Chấm thi tự động sát hạch cấp GPLX: Thí sinh phải học nghiêm túc

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/07/2016 11:00

Chấm điểm thi tự động bằng thiết bị điện tử bảo đảm khách quan, minh bạch vì vậy yêu cầu thí sinh phải đi học nghiêm túc sẽ đậu.

h1
Chấm điểm thi tự động bằng thiết bị điện tử bảo đảm khách quan, minh bạch vì vậy yêu cầu thí sinh phải đi học nghiêm túc.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi, Hiệu phó Trường Dạy nghề tư thục lái xe Tiến Bộ quận Tân Phú, TP.HCM cho biết: “Đợt triển khai thi thực hành bằng máy chấm tự động vừa qua chúng tôi tổ chức cho 100 thí sinh trong đó rớt 12 người (tỉ lệ đậu đạt 88%, giảm 7% so với chấm thi thủ công trước đây). Học viên chủ yếu mắc lỗi cán vạch, chống chân và đi sai quy trình. Thí sinh phải đi học nghiêm túc để biết quy trình và cách thức chấm điểm của máy thì sẽ đậu, bởi máy chấm rất minh bạch không thể may rủi”.

Nói về quy trình thi lái xe chấm điểm bằng máy tự động ông Dũng cho biết, ngay khi thí sinh đưa xe vào điểm xuất phát, màn hình điện tử hiển thị 100 điểm, nếu vi phạm các lỗi chống chân xuống đất hoặc bánh xe cán vạch hình thi (mỗi lần vi phạm sẽ bị trừ 5 điểm) loa gắn trên xe và loa trên sân sẽ thông báo để thi sinh biết mình vi phạm. Vượt qua 4 bài thi, trên màn hình hiển thị từ 80 điểm trở lên là đạt, dưới 80 điểm là trượt. Đồng thời, loa gắn trên xe và loa trên sân cũng thông báo kết quả đến thi sinh như “chúc mừng bạn thi đạt” hoặc “bạn đã thi trượt”. Như vậy thí sinh sẽ biết ngay kết quả khi vừa kết thúc bài thi thực hành.

Theo các trung tâm sát hạch những ngày đầu triển khai thi thực hành bằng máy chấm tự động ở phần thi thực hành do đa phần thí sinh chủ quan và không đi học đầy đủ nên tỉ lệ rớt nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Cường (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) thi bằng lái xe hạng A1 cho biết: “Nhiều thí sinh chủ quan chỉ ôn luyện lý thuyết trong khi phần thi thực hành bây giờ máy chấm tự động nên bị rớt do không đi học đầy đủ nên chưa nắm được quy trình thi và các lỗi thường vi phạm mà máy bắt lỗi. Việc triển khai máy chấm tự động rất chính xác và minh bạch chỉ cần thí sinh đi học đầy đủ sẽ qua”.    

h2
Việc triển khai máy chấm tự động thay thế con người sẽ khách quan hơn, giảm áp lực cho giám khảo.

Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng Phòng Quản lý sát hạch & cấp GPLX (Sở GTVT TP.HCM) cho biết: “Khoảng 10% thí sinh thi rớt thực hành khi triển khai chấm điểm tự động bằng máy, nhiều hơn so với thi chấm điểm thủ công với tỉ lệ rớt khoảng 5% - 8%. Việc triển khai máy chấm tự động thay thế con người sẽ khách quan hơn, giảm áp lực cho giám khảo vì vậy đòi hỏi người thi phải tăng cường học thực hành. Tỉ lệ rớt thời gian đầu có thể sẽ cao, nhưng dần dần học viên tự giác trong việc đi học thực hành như vậy tỉ lệ đậu sẽ tăng lên”.

Việc tổ chức thi thực hành chấm điểm tự động đã phản ánh đúng năng lực thực sự của người lái xe, tạo sự công bằng, khách quan và minh bạch, hơn hẳn cách thi thủ công mà giám khảo có thể bỏ qua một số lỗi của thí sinh, ông Nhân cho biết thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận