Cảnh giác với chiêu lừa chạy vào ngành Công an

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 08/08/2017 14:12

Với chiêu thức, có mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo, bản thân có khả năng “lo” ổn công việc cũng như học tập tại các trường, đối tượng dễ dàng tiếp cận các trường hợp có nhu cầu công tác, học tập trong ngành Công an.

 

Ảnh những người tố cáo ông Y Tuyến Ksơr
Một số hộ dân tố cáo ông Y Tuyến Ksơr chia sẻ với P/v

Nắm bắt được xu hướng chung của các hộ gia đình có con em hiện là chiến sỹ đang thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng Công an nhân dân, sau khi hết hạn nghĩa vụ sẽ được ở lại đi học tại các trường trong ngành cũng như nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đại học mong muốn có một công việc ổn định, các đối tượng tiếp cận, tự giới thiệu mình có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo trong ngành. Qua đó, có khả năng “lo” ổn thỏa nhu cầu và nguyện vọng của những trường hợp muốn theo học tại các trường Công an nhân dân, cũng như các sinh viên mới tốt nghiệp ngoài ngành được vào công tác trong ngành Công an tại một số vị trí nhất định.

Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng còn liều lĩnh làm giả quyết định tuyển dụng của Giám đốc Công an, thông báo trúng tuyển tại các trường Công an nhân dân của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh.

Theo Công an tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây cơ quan chức năng tiếp nhận nhiều thông phản ánh liên quan đến việc một số đối tượng có hành vi lừa đảo nhận tiền để “chạy” chuyển công an chuyên nghiệp, đi học các trường Công an nhân dân, tuyển dụng vào làm việc tại Công an tỉnh Gia Lai, tuyển nghĩa vụ trong lực lượng Công an nhân dân.

Đại tá Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Gia Lai đề nghị, các cá nhân, tổ chức chủ động đề cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng.

11
Giấy giao nhận tiền của một trường hợp để lo vào học tại một trường CAND 

Theo Đại tá Oanh, Bộ Công an đã tạm dừng việc tuyển dụng ngoài ngành trong hai năm 2016 và 2017,  bên cạnh đó, Công an tỉnh Gia Lai cũng không đề xuất Bộ Công an tuyển trường hợp nào. Còn về việc chuyển chế độ chuyên nghiệp đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hết hạn phục vụ 3 năm, sẽ được Công an tỉnh thực hiện trên cơ sở kết quả điểm các môn thi của chiến sỹ nghĩa vụ đăng ký xét tuyển tại các trường CAND và quá trình rèn luyện, phấn đấu khi thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND. Ngoài chỉ tiêu được phân bổ, Công an tỉnh không đề nghị xét chuyển bổ sung trường hợp nào theo đúng chỉ đạo của Bộ.

33
Những lời cam đoan lo việc của người nhận tiền lo việc

Đối với việc tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân hàng năm, được căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và nguyện vọng đăng ký của thí sinh, việc nộp hồ sơ, đăng ký xét tuyển và công tác xét tuyển của các trường CAND được thực hiện khách quan, đúng quy định, có kiểm tra, giám sát, không ai có thể can thiệp và thay đổi kết quả xét tuyển. “Khi phát hiện thấy đối tượng có biểu hiện nghi vấn, đề nghị nhân dân thông báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp, giải quyết”, đại tá Oanh nói.

Trước đó, 10 hộ dân ở tỉnh Gia Lai đã tin tưởng trao số tiền 3,16 tỷ đồng cho thượng tá Y Tuyến Ksơr, Phó Trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Đắk Lắk để lo, chạy cho con em họ vào trường trung cấp công an nhân dân ở tỉnh Quảng Nam. Nhưng đợi mãi không thấy kết quả như hứa hẹn ban đầu, người dân đã làm đơn kêu cứu ngành chức năng.

23
Kết quả điều tra của ngành chức năng liên quan đến việc ông Y Tuyến Ksơr nhận tiền chạy trường

Sau khi vào cuộc, ngành chức phát hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lập tức đã tiến hành tước quân tịch và bắt giam đối với Thượng tá Y Tuyến Ksơr để điều tra nguyên nhân.

Cũng bằng hình thức trên, Công an tỉnh Gia Lai đã làm rõ hành vi của đối tượng Lâm Thị Hồ Nhi (SN 1982, trú phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chiếm đoạt của 9 trường hợp ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum với số tiền 860 triệu đồng; đối tượng Nguyễn Thị Thúy Nội (SN 1958, trú phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chiếm đoạt của 7 trường hợp ở Gia Lai với số tiền là 745 triệu đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận