Cấp bách đào tạo nhân lực ngành Dinh dưỡng

15/06/2017 06:14

Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn chính quy về dinh dưỡng tại các bệnh viện còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu đang ngày một tăng cao.

a1_tr13_FGQV
Ảnh minh họa.

Nhiều bệnh viện chưa có khoa Dinh dưỡng

Nhiều chuyên gia ngành Y nhận định, nguồn nhân lực bác sĩ ngành Dinh dưỡng tại Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng và chất lượng, hiện có khoảng 61% bệnh viện chưa đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế, 74% bệnh viện chưa cung cấp được chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý người bệnh. Trên thực tế cả nước vẫn còn khoảng 40% các bệnh viện không có khoa Dinh dưỡng và tổ Dinh dưỡng tiết chế. Đây là nguyên nhân khiến 60% các bệnh nhân nằm viện điều trị bị suy dinh dưỡng, nhất là đối với các bệnh mãn tính.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến nay phần lớn các bệnh viện đã thay đổi nhận thức về ứng dụng dinh dưỡng trong điều trị; cán bộ dinh dưỡng trong các bệnh viện đã có nhiều cố gắng với các hoạt động dinh dưỡng trong các bệnh viện. Các hoạt động dinh dưỡng bệnh viện đã được quan tâm chú trọng và phát triển hơn trước kia đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, qua báo cáo của 1.224 bệnh viện trong cả nước, thì vẫn có 450 bệnh viện chưa thực hiện thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện; số bệnh viện có làm nhưng chưa đầy đủ là 499… và chỉ có 58 bệnh viện làm ở mức tiêu chuẩn cao hoặc có một số hoạt động trên mức quy định.

Tương tự, tỷ lệ người bệnh được đánh giá, theo dõi tình trạng dinh dưỡng trong thời gian nằm viện; người bệnh được hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp với bệnh lý; người bệnh được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý trong thời gian nằm viện… cũng chưa cao.

Thiếu nhân lực trình độ cao

Nguyên nhân chính dẫn đến việc công tác dinh dưỡng trong các bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức là do thiếu nhân lực được đào tạo chính quy về dinh dưỡng; các bệnh viện tuyến quận, huyện chưa được quan tâm nhiều về dinh dưỡng như nhân lực, đào tạo… Một số bệnh viện chưa thật sự quan tâm đến công tác dinh dưỡng mà chỉ làm để đối phó với các đoàn kiểm tra. Hiện nay, hầu hết cán bộ dinh dưỡng đang làm việc tại bệnh viện chỉ được đào tạo qua 3 tháng, không có chuyên môn sâu nên còn hạn chế nhiều trong chăm sóc phục vụ người bệnh.

Được biết, hiện nay cả nước chỉ có duy nhất Trường ĐH Y Hà Nội đào tạo chuyên sâu về cử nhân dinh dưỡng. Năm 2013, Trường ĐH Y Hà Nội đã xây dựng thành công ngành đào tạo cử nhân dinh dưỡng với 187 sinh viên tham gia học ngành cử nhân dinh dưỡng. Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực ngành Dinh dưỡng trình độ đại học đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, khóa đầu tiên tốt nghiệp mới chỉ có 43 cử nhân ngành Dinh dưỡng. Con số này quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế của nguồn nhân lực ngành.

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành Dinh dưỡng hiện nay, PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, Bộ Y tế cần mở rộng đào tạo cán bộ dinh dưỡng tại các trường đại học, cao đẳng y tế. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Lãnh đạo các bệnh viện cần căn cứ vào bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện để đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực chuyên ngành Dinh dưỡng…

Ý kiến của bạn

Bình luận