Cần hơn 96.000 tỷ lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ

Tác giả: Trần Kim

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 22/11/2016 14:28

Tổng cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ năm 2017 với kinh phí hơn 96 nghìn tỷ đồng.

20160405_110920
Tổng cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ năm 2017 với kinh phí trên 96 nghìn tỷ đồng. (ảnh minh họa)

Theo đó, Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ năm 2017 bao gồm: Công tác tuyên truyền; công tác rà soát, thống kê, phân loại để xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ đối với các đoạn tuyến quốc lộ chưa thực hiện (bao gồm các tuyến quốc lộ mới được chuyển từ đường tỉnh lên hoặc các đoạn tuyến quốc lộ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo mới đưa vào khai thác); công tác cắm cọc mốc GPMB, mốc đất của đường bộ, mốc lộ giới trên các tuyến quốc lộ.

Các cơ quan quản lý đường bộ thực hiện là Tổng cục ĐBVN, Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT quản lý quốc lộ ủy thác với kinh phí thực hiện năm 2017 là 96.091,29 triệu đồng. 

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ năm 2017 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Theo Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đến hết năm 2017, thực hiện thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến ATGT của các tuyến quốc lộ từ cấp I, II và III, khu vực các nút giao, vị trí điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; đồng thời lập kế hoạch, từng bước bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở.

Cũng theo Tổng cục ĐBVN, đến nay đã có 21 tỉnh xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ năm 2017 gửi về Tổng cục ĐBVN. Tổng kinh phí 21 tỉnh đề xuất năm 2017 là 23.508,113 tỷ đồng gồm 3 nội dung: Kinh phí bồi thường, thu hồi đất của đường bộ giai đoạn dự án chưa đền bù, 15 tỉnh đề xuất: 2.775,282 tỷ đồng; Kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến ATGT, các nút giao, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT theo nội dung trên của QĐ 994/QD-TTg, 13 tỉnh đề xuất: 3.092,04 tỷ đồng. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa đất hành lang an toàn đường bộ, 7 tỉnh đề xuất: 17.640,792 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận