Cập nhật bão số 10: Di chuyển "thần tốc", mưa lớn trên diện rộng

Tác giả: Lê Dương

saosaosaosaosao
14/09/2017 16:01

15h chiều 14/9, bão số 10 đã di chuyển "thần tốc", giật cấp 17, gây mưa trên diện rộng.

bão
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khẩn trương chủ động ứng phó ảnh hưởng của cơn bão số 10, không để thiệt hại người và tài sản.

Sáng 14-9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị ứng phó với bão số 10. Bão số 10 mang tên quốc lế là Doksuri được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philipin, đổ bộ vào Biển Đông ngày 12-9 vừa qua.

Tại hội nghị, TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết, vào 7h sáng nay (14-9), bão số 10 cách Đà Nẵng 500km, cách Hà Tĩnh, Quảng Bình 700km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 15. Với khoảng cách chỉ 700km khoảng 24 tiếng nữa bão sẽ tiệm cận Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Từ ngày 15 đến 16-9, bão Doksuri  có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta với sức gió mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11- 12, giật cấp 14-15, kèm theo nước dâng, mưa lớn trên diện rộng.

Các sông Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị khả năng có lũ cấp 2-3, còn các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa có khả năng có lũ quét, các tỉnh vùng biên giới Nghệ An, Hà Tĩnh giáp Lào có khả năng hứng chịu sạt lở lũ quét từ biên giới Lào sang.

bão số 10

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, nguy hiểm, bão di chuyển nhanh cùng thời điểm với triều cường, do đó nếu không phương án ứng phó, hậu quả sẽ khó lường. Các Bộ ngành, địa phương cần tập trung có các phương án hiệu quả nhất để giảm thiểu thiệt hại do bão đi qua.

Tập trung đảm bảo an toàn các hoạt động trên biển, yêu cầu các tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn; đối với vùng ven biển, trên bờ, các địa phương cần tiến hành cấm biển trong ngày hôm nay, đảm bảo an toàn tàu thuyền vào nơi tránh trú; tập trung thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động tiêu úng nơi sản xuất và các đô thị; hướng dẫn hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sản xuất, lồng bè thủy sản.

Khẩn trương sơ tán người dân ra vùng nguy hiểm, kiên quyết sơ tán thậm chí cưỡng chế, không để người dân trên lồng bè, chòi cây, khu vực gần đê biển, công trình yếu… không để gây thiệt hại tính mạng người dân, kể cả người dân đã vào khu vực tàu thuyền tránh trú. Gia cố nhà ở, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, đặc biệt công trình tháp cao. Các công trình hệ thống điện, không đảm bảo mất điện hoặc phải khắc phục nhanh khi có sự cố.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị chủ động triển khai các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là đường sắt và đường bộ đi qua khu vực có bão đi qua; đảm bảo an ninh trật tự vùng sơ tán và người dân đên sơ tán; theo dõi diễn biến cơn bão, có cảnh báo sát, kịp thời nhất.

Ông Cường dẫn thông tin dự báo của thế giới cho biết, Trung Quốc, Hồng Kông đều cho rằng bão sẽ mạnh lên cấp 15. Riêng dự báo của Mỹ, bão số 10 có thể mạnh cấp 15- 17. Đây là cơn bão có tính chất cực kỳ nguy hiểm vì thế các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đánh giá, tính chất cơn bão số 10 rất nguy hiểm. Rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa vì thế Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cần bám sát, chặt chẽ hướng đi của bão, thông báo kịp thời để các tỉnh ứng phó chủ động.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến 6h sáng nay, đã kêu gọi 69.547  phương tiện toàn tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Thanh Hóa hiện chưa liên lạc được với 3 tàu. Bộ đội biên phòng đang tiếp tục liên lạc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, muộn nhất là đêm nay phải yêu cầu các phương tiện, người dân phải vào bờ vì chỉ còn khoảng 30 tiếng nữa là bão vào. Đề nghị cảnh báo, hạn chế các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1 đi vào khu vực bão.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, cơn bão số 10 đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và đây là lần đầu tiên cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4 được áp dụng trong cơn bão này. Mặc dù đây không phải là cơn bão mạnh nhất nếu so sánh trong quá khứ. Rủi ro thiên tai đã được phân cấp với từng loại thiên tai, căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai. Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ. Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình. Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn. Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn. Cấp 5 màu tím là thảm họa.

Đối với bão, rủi ro ở cấp độ 4 áp dụng trong các trường hợp: Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam bộ. Bão rất mạnh từ cấp 12 - cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc bộ, Trung bộ. Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nghệ An: Chiều 14/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã có công văn khẩn gửi Phòng GD&ĐT các huyện, Ban giám hiệu các trường trên toàn tỉnh yêu cầu cho toàn bộ học sinh bậc từ Mầm non đến Phổ thông trung học nghỉ học từ chiều 14/9 để phòng tránh bão số 10. Theo đó, khoảng 700.000 học sinh ở Nghệ An đã được thông báo nghỉ học để tránh bão số 10. 

Hà Tĩnh: Sáng ngày 14/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Tĩnh đã có lệnh sơ tán dân để ứng phó với cơn bão số 10 sắp đổ bộ vào đất liền.

Quảng Trị: Tập trung cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống bão số 10. Các địa phương, đơn vị đã triển khai ngay việc gia cố, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, hệ thống điện, thông tin liên lạc; đặc biệt đối với các nhà có mái lợp không kiên cố, các trường học, bệnh viện, các công trình đang thi công, bảng hiệu, biển quảng cáo…

Đồng thời, triển khai đồng bộ việc cắt tỉa cành cây, chằng chống cây trong đô thị, khu dân cư, trong từng cơ quan, đơn vị. Các việc này phải thực hiện xong trước 18h ngày 14/9… 

Để đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng chống bão tại trường học, Sở GD&ĐT thông báo các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ chiều 14/9 đến hết ngày 15/9.

Thừa Thiên Huế: Ngày 14-9, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Kiểm tra tại Hải đội 2 và địa bàn các xã thuộc Đồn BP cửa khẩu cảng Thuận An quản lý, Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh yêu cầu đơn vị đảm bảo quân số thường trực 24/24 giờ; tổ chức xuống địa bàn, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn.

Đà Nẵng: Nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền vươn khơi. Bên cạnh đó, các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê.

Ý kiến của bạn

Bình luận