Cầu vượt xây 350 tỉ rồi để không

Thị trường 29/04/2016 14:02

Cầu vượt đường sắt Yên Lý (Nghệ An) được xây dựng với kinh phí gần 350 tỉ đồng, tuy nhiên, sau 5 tháng, người dân đã không sử dụng cây cầu này.

 

Cầu vượt xây 350 tỉ rồi để không
Cầu vượt Yên Lý vắng vẻ do người dân không sử dụng - Ảnh: Phạm Đức

Dự án cầu vượt đường sắt Yên Lý được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí gần 350 tỉ đồng được đưa vào khai thác từ tháng 10.2015, với mục đích giảm ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực này. Thế nhưng, 2 tháng trở lại đây các phương tiện lại đua nhau vượt đường ngang dân sinh tại ngã ba Yên Lý mà “bỏ qua” cây cầu vượt, chỉ cách đó khoảng 100m.

Đóng rồi… lại mở

Theo dự án được duyệt và thỏa thuận của UBND tỉnh Nghệ An với Bộ GTVT thì sau khi thi công xong cầu vượt, phải đóng đường ngang dân sinh tại ngã ba Yên Lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đường ngang dân sinh tại ngã ba này lại được mở. Các loại xe như thường lệ lại tiếp tục nối đuôi nhau chạy cắt ngang qua đường sắt như trước khi có cầu vượt. Nguy cơ tai nạn giao thông lại tiếp diễn, tình trạng ùn tắc giao thông lại xảy ra như hiện trạng ban đầu. Trong khi đó, cầu vượt cách đó không xa được đầu tư khang trang lại vắng bóng phương tiện qua lại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ngã ba Yên Lý vào những ngày giữa tháng 3, mặc dù đơn vị quản lý đã đặt một biển báo cấm xe khách trên 30 chỗ và xe tải trên 3,5 tấn, nhưng các phương tiện đủ mọi thể loại vẫn ung dung đi qua, mà không bị lực lượng chức năng xử lý. Tại đây, khi có tín hiệu thông báo tàu hỏa sắp đến, các loại phương tiện vẫn mạnh ai nấy vượt, bất chấp nhân viên gác chắn kêu gọi thông báo. Anh Vũ Văn Quang, nhân viên gác chắn tại đường ngang dân sinh này cho biết, đường ngang này chỉ đóng được mấy tháng rồi lại mở, nhân viên gác chắn rất vất vả khi có tàu qua. Đã nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra tại đây, do ý thức kém của người dân. “Mỗi lần có tàu chạy qua, chúng tôi phát tín hiệu đèn đỏ báo hiệu, nhưng nhiều phương tiện vẫn bất chấp cố tình vượt qua. Một số người đi bộ còn dùng tay gạt cần chắn khi đã đóng để băng qua đường sắt”, anh Quang nói.

Do cầu vượt bất tiện?

Ông Lê Đức Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Yên cho biết, do cầu vượt có độ dốc lớn, nên các hộ dân tại xóm 4,5,6 nằm ở phía đông QL1A phải đi sang phía tây để sản xuất, nhưng đi cầu vượt bất tiện. Hơn nữa, có hàng chục hộ dân buôn bán lâu đời ở đoạn đường này, nếu đóng đường ngang sẽ không thể kinh doanh được. Vì thế, người dân đã gửi kiến nghị lên UBND H.Diễn Châu và Sở GTVT, yêu cầu đơn vị thi công không được đóng đường ngang dân sinh tại ngã ba Yên Lý.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên BOT quốc lộ 1A Cienco 4 - TCT 319 cho biết, đơn vị này đã làm hàng rào đóng đường tại điểm giao cắt giữa QL1A và QL48 để phục vụ thi công hạng mục cầu vượt cho người đi bộ. Tuy nhiên, người dân đã ra cản trở thi công và tự ý tháo dỡ rào chắn. Do đó, hiện nay, các phương tiện giao thông hầu hết không đi qua cầu vượt mà đi qua nút giao thông cũ tại ngã ba Yên Lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, việc các hộ dân thuộc xã Diễn Yên kiến nghị mở đường ngang dân sinh tại ngã ba Yên Lý là không phù hợp với mục tiêu của dự án. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đặt biển báo hiệu đường cụt để tất cả các phương tiện bắt buộc phải lưu thông qua cầu. Đoạn giao cắt giữa QL1A và QL48 sẽ đặt biển báo cấm quay đầu xe, phương tiện nào không chấp hành sẽ bị xử lý”, ông Kỳ khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận