Cách mạng hóa giao thông nông thôn nhờ chương trình taxi 2.000 đồng

Giao thông toàn cầu 11/12/2021 11:47

Ý tưởng "Taxi hi vọng" ở tỉnh Seocheon thành công đến mức trở thành hình mẫu, được nhân rộng ra các tỉnh khác, góp phần cách mạng hóa giao thông công cộng vùng nông thôn Hàn Quốc.

skorea_cheap_taxis_2-5
5 hành khách đang chờ chuyến taxi hi vọng

Sáng sớm tinh mơ tại một làng quê hẻo lánh ven bờ biển phía Tây của Hàn Quốc, khung cảnh vẫn rất vắng lặng cho đến khi 5 phụ nữ lớn tuổi từ từ xuất hiện sau màn sương mù. 5 người phụ nữ này đang chờ đợi thứ mà trước đây từng là điều xa xỉ ở vùng quê này: một chiếc taxi chở họ đi mua sắm và khám bệnh ở thị trấn cách đó 20 phút. Hiện giờ, ngay cả người nghèo nhất trong nhóm cũng có thể dễ dàng đi taxi, bởi họ có thể chia nhau giá cước chỉ vài trăm won.

Bà Na Jeong-soon, một người trong nhóm nói: "Đây đúng là món quà trời ban!"

Ngôi làng của 5 người phụ nữ này nằm ở tỉnh Seocheon, nơi khai sinh ra chương trình "Taxi Hi vọng" hay còn gọi là "Taxi 100 won" (2.000 đồng).

Trở lại năm 2013, khi tỉnh Seocheon phải đối mặt với khủng hoảng dân số giảm, khiến cho những tuyến xe buýt ngày càng thưa thớt khách; các tuyến chạy đến vùng sâu vùng sa không có lãi bị hủy bỏ; hàng loạt tài xế xe buýt bỏ việc. Nơi trước kia từng có 3 chuyến xe buýt chạy qua mỗi ngày bỗng dưng chẳng còn chuyến nào, khiến cho những người dân ở vùng sâu vùng xa không còn phương tiện di chuyển và gần như bị cô lập.

Chính quyền tỉnh Seocheon đã đưa ra giải pháp dùng taxi để tiếp cận những khu vực xa xôi, biệt lập, ít người sinh sống, nơi mà chẳng tuyến xe buýt nào chịu phục vụ họ. Taxi chỉ thu cước phí 100 won/chuyến đi ngắn và chính quyền tỉnh sẽ trợ giá phần còn lại. Ngay khi vừa ra mắt, dịch vụ này đã trở nên phổ biến với những người dân sinh sống ở các khu vực cách trạm xe buýt gần nhất hơn 700 m và đặc biệt được đón nhận bởi những người lớn tuổi, thu nhập thấp muốn vào thị trấn để đi chợ. Không lâu sau khi triển khai, với sự hỗ trợ từ chính phủ, giải pháp của Seocheon đã được nhân rộng ra các tỉnh khác, góp phần cách mạng hóa giao thông công cộng ở vùng nông thôn Hàn Quốc.

"Xe taxi chở tôi đến tận cửa nhà. Bạn không thể tưởng tượng nổi ngày xưa mỗi lần đi chợ ở thị trấn về tôi phải đi bộ cả cây số từ bến xe buýt trong khi phải vác một đống đồ đạc lỉnh kỉnh. Đôi chân tôi như tê dại nhưng quanh đây chẳng còn thanh niên nào để giúp đỡ những người già như tôi." - Bà Na nói.

Đại diện chính quyền tỉnh cho biết, việc trợ giá dịch vụ taxi 100 won tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc triển khai cả một tuyến xe buýt trợ giá đến những ngôi làng ít người vùng sâu vùng xa cũng như tiết kiệm chi phí làm đường để đáp ứng tiêu chuẩn của xe buýt. Chương trình taxi 100 won cũng nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ các tài xế địa phương vì nó mang đến nguồn thu nhập cho họ.

skorea_cheap_taxis_1-6

Nhiều năm gần đây, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, khiến tốc độ già hóa dân số tăng nhanh và gây ra áp lực đến mọi khía cạnh xã hội, từ ngân sách phúc lợi, giáo dục đến giao thông công cộng. Tác động của điều này được thể hiện rõ ràng nhất ở hàng nghìn ngôi làng nông thôn hẻo lánh, nơi mà hầu hết thanh niên, trong đó có con của bà Na rời làng đến các thành phố lớn để kiếm sống. Ở ngôi làng Seondong của bà Na, số hộ gia đình trước đây là 25 nhưng giờ đã giảm xuống chỉ còn hơn chục hộ.

Bà Park Kyong-su, 71 tuổi, sống ở làng Suranggol cho biết, việc đi chợ 1-2 lần/tuần bằng taxi đã phá vỡ cuộc sống tẻ nhạt của bà. "Cả làng của tôi có 12 nhà, 3 trong số đó đã bị bỏ hoang. Mỗi khi trời mưa, tôi lại cảm thấy buồn và bị cô lập. Đại dịch khiến việc lên thành phố thăm con, cháu của chúng tôi càng trở nên khó khăn hơn."

Ý kiến của bạn

Bình luận