Cảng Đà Nẵng: Cầu nối trong phát triển kinh tế thương mại miền Trung và khu vực

Tác giả: Tôn Bảo

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/09/2019 12:29

Tọa lạc phía Đông Bắc TP. Đà Nẵng, là đầu mối giao thông quan trọng, điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, Cảng Đà Nẵng đã và đang đầu tư mở rộng để có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 50.000 DWT, tàu container đến 2.500 TEU, tàu khách loại lớn đến 100.000 GRT.

 

Cang Tien Sa - Da Nang
Cảng Tiên Sa - TP. Đà Nẵng

Những năm gần đây, Cảng Đà Nẵng đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị mới; đẩy mạnh công tác tiếp thị, đặc biệt là tập trung mở rộng vùng hậu phương lên các tỉnh Tây Nguyên nơi có nguồn hàng nông, lâm sản dồi dào, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa thông qua. Bên cạnh đó, với lợi thế cảng biển nước sâu và là trung tâm của các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung cùng với việc chăm sóc, tiếp đón tàu và khách du lịch chu đáo, an toàn, Cảng đã thu hút nhiều tàu khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận tăng lên đáng kể.

Song hành với việc đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Cảng đã không ngừng xây dựng và phát triển thương hiệu “Cảng Đà Nẵng”, coi đây là tài sản quý giá, một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi trên thương trường. Thương hiệu “Cảng Đà Nẵng” dần được xác lập trong ngành Hàng hải Việt Nam và khu vực. Hiện Cảng Đà Nẵng sở hữu gần 1.200m cầu bến với khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000 DWT, tàu container đến 2.500 TEU và tàu khách đến 75.000 GRT, cùng với các thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại, đảm bảo năng lực khai thác lên đến 8 triệu tấn/năm.

Mỗi tháng, Cảng Đà Nẵng đón khoảng 80 - 85 chuyến tàu container, là điểm đến thường xuyên của các tuyến tàu hàng hóa quốc tế từ châu Á như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cũng như các tàu châu Âu và châu Mỹ.

Với chủ trương lấy năng suất và chất lượng dịch vụ làm chính sách chất lượng hàng đầu của doanh nghiệp, thông qua các giải pháp hoàn thiện, Cảng đã dần nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật; đơn giản hóa thủ tục giao nhận; tăng cường phối hợp trong nội bộ Cảng cũng như với các đơn vị liên quan ngoài Cảng. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho toàn khu vực với quốc tế và ngược lại, những năm qua Cảng Đà Nẵng đã tiến hành đầu tư thêm cơ sở vật chất để nâng cao năng lực khai thác. Cảng đã nâng cấp hệ thống cầu bến để tăng khả năng đón những tàu lớn vào làm hàng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tàu container, tàu khách và tàu hàng trọng tải lớn; mở rộng Cảng Tiên Sa với tổng kinh phí gần 100 triệu USD, hoàn thiện năng lực dự án khu kho bãi hậu cần, hoàn thiện bộ máy quản lý và điều hành khai thác cảng bằng việc xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. 

Qua đó, năng suất và chất lượng dịch vụ của Cảng Đà Nẵng không ngừng được nâng cao. Năng suất của một số mặt hàng tiêu biểu theo định mức bình quân năng suất bốc dỡ giải phóng tàu bình quân hàng năm tăng: Clinke tăng 28%, than tăng 18%, dăm gỗ tăng 38%, cát rời tăng 28%, xi măng bao tăng 16%, thép xây dựng tăng 16%, thép phế liệu tăng 33%, container tăng 20%...

Ngoài ra, Kế hoạch an ninh cảng biển (PFSP) đã được thực thi, theo đó Cảng Đà Nẵng luôn đủ điều kiện để đảm bảo an toàn, thuận lợi, nhanh chóng cho tàu, hàng hóa, hành khách lưu lại và ra vào Cảng.

Về lâu dài, Cảng Đà Nẵng hướng tới việc phát triển dịch vụ logistics bằng việc triển khai Dự án xây dựng kho bãi diện tích 20 ha tại khu vực xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng để làm Trung tâm Dịch vụ logistics. Với việc phát triển khu vực này trở thành một ICD, cùng với đó là việc liên kết phát triển hệ thống vận tải hàng hóa, Cảng Đà Nẵng đủ sức cung cấp một phần quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics cho khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hiện Cảng Đà Nẵng đang đề nghị TP. Đà Nẵng và các cấp liên quan việc đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống cảng biển tại khu vực quận Liên Chiểu, trước mắt là hệ thống sà lan trung chuyển hàng hóa từ Cảng Tiên Sa sang Cảng Liên Chiểu và ngược lại.

Qua đó, yếu tố con người được coi là then chốt, công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được lãnh đạo Cảng quan tâm đặc biệt. Cảng đã đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ CB, CNV trong quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh theo phương pháp quản trị tiên tiến và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị mới; thường xuyên cử CB, CNV đi học các lớp đại học, trên đại học, các khóa học trong và ngoài nước về các chuyên ngành liên quan đến Cảng như quản trị kinh doanh, logistics... Trong công tác tuyển dụng, Cảng ưu tiên thu hút những người trẻ có năng lực chuyên môn cao, thành thạo các kỹ năng về Cảng công tác. Nhờ vậy, chất lượng nguồn nhân lực của Cảng ngày càng cao. Hầu hết, cán bộ các bộ phận quản lý điều hành đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ, từ khâu quản lý hàng hóa, lập sơ đồ chất xếp hàng, tác nghiệp điều động tàu cập, rời bến, trao đổi thông tin nghiệp vụ với khách hàng và thông tin nội bộ...

Phát huy thành tựu đã đạt được, trong kế hoạch dài hạn đến năm 2020, Cảng Đà Nẵng tiếp tục đầu tư phương tiện thiết bị, nâng cấp cầu tàu để đạt mục tiêu 12 triệu tấn hàng hóa thông qua, trong đó hàng container đạt 600.000 TEUs.

Với năng lực khai thác vượt trội, hệ thống kho bãi tiên tiến và mục tiêu phát triển rõ ràng, cộng với việc nằm trong khu vực có hệ thống hậu phương vững chắc cùng hạ tầng giao thông đang ngày càng phát triển, Cảng Đà Nẵng tự tin sẽ trở thành cầu nối quan trọng trong việc phát triển chuỗi dịch vụ cung ứng logistics cho vùng kinh tế thương mại miền Trung nói riêng cũng như cho cả khu vực

Ý kiến của bạn

Bình luận