Cải cách hành chính là nhiệm vụ sống còn

Tác giả: HOÀNG LONG

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 28/05/2016 15:51

Trong những năm vừa qua, công tác xây dựng pháp luật của Bộ GTVT đã được lãnh đạo Bộ chú trọng tạo nên nhiều đột phá, tiến bộ. Đặc biệt, năm 2015 là dấu mốc cho nhiều sự đột phá của Bộ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng đến mục tiêu “Vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp” và được mệnh danh là “Ngôi sao cải cách”.

Anh Bai KHanh Ha_1
Bộ GTVT đã tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Đứng đầu so với mặt bằng chung

Mặc dù được đánh giá khá cao về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tuy nhiên kết quả này mới chỉ dừng lại ở sự ghi nhận ban đầu từ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cho các quyết tâm cải thiện của Bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác này nhằm thiết lập hành lang pháp lý thực sự thông thoáng, linh hoạt và hiệu quả; đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững trong chiến lược phát triển của ngành GTVT.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho biết, mặc dù đã thực hiện công tác cải cách TTHC và đạt được những kết quả nhất định, song để đảm bảo các vấn đề về an ninh, an toàn sinh mạng con người, các yêu cầu về quản lý nhà nước nên hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ vẫn còn quy định khá nhiều TTHC. Các thủ tục này về cơ bản vẫn nặng về định tính, chủ quan, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Qua kết quả đánh giá Chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI) năm 2014 cho thấy, chỉ số mà Bộ GTVT có điểm thấp nhất là chỉ số về soạn thảo văn bản QPPL (53,05 điểm). Điều này được các hiệp hội doanh nghiệp lý giải là do sự tương tác công - tư trong quá trình dân chủ hóa việc soạn thảo văn bản QPPL còn hạn chế. Tính minh bạch trong soạn thảo văn bản vẫn còn là vấn đề mà Bộ GTVT cần phải quan tâm, cải thiện quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, chất lượng văn bản QPPL của Bộ trong MEI 2014 cũng chỉ dừng ở điểm trung bình khá (64,59 điểm), tức là mới chỉ tạo được khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tạo được những đột phá để khuyến khích, bảo hộ doanh nghiệp. Điều này cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu xây dựng một nền pháp luật thực thi Hiến pháp 2013 nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn so với nền pháp luật trước khi Hiến pháp 2013 ra đời.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ sống còn. Trong thời gian qua, toàn ngành GTVT đã hết sức nỗ lực và hiện nay vẫn đang ở vị trí số 1 nên cần tiếp tục duy trì, chỉ cần lơ là một chút là sẽ bị ảnh hưởng ngay. Đối với các cơ quan tham mưu của Bộ cần hết sức quan tâm tới nhiệm vụ của mình về các kế hoạch, chiến lược phát triển, quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa

Cũng theo bà Nga, công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật của Bộ trong thời gian qua đã được quan tâm, cải thiện. Chỉ số MEI 2014 đã dành cho Bộ 61,52 điểm trong lĩnh vực này. Nhưng qua trao đổi tại lễ công bố, các doanh nghiệp đánh giá công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật của Bộ mới chỉ dừng lại ở bước thông báo, giới thiệu văn bản đến doanh nghiệp, những điểm mới, những điểm đột phá của văn bản mới được ban hành vẫn còn là ẩn số chưa rõ ràng. Thậm chí, qua khảo sát thực tế của Vụ cho thấy, nhiều văn bản mới được ban hành nhưng người dân và doanh nghiệp (thậm chí là một số sở GTVT) không hề biết để triển khai theo đúng quy định. Nguyên nhân một phần là do ý thức pháp luật, một phần do công tác này chưa phát huy được hiệu quả. Điều này dẫn đến thực tế, nhiều doanh nghiệp cảm thấy rất khó khăn khi làm việc với các cơ quan công quyền vì cảm thấy hệ thống pháp luật như một “tấm mạng rối ren”, “động vào đâu cũng sợ mắc”.

Nhìn vào chỉ số tổ chức thi hành pháp luật - một chỉ số cao nhất của Bộ (74,11 điểm) theo kết quả MEI 2014 cho thấy, đây chưa hẳn là niềm tự hào vì chỉ số chất lượng văn bản và chỉ số soạn thảo văn bản chỉ ở mức trung bình mà chỉ số tổ chức thi hành pháp luật lại được ghi nhận ở mức khá là một điều chưa hợp lý. Trao đổi tại Lễ Công bố MEI 2014, các doanh nghiệp lý giải, việc chấm điểm cao này là do sự áp đặt thi hành pháp luật từ phía cơ quan nhà nước, chứ chưa hoàn toàn là do các doanh nghiệp tự nguyện thi hành vì lợi ích của mình.

Nâng cao chất lượng văn bản

Để pháp luật chuyên ngành GTVT thực sự ổn định, có hiệu lực, hiệu quả trong đời sống xã hội, cần rất nhiều công việc phải làm, đặc biệt, cần cải thiện, đôn đốc từ những hành vi rất cụ thể, do đó, theo bà Nga cần tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là công tác có vai trò quan trọng nhất trong quản lý nhà nước. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát tiến độ và chất lượng văn bản tại các các phiên họp của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT hàng tháng; đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch, tương tác công - tư hiệu quả trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL.

Năm 2016, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát các TTHC, các nhóm TTHC để đơn giản hóa; kiểm soát các quy định về TTHC tại các văn bản QPPL; công bố, công khai các TTHC tại các băn bản quy phạm pháp luật được ban hành; thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 134 TTHC cở cấp độ 3, 4. Hiện nay, Bộ GTVT đã có 62 dịch vụ công trực tuyến và 18 dịch vụ ở mức độ 4, trong đó có 12 TTHC tham gia cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

Để nâng cao chất lượng của các văn bản QPPL, đề làm được điều này, trước hết, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực sự quan tâm tới công tác xây dựng các văn bản QPPL, đồng thời, quá trình xây dựng văn bản phải chú trọng tới những yêu cầu như: Không đẩy khó khăn, tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Mọi quy định phải trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện việc kiểm tra, giám sát; phải đảm bảo tính khả thi để đưa chính sách đi vào cuộc sống; điều chỉnh kịp thời, hiệu quả các vấn đề xã hội đặt ra, đảm bảo được sự quản lý thống nhất của nhà nước.

Khi học tập kinh nghiệm của quốc tế phải có chọn lọc và cân nhắc để phù hợp với thực tiễn phát triển, không vì cảm tính hoặc vì lợi ích nhóm mà chỉ chọn một mô hình cụ thể trên thế giới để áp đặt. Mặt khác, cũng cần tạo điều kiện để cán bộ làm công tác pháp luật được học hỏi, nâng cao hiểu biết về kinh nghiệm lập pháp của bạn bè quốc tế.

Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện TTHC, giảm chi phí hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm cuả cơ quan hành chính nhà nước.

Cần quan tâm hơn nữa đố với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường phân bổ nguồn kinh phí cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật từ ngân sách nhà nước hàng năm với trọng tâm: Ưu tiên hàng đầu nguồn kinh phí này để đảm bảo chất lượng của công tác xây dựng, triển khai, theo dõi thi hành pháp luật.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận