Cần có cơ chế đặc thù cho cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 24/05/2017 06:32

Dự án cao tốc Bắc - Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân về tầm quan trọng của dự án, Bộ GTVT vừa hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ xem xét chấp thuận một số cơ chế đặc thù cho Dự án cao tốc Bắc - Nam, để đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng dự án đặc biệt quan trọng này.

long thanh - Dau day

Theo Bộ GTVT, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam là trục giao thông xương sống, cần đầu tư sớm và không thể trì hoãn. Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư giai đoạn I của tuyến cao tốc dài khoảng 684km với tổng mức đầu tư khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước khoảng 55.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu cắn cứ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và có phương án vốn huy động rõ ràng thì tính khả quan dự là rất cao. Việc đảm bảo kế hoạch nguồn vốn đó không phải đáp ứng ngay mà sẽ theo lộ trình, kế hoạch phân kỳ đầu tư, có khoảng thời gian chuẩn bị cho phù hợp.

Về tiến độ của dự án với quy định hiện hành, từ thời điểm hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến thời điểm trình Quốc hội mất khoảng 9 tháng; từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 35 tháng. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ thành lập một hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định cả nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi tất cả các dự án, rút ngắn thời gian thẩm định mỗi dự án. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình đối với các dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn I, trong đó chỉ định Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra tổng mức đầu tư và thẩm tra dự toán xây dựng công trình để nâng cao chất lượng.

Để đảm bảo tính hiệu quả của dự án, trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức tham vấn các nhà đầu tư tiềm năng, các ngân hàng tiềm năng và các tổ chức tài chính quốc tế. Các ý kiến tham vấn đều nêu rõ quan ngại quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều; mức tín nhiệm quốc gia chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng quá phức tạp, không kiểm soát được giá thành và tiến độ. Các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng nước ngoài yêu cầu Chính phủ cần chia sẻ các rủi ro thuộc về chính sách do Chính phủ quản lý, trong đó những rủi ro nhất thiết cần có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ ba gồm: Rủi ro về doanh thu; rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ; rủi ro về thực hiện trách nhiệm của Chính phủ; rủi ro về tiến độ và chi phí giải phóng mặt bằng.

Về vấn bảo lãnh doanh thu, theo ThS. Phạm Tuấn Anh - Trường Đại học GTVT chia sẻ, kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Chính phủ xem xét cụ thể từng dự án để có thể bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư. Bảo lãnh của nhà nước có thể lên đến 90% doanh thu hoạt động. Thí dụ một dự án PPP ở Hàn Quốc, trong 15 năm đầu tiên nhà nước bảo lãnh cho nhà đầu tư khi doanh thu thấp hơn 80% doanh thu dự kiến, nếu doanh thu lớn hơn 120% thì nhà đầu tư phải nộp ngân sách phần chênh lệch.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận Chính phủ được cung cấp các bảo lãnh riêng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam gồm: Bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ. “Trường hợp chưa thể áp dụng với toàn bộ dự án, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng đối với dự án Dầu Giây - Phan Thiết để thí điểm, từ đó tổng kết, đánh giá và xem xét, quyết định việc áp dụng ở quy mô lớn hơn.  

Về chính sách ưu đãi nhà đầu tư, hiệu quả của dự án, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép nhà đầu tư được kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi GPMB của dự án. Đối với trạm dừng nghỉ, dự án chỉ xác định phạm vi GPMB để thuận lợi trong công tác thực hiện, nhà đầu tư được kinh doanh, khai thác trong thời hạn hợp đồng dự án. Theo ông Kiên, giải pháp quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, làm sao phải đưa ra thiết kế kỹ thuật hợp lý nhất, với mức giá thi công phù hợp, phải kiểm soát được tình kinh từ đó mới đem lại hiệu quả. Ở đây, Bộ GTVT luôn là người cầm cương xuyên xuất dự án trong việc xây dựng, thiết kế kỹ thuật tốt từ đó tiến hành các bước để đấu thầu, chứ không chỉ định thầu như thời gian vừa qua, tư đó thì sẽ đảm bảo hiệu, tính minh bạch của dự án, ông Kiến nhấn mạnh.

Công tác GPMB, tái định cư của dự án, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thủ tục, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tách hợp phần công việc GPMB, tái định cư tương ứng theo phạm vi từng tỉnh, thành phố để hình thành dự án riêng và giao cho địa phương nơi có dự án tổ chức thực hiện. Đồng thời, tiến hành công tác GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Cũng theo ông Kiên rút kinh nghiệm từ thực hiện các dự án BOT thời gian qua, thì đối với dựa án cao tốc Bắc - Nam quá trình triển khai dự án cần xây dựng kế hoạch truyền thông tốt với người dân nơi dự án đi qua. Tránh tình trạng thông tin một chiều, có những phản ứng không tốt của người sử dụng dịch vụ sau này, nếu không có ý kiến từ hai chiều thì rất dễ tạo dự luận xã hội không hay, không đồng thuận trong việc triển khai dự án. Khi triển khai dự án, chúng ta phải đặt vào trong bối cảnh quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể của nước, từ đó phát huy được hiệu quả cao hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận