Cảng vụ Hàng hải TP.HCM xử phạt hơn 1,7 tỷ đồng

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/01/2019 16:16

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM xử phạt 87 vụ vi phạm với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, triển khai các giải pháp đồng đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải.

DSC08507 (3)
Năm 2018 Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã xử phạt 87 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng

Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM (Cảng vụ) cho biết: “Năm 2018 Cảng vụ đã xử phạt 87 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức tiến hành 97 lượt kiểm tra, giám sát luồng hàng hải và hệ thống báo hiệu hàng hải, ghi nhận 37 trường hợp sự cố báo hiệu hàng hải và yêu cầu Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ khẩn trương, khắc phục kịp thời. Tổng số lượt tàu biển vào, rời cảng tại khu vực cảng biển TP.HCM đạt 19.003 lượt; Từ ngày 1/7/2018 Cảng vụ thực hiện thông tin một cửa quốc gia tỷ lệ giải quyết điện tử so với lượt tàu thực tế đạt 84,33%”.

Nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động hàng hải của tàu biển và phương tiện thủy nội địa trong khu vực, Cảng vụ đã thực hiện 97 lượt kiểm tra thực trạng hệ thống đệm va, hệ thống bích buộc tàu của cầu cảng, tình trạng các bến phao buộc tàu, tình trạng neo đậu, cập cầu cảng của các tàu, các phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại các cầu cảng, bến phao. Tiến hành giám sát thực tế việc bố trí tàu ra, vào tại các cầu cảng, bến phao của các doanh nghiệp cảng.

Đồng thời, tuyên truyền và phổ biến các văn bản thông báo thông tin an ninh cho các tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, đặc biệt là các tàu hàng có tuyến hành trình qua khu vực có nguy cơ mất an ninh. Phối hợp kiểm tra định biên và xếp hàng hóa theo đúng tải trọng quy định đối với 100% tàu biển Việt Nam chạy tuyến nội địa và phương tiện thủy nội địa mang cấp SB rời cảng biển.

IMG_0312 (1)
Cảng vụ Hàng hải TP.HCM phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, tuyên truyền và phổ biến cho chủ tàu và người điều khiển phương tiện.

Cảng vụ kiến nghị thực hiện nạo vét duy tu các đoạn cạn luồng Soài Rạp đảm bảo độ sâu cốt luồng -9,5m (hệ Hải đồ) theo thiết kế để tiếp nhận tàu 50.000 DWT giảm tải. Luồng sông Đồng Nai và đoạn luồng Sài Gòn - Vũng Tàu trên sông Nhà Bè: nghiên cứu nạo vét nâng cao độ sâu cốt luồng đến -9,5m (hệ Hải đồ) trong trường hợp độ sâu luồng Soài Rạp đạt 9,5m, duy trì ổn định nhằm tạo kết nối liền mạch khu cảng Cát Lái với khu vực Hiệp Phước, nâng cao hiệu quả khai thác luồng Soài Rạp, thuận lợi cho hoạt động của tàu có trọng tải lớn nhận, trả hàng tại khu vực. Bố trí kinh phí duy tu đoạn cạn luồng Soài Rạp - Hiệp Phước đến độ sâu thiết kế hoặc -8,5m đáp ứng cho các tàu ra, vào bến cảng Soài Rạp. Nâng cao độ sâu dự phòng sa bồi trong quá trình nạo vét, đảm bảo duy trì ổn định độ sâu thiết kế chuẩn tắc tuyến luồng được công bố.

Kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu và thực hiện phân bố các bến phao theo quy mô, trọng tải tàu, chủng loại hàng hóa riêng ở các vị trí thích hợp, đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống cảng cứng, khu neo đậu chuyển tải, tuyến kết nối giao thông (đường bộ và đường thủy, hệ thống cảng vệ tinh), phương án phân luồng tàu, luồng hàng và thực tế phát triển tại khu vực, hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh thái.  Kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ GTVT và UBND TP.HCM hỗ trợ trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng trụ sở Cảng vụ Hàng hải TP.HCM tại phường Phú Mỹ, Quận 7,TP.HCM…

Năm 2019 Cảng vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục điện tử cho tàu biển vào, rời cảng phấn đấu đạt 100% thủ tục điện tử cho tàu biển hoạt động tại khu vực. Triển khai thành công việc cấp hóa đơn điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, in tài liệu tuyên truyền về quy định của pháp luật, an toàn giao thông đường thủy cho các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu thuyền hoạt động trong vùng nước trách nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ việc đảm bảo các điều kiện an toàn cho tàu như: bố trí thuyền viên, các tín hiệu ánh sáng, công tác trực ca nhằm phát hiện kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn cho tàu như va chạm, trôi neo, đứt lỉn neo, đứt dây buộc tàu,… đặc biệt là những tàu neo đậu lâu ngày và không còn khả năng khai thác.

Đồng thời kiểm tra công tác an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quản lý, khai thác cảng biển của các bến cảng trong vùng nước cảng biển TP.HCM...

Ý kiến của bạn

Bình luận