Cam Lộ-La Sơn phải là tuyến kiểu mẫu của cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: Nghị Hà

saosaosaosaosao
Thị trường 29/09/2019 07:27

Ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đây là dự án đầu tiên được khởi công trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông và là cao tốc đầu tiên dùng vốn đầu tư công.

 

DA1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn

“Cú hích” cho hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế phát triển

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế trong việc triển khai khẩn trương và sớm hoàn thành thủ tục để đảm bảo điều kiện khởi công dự án. Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần đồng thuận của người dân vùng dự án để sớm có mặt bằng.

“Cam Lộ - La Sơn là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển cao tốc Bắc - Nam của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Dự án cao tốc này là “cú hích” lớn cho tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế “cất cánh”, là điều kiện quan trọng để kết nối đến sân bay Phú Bài, cảng Chân Mây, rút ngắn thời gian lưu thông giữa hai địa phương. Càng là công trình có ý nghĩa đặc biệt thì càng phải xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thành dự án kiểu mẫu trong tuyến cao tốc Bắc - Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu đơn vị quản lý phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc định kỳ và đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra hư hỏng như một số công trình trong thời gian qua. Đồng thời, huy động người dân tham gia giám sát dự án.

Đặc biệt Thủ tướng cho rằng, Dự án có sự tham gia của hai nhà thầu quân đội là Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Binh đoàn 11 - Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng), do đó càng phải phát huy tính gương mẫu, kiểu mẫu trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng để không có hư hỏng khi đưa vào khai thác.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Ban QLDA, các nhà thầu phải đặc biệt coi trọng dự án này, không được để xảy ra tình trạng rút ruột công trình, mua bán thầu, chia nhỏ gói thầu, dẫn đến những công trình kém chất lượng, làm ít năm đã xuống cấp... “Nếu để xảy ra tình trạng này là có tội, có lỗi với nhân dân, mất niềm tin, thuế phí của người dân, Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo chính quyền hai địa phương chăm lo đời sống, ổn định lâu dài cho người dân vùng dự án; tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư, khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam còn lại, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện đã có gần 1.000km đường cao tốc, mục tiêu đến hết năm 2020 có thêm gần 900km đường cao tốc, nâng tổng số tuyến cao tốc cả nước đạt khoảng gần 2.000km. Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước phấn đấu có thêm 2.000km, đưa mạng lưới đường cao tốc quốc gia lên gần 4.000km. Bên cạnh đó, cả nước có 4 tuyến giao thông đặc biệt quan trọng gồm QL1 đã được đầu tư, nâng cấp; tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển. Vì vậy, việc đầu tư hoàn chỉnh cả 4 tuyến này cùng với tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tạo sự đồng bộ, hiện đại của hệ thống giao thông quốc gia.

“Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ là quyết tâm rất lớn, mang lại giá trị quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm chi phí vận tải lao động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân, địa phương cạnh tranh, phát triển”, Thủ tướng chỉ rõ.

Công trình với nhiều ý nghĩa

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc xây dựng tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn song song với QL1A hiện tại từ Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đến La Sơn (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là cần thiết và cấp bách bởi việc xây dựng tuyến đường phù hợp với các quy hoạch về kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực cũng như các quy hoạch giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo kết quả phân bổ lưu lượng giao thông, lưu lượng trên tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - Bắc tránh Huế đến thời điểm năm 2020 là 9.040 - 9.320 PCU/ngày đêm (phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn); đến năm 2030 là 16.719 - 19.012 PCU/ngày đêm; đến năm 2040 là 25.297 - 30.791 PCU/ngày đêm; đoạn Nam tránh Huế - La Sơn đến thời điểm năm 2020 là 7.906 - 8.179 PCU/ngày đêm; đến năm 2030 là 14.758 - 17.104 PCU/ngày đêm; đến năm 2040 là 22.660 - 27.619 PCU/ngày đêm, tương ứng với lưu lượng xe tính toán cần thiết cần phải xét đến việc xây dựng đường cao tốc theo TCVN 5729:2012. Theo kết quả tính toán, có thể nhận thấy tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn cần được đầu tư xây dựng ngay trong giai đoạn 2015 - 2020 với quy mô yêu cầu giai đoạn 1 là 02 làn xe, giai đoạn 2 quy mô 4 đến 6 làn xe trong giai đoạn 2030 - 2040.

Bên cạnh đó, cùng với mạng đường sắt, đường thủy, đường bộ hiện có và đang được nâng cấp cải tạo, việc xây dựng một tuyến đường bộ có tiêu chuẩn kỹ thuật cao song song với QL1A thỏa mãn nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian đi lại. Mặt khác, theo quy hoạch phát triển không gian của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, một số khu cụm công nghiệp được mở rộng về phía Tây QL1A hiện tại, sự hình thành tuyến đường này sẽ gắn kết các khu cụm công nghiệp mới trong vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế phục vụ phát triển dân sinh. 

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đây là dự án đầu tiên khởi công trong 11 dự án thành phần cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1291 ngày 19/6/2018. Đoạn tuyến có chiều dài xây dựng là 98,35km, đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Điểm đầu tại km0 (Cam Lộ), thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại km102+200 (La Sơn), trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loan, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Giai đoạn đầu của dự án được đầu tư với quy mô 02 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Các cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; chiều rộng cầu phù hợp với chiều rộng của nền đường. 

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021. Khi dự án hoàn thành cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan sẽ tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của QL1A khi tuyến đường đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra, góp phần tạo động lực phát triển cho cả vùng kinh tế miền Trung

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109km, hiện đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601km. 

Trong giai đoạn 2017 - 2020, theo Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc Hội khóa XIV, dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654km, chia làm 11 dự án thành phần, gồm các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Ý kiến của bạn

Bình luận