Cải cách hành chính vừa là mục tiêu, vừa là động lực

Tác giả: NHÓM PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 20/02/2018 07:14

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trong hai năm liên tiếp 2016 - 2017, Bộ GTVT tiếp tục dẫn đầu trong 20 bộ, ngành về chỉ số xếp hạng dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

 

1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nhấn nút công bố dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Theo đó, Bộ đã ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) năm 2017, giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án tinh giản biên chế khối cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trực thuộc; đã thành lập Tổ công tác thực hiện hệ thống hóa, rà soát và xây dựng, thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong ngành GTVT; đã chỉ đạo tổng kết công tác CCHC năm 2017 và xây dựng kế hoạch năm 2018; đã triển khai xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, Khóa X về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước (giai đoạn 2007 - 2016); đã ban hành 13 quyết định, công bố 210 thủ tục hành chính (TTHC); thực hiện rà soát 532 TTHC, cắt giảm 79 TTHC (chiếm 14,8%), đơn giản hóa 228 TTHC (chiếm 42,9%); đã tiếp nhận, giải quyết gần 1,6 triệu hồ sơ của người dân và doanh nghiệp liên quan đến TTHC. Bộ GTVT đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để rà soát các điều kiện kinh doanh ngành GTVT.

Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/01/2017, Bộ đã chính thức mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô đến 63 sở GTVT; hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 56 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đạt 100% kế hoạch năm 2017; triển khai kết nối giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT và hệ thống thông tin chính quyền điện tử các tỉnh Quảng Nam và Bắc Giang; xây dựng và vận hành thử nghiệm 4 dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị thuộc Bộ; tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT; ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN của Bộ đến năm 2020; phê duyệt và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của Bộ đến năm 2020; ban hành Bộ tiêu chí kỹ thuật tối thiểu về kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin và tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thông tin tại các đơn vị trực thuộc.

 Hàng hải: Sửa đổi, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến

Năm 2017, Cục Hàng hải Việt Nam đã luôn chú trọng việc kiểm soát TTHC trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL. Theo đó, sau khi Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã rà soát, đề xuất và tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật, trong đó đặc biệt rà soát quy định các TTHC cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển theo hướng thống nhất các loại giấy tờ phải nộp, xuất trình của các cơ quan liên quan đến TTHC và quy định đơn giản hóa TTHC; đồng thời quy định phương thức thực hiện thủ tục điện tử đối với các TTHC để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả. Các TTHC đều được kiểm soát theo quy trình chặt chẽ nhằm hạn chế phát sinh TTHC không cần thiết, bảo đảm đúng thẩm quyền ban hành TTHC tại văn bản QPPL.

Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng nội dung TTHC trình Bộ GTVT công bố theo quy định; đã thực hiện rà soát, xây dựng nội dung TTHC và trình Bộ GTVT công bố các TTHC được bổ sung, sửa đổi, thay thế, bãi bỏ theo các văn bản QPPL mới được cơ quan có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực hàng hải, cụ thể: Đề nghị công bố bổ sung 19 thủ tục, sửa đổi 61 thủ tục, thay thế 11 thủ tục cũ thành 4 thủ tục mới, bãi bỏ 8 thủ tục. Đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổng hợp danh mục và nội dung của TTHC trong lĩnh vực hàng hải là 100 thủ tục.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo hướng đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và gỡ bỏ các rào cản không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi  cho người dân và doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện rà soát 100 TTHC và đề xuất phương án đơn giản hóa 20 TTHC.

Trên cơ sở các TTHC được công bố mới, sửa đổi, bổ sung, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức sửa đổi, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với 5 TTHC thuộc nhóm TTHC cấp phép cho tàu vào, rời cảng biển, đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC cấp phép cho tàu vào, rời cảng biển theo Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

 Đường sắt: Thay đổi hình ảnh

Bên cạnh việc thực hiện trọng tâm các giải pháp đẩy mạnh CCHC được cấp trên giao, việc đưa hệ thống cửa soát vé tự động vào hoạt động được xem là bước đột phá của ngành Đường sắt Việt Nam trong năm 2017.

Theo đó, năm 2017 được xem là năm bản lề của ngành Đường sắt, khi lần đầu tiên triển khai hệ thống cửa soát vé tự động tại các ga Hà Nội và Sài Gòn. Điều này thể hiện ngành Đường sắt đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, gây dựng niềm tin nơi người dân và doanh nghiệp. Những năm qua, với việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh CCHC, ngành Đường sắt đã giúp người dân mua vé thuận lợi hơn, đảm bảo trật tự an toàn, an ninh trên tàu, dưới ga, loại bỏ tình trạng đầu cơ, phe vé…  Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc triển khai cửa soát vé tự động nhằm mục đích ngày càng gia tăng các dịch vụ tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo an toàn thông tin, an toàn nhà ga.

Đường thủy: giữ vững vị trí số 1 trong cuộc “cách mạng số hóa”

Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam tiếp tục là đơn vị dẫn đầu Bộ GTVT về cải cách TTHC. Trong năm qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện 23 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và bổ sung xây dựng phần mềm thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 8 TTHC được Bộ GTVT công bố trong năm 2016.  Như vậy, sau 3 năm đặt quyết tâm cao về đổi mới, cải cách, nâng cao vị thế của lĩnh vực giao thông thế mạnh quốc gia, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ 64 TTHC, đạt 100% kế hoạch, trong đó có 27 TTHC thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 37 TTHC đạt mức độ 3.

Đối với các phần mềm ứng dụng khác, từ năm 2015 đến nay, Cục đã xây dựng và triển khai 16 phần mềm chuyên ngành để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ngành, tập trung vào các khía cạnh gồm: Văn phòng điện tử I-River; dịch vụ công trực tuyến, quản lý kết cấu hạ tầng (số hóa 45 tuyến vận tải); quản lý cảng, bến (hơn 8.000 cảng, bến); phao tiêu báo hiệu (hơn 17.000 chiếc); số hóa các trạm quản lý đường thủy, trạm đo mực nước (104 trạm); quản lý phương tiện (hơn 150.000 phương tiện), bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn (hơn 200.000 hồ sơ), phần mềm vận tải và ATGT (cập nhật thường xuyên), báo cáo tai nạn, báo cáo vi phạm giao thông, hình thành 3 phòng tổ chức - điều hành giao thông ĐTNĐ tại Cục và 2 Chi cục. Việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ đã góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian và chi phí đi lại, khuyến khích việc công khai, minh bạch thủ tục, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, kết nối với doanh nghiệp và người dân qua các phương tiện điện tử..., qua đó nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Dự kiến từ năm 2018, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thêm các thông tin quản lý lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT và của Cục nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐTNĐ.

Ý kiến của bạn

Bình luận