt nghiệp THPT thì chắc chắn Kỳ thi THPT quốc gia sẽ không có nhiều sai phạm. Sai phạm chủ yếu ở đây là làm cho thí sinh có kết quả tốt để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng, thậm chí có thể vào một số trường danh tiếng.

Tranh cãi về việc bỏ mục tiêu “2 trong 1”

Theo TS. Phạm Tất Thắng, Kỳ thi THPT quốc gia xét dưới góc độ tốt nghiệp THPT, mang tính chất sát hạch để xem học sinh có đủ kiến thức văn hóa tối thiểu tiếp tục học lên hoặc là bước ra thị trường lao động. Mục tiêu thứ hai để xét tuyển đại học, cao đẳng là phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, đầy đủ tư duy để có thể học cao hơn ở hệ thống giáo dục quốc dân là đại học, cao đẳng.

Vì vậy, TS. Phạm Tất Thắng cho rằng mục tiêu của hai kỳ thi rất khác nhau, ghép kỳ thi này về kỹ thuật là rất khó, tạo tâm lý căng thẳng với những thí sinh không có nhu cầu xét tuyển đại học, đồng thời cũng khiến cho kỳ thi này phát sinh những sai phạm nghiêm trọng từ chủ quan những người làm công tác thi để thí sinh được nâng đỡ vào những đại học uy tín. 

Trước nhiều ý kiến góp ý về việc cải tiến Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ giữ ổn định kỳ thi này, đồng thời bổ sung các nội dung về đề thi như tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Về các bài thi, môn thi, trong các năm 2019, 2020 việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017; từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Bên cạnh đó, các khâu kỹ thuật trong làm đề, chấm thi cũng sẽ được cải tiến để tránh phát sinh những sai phạm nghiêm trọng nói trên.

Đặc biệt, tại phiên giải trình việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Kỳ thi THPT quốc gia sẽ không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. 

Tuy nhiên, giải thích về thay đổi này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định các thay đổi, điều chỉnh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, hướng tới thuận lợi cho thí sinh. Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. 

“Các thay đổi, điều chỉnh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, hướng tới thuận lợi cho thí sinh. Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi”.

Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Ý kiến của bạn

Bình luận