Cần áp dụng công nghệ vào quản lý cảng, bến và phương tiện thủy

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 12/02/2018 17:08

Hiện nay, công tác quản lý phương tiện thủy sau khi cấp giấy phép rời cảng, bến gần như không thực hiện được. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại sẽ giúp quản lý được hành trình của toàn bộ các phương tiện thủy nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tình huống đâm va dẫn tới TNGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ).

 

DSC09564-01.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính luôn được công khai, minh bạch

Còn khó khăn trong quản lý phương tiện sau khi rời cảng, bến

Từ năm 2015 đến nay, với sự quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng số hóa lĩnh vực ĐTNĐ, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ ĐTNĐ, trong đó có Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm quản lý phương tiện vào, rời cảng, qua đó đã quản lý chặt chẽ hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn so với những năm trước.

Từ năm 2016, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã đầu tư lắp đặt hệ thống AIS để giám sát phương tiện thủy khi vào cảng hoặc hành trình, neo đậu trên tuyến luồng. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ nắm bắt được vị trí của phương tiện tàu biển và tàu VR-SB chứ không tương tác, liên lạc trực tiếp với phương tiện được. Các phương tiện thủy nội địa khác đều không kiểm soát được vì chưa có văn bản quy định phải lắp đầu phát AIS trên phương tiện. Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc thực hiện thí điểm làm thủ tục vào, rời cảng bằng tin nhắn SMS qua tổng đài nhằm giảm bớt thời gian làm thủ tục hành chính cho phương tiện thủy, tuy nhiên hiện nay vẫn trong giai đoạn thí điểm.

Đến năm 2017, Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I đã chủ động xây dựng phần mềm dữ liệu toàn bộ tĩnh không các đường điện vượt sông, tĩnh không cầu bắc qua sông thuộc địa bàn quản lý để đưa lên website của đơn vị nhằm cung cấp cho các phương tiện thủy, các đơn vị chức năng tra cứu để điều động phương tiện trên tuyến luồng.

Hiện tại, không riêng Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I mà cả ngành ĐTNĐ đang có bất cập là không thể quản lý được phương tiện thủy sau khi cấp giấy phép rời cảng, bến; không thể nắm được phương tiện thủy sau khi cấp phép rời cảng xong có đi đúng tuyến được cấp phép hay không.

Ông Văn Trọng Dũng - Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I cho biết, khi các phương tiện hành trình trên tuyến, khi qua cầu, qua các công trình bắc qua sông, các lực lượng quản lý ĐTNĐ trong đó có Cảng vụ đều không biết và không thể kiểm soát được. Từ đó, đã có trường hợp tàu va vào gầm cầu gây sập cầu, hư hỏng nghiêm trọng cầu. Điển hình vụ là các vụ tàu đâm hỏng cầu An Thái, sập cầu Gềnh... Bên cạnh đó còn thường xuyên diễn ra tình trạng tàu làm đứt các đường điện cao thế bắc qua sông gây nguy hiểm và gây thiệt hại rất lớn đối với xã hội.

“Lý do của bất cập trên là do hiện tại lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ không có trang thiết bị để giám sát hoặc thiết bị để nhìn thấy hoặc liên lạc với các phương tiện thủy khi đang hành trình”, Giám đốc Văn Trọng Dũng nhìn nhận.

Hiện tại, công tác quản lý cảng bến và phương tiện hầu hết bằng thủ công đã rất lạc hậu so với sự phát triển của xã hội và sự phát triển của phương tiện thủy. Trong khi đó, đội tàu thủy nội địa hiện đã có nhiều tàu lớn, đa số từ khoảng từ 1.000 tấn đến 5.000 tấn, cá biệt có tàu sông VR-SB có trọng tải 22.000 tấn.

Việc quản lý phương tiện, cấp giấy phép rời cảng cho phương tiện nhưng không thể kiểm soát được hành trình trên tuyến, luồng dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây mất an toàn các cây cầu, các công trình vượt sông và nguy hiểm cho chính các phương tiện thủy, đây là những hạn chế rất lớn của cảng vụ ĐTNĐ.

Cần áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý

_DSC6385
 


Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I cho rằng, để giải “bài toán khó” trong quản lý phương tiện thủy hiện nay thì việc áp dụng công nghệ hiện đại trong việc quản lý cảng, bến và phương tiện thủy là hết sức cần thiết. Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I đã tiến hành khảo sát và chọn tuyến ĐTNĐ để xây dựng Đề án Áp dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao hiệu quả quản lý cảng, bến và phương tiện thủy.

Theo Đề án này, Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I sẽ lắp đặt các hệ thống gồm: Camera trên tuyến luồng để quan sát được phương tiện thủy hành trình; hệ thống VHF để liên lạc với các phương tiện thủy đang hành trình, đồng thời kết hợp với hệ thống AIS sẵn có của đơn vị để giám sát, phát hiện phương tiện từ xa.

Các thiết bị sẽ được lắp đặt tại 2 phía hạ lưu và thượng lưu các cây cầu bắc qua sông; các khu vực có cảng, bến tập trung nhiều phương tiện thủy; các khu vực khúc sông cua gấp khúc; các khu vực phương tiện tàu thuyền thường hay neo đậu chờ nước; các vị trí “điểm đen” thường hay có TNGT ĐTNĐ.

Việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại này sẽ giúp Cảng vụ ĐTNĐ hướng dẫn phương tiện neo đậu chờ lấy hàng tại khu vực các cảng, bến đảm bảo đúng vị trí an toàn, giám sát phương tiện khi vào cảng, bến lấy hàng. Lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ cũng sẽ hướng dẫn được phương tiện thủy khi hành trình qua cầu, qua các công trình vượt sông phù hợp với chiều cao tĩnh không, phù hợp với thủy triều, dòng chảy…

Đặc biệt, từ những thiết bị giám sát, lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ có thể cảnh báo sớm và hướng dẫn phương tiện thủy các chướng ngại vật phía trước tại các điểm đen, các khúc cua gấp trên sông khi phương tiện đang hành trình, đồng thời hướng dẫn và chỉ định vị trí neo đậu trên tuyến luồng khi phương tiện neo đậu chờ nước hoặc neo tàu để nghỉ vào ban đêm nhằm tránh tắc luồng.

Nói về hiệu quả, ông Dũng cho hay, việc áp dụng công nghệ hiện đại này sẽ giúp quản lý được toàn bộ các phương tiện thủy từ việc vào cảng lấy hàng đến khi rời cảng trên tuyến ĐTNĐ, vừa giảm được số người làm việc trực tiếp trên thực địa, vừa giảm các chi phí xăng dầu của phương tiện đi kiểm tra, tuần tra, sửa chữa tàu, xuồng. Mặt khác, công nghệ hiện đại sẽ giúp xử lý nhanh và kịp thời các tình huống có nguy cơ phương tiện thủy gây mất an toàn trong khu vực cảng, bến và trên tuyến, luồng, đặc biệt là khi phương tiện đi qua cầu và các công trình vượt sông; hạn chế đến mức thấp nhất các tình huống đâm va tại các khúc sông cua gấp, các điểm đen TNGT ĐTNĐ do các phương tiện được Trung tâm giám sát hành trình cảnh báo sớm các chướng ngại vật phía trước và hướng dẫn biện pháp tránh va

Ý kiến của bạn

Bình luận