Các sân bay trên thế giới đối phó với Drone như thế nào?

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/12/2019 05:34

Sau nhiều vụ tai nạn, nhiều sân bay ở Mỹ, Anh hay UAE đã đưa thiết bị bay điều khiển từ xa vào diện phải kiểm soát chặt chẽ.

drone_2
Nhiều khu vực nhạy cảm có quy định cấm bay máy bay không người lái. Ảnh: Getty.

Lái một chiếc drone vào gần sân bay, chỉ cần nghe đã thấy ý tưởng này rất ngớ ngẩn. Thế nhưng thực tế là đã có rất nhiều vụ tai nạn hoặc rắc rối liên quan đến drone ở các sân bay trên thế giới. Gần đây nhất, máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài chiều 16/12 đã suýt va phải vật thể lạ (nghi là flycam) bay ngược chiều.

Trên thế giới, những vụ việc tương tự cũng xảy ra gần những sân bay lớn như Heathrow ở London, Newark ở New York hay Dubai. Cuối năm 2018, vụ việc một chiếc drone ở gần sân bay Gatwick (London) đã khiến gần 1.000 chuyến bay bị hủy trong hơn 1 ngày, gây ảnh hưởng tới 140.000 hành khách.

Làm cách nào ngăn drone đến gần sân bay?

Để ngăn chặn drone tiếp cận sân bay, nhiều nơi đã trang bị giải pháp gọi là hàng rào điện tử. Nói một cách đơn giản, các giải pháp kỹ thuật sẽ khiến cho những chiếc máy bay không người lái không thể đến gần các khu vực nhạy cảm như sân bay.

Tuy nhiên, vấn đề của hàng rào điện tử là hacker có thể dễ dàng vượt qua chúng. Trong trường hợp này, đơn vị an ninh bắt buộc phải bắn hạ chiếc drone nếu cần thiết để ngăn chặn các hành vi nguy hiểm như khủng bố.

Với kích thước tương đối nhỏ và tốc độ rất nhanh, rất khó để bắt kịp những chiếc drone. Theo Sky News, mặc dù có tới 93 người báo cáo đã nhìn thấy chiếc drone, không có thiết bị quay phim nào kịp ghi lại hình ảnh của nó. Những hệ thống radar, vốn được thiết kế để theo dõi những máy bay rất lớn, cũng khó có thể theo dõi được những chiếc drone.

Sân bay Gatwick và Heathrow ở London gần đây đã được trang bị hệ thống chống drone theo tiêu chuẩn quân đội, với chi phí lên tới 6 triệu USD. Hệ thống này bao gồm các cảm biến đặc biệt, đầu quay phim và tầm nhiệt tương thích với những chiếc drone rất nhỏ, cùng với bộ phá sóng.

drone_3
Cuối năm 2018, hàng trăm nghìn hành khách kẹt lại ở sân bay Gatwick, London khi một chiếc drone gây náo loạn hơn 1 ngày. Ảnh: Sky.

Các bộ phá sóng sẽ làm ngắt đường liên lạc giữa người lái và chiếc máy bay. Với các loại drone thương mại, có thông số rõ ràng về tần số điều khiển, bộ phá sóng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, những loại drone cao cấp, được thiết kế cho các nhiệm vụ đặc biệt có thể vượt qua cả bộ phát sóng. Chiếc Skyraider của hãng Aeryon có chế độ "Dark Mode" để giấu thân phận và đường liên lạc với phi công. 

Bắn hạ drone không đơn giản

Trong vụ việc ở Gatwick, cảnh sát đã tính đến phương án bắn hạ chiếc drone. Dù vậy, việc này nói dễ hơn làm. Những trường hợp hạ drone bằng thiết bị đơn giản thường chỉ hiệu quả khi chiếc máy bay đang di chuyển với tốc độ thấp, độ cao dễ tiếp cận. Cảnh sát ở sân bay Gatwick, vốn chỉ được trang bị súng ngắn, khó có thể bắn hạ chiếc drone đang bay rất nhanh.

Theo hướng dẫn bắn hạ drone của quân đội Mỹ, để đảm bảo hiệu quả, cả một trung đội phải bắn súng máy vào một điểm cố định trong quỹ đạo dự tính của chiếc máy bay thì mới có thể hạ gục chiếc drone. Dù vậy, việc nổ súng ở những khu vực đông người như sân bay không đơn giản.

"Việc phát hiện và phản ứng với drone gần sân bay là rất khác nhau. Chúng ta có thể dễ dàng phát hiện chúng, tuy nhiên chưa sẵn sàng cho khâu xử lý sau khi phát hiện", Andrew McQuillan, Giám đốc công ty Crowded Space chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ sân bay khỏi drone chia sẻ.

drone_4
Kể cả khi nhiều người báo cáo nhìn thấy drone, việc phát hiện và phá sóng thiết bị bay này cũng rất khó khăn. Ảnh: Getty.

Các thiết bị phát hiện, theo dõi drone đã được trang bị trong quân đội. Ở vùng Trung Đông, đã có nhiều trường hợp phát hiện và bắn hạ drone. Tuy nhiên xử lý ở một vùng sân bay đông đúc thì sẽ rất khác.

"Chúng tôi đã thử dùng súng bắn, phá sóng radio hoặc các biện pháp khác để xử lý. Mỗi biện pháp đều có những điểm yếu. Chúng ta phải cân bằng giữa việc bắn hạ chiếc máy bay không người lái, và để nó làm cho xong việc nhưng bảo vệ được những người phía dưới. Hiện nay, tôi chưa thấy một giải pháp nào có thể bảo vệ những người xung quanh", ông McQuillan cho biết.

Trong vụ việc ở sân bay Gatwick, cảnh sát Anh cho rằng đây có thể là một hành động từ nội bộ, bởi phi công lái chiếc máy bay này hiểu rất rõ cách hoạt động của sân bay. Những vụ việc như thế này tạo ra quan ngại về những hành động khủng bố tương tự.

"Nhiều năm nay, ISIS đã truyền đi các kiến thức về cách sử dụng drone cho hành động khủng bố từ những khu vực như Iraq hay Syria. Thực tế là không cần phải drone, có nhiều cách khác để gián đoạn hoạt động của một sân bay", ông McQuillan nhận định.

Ông McQuillan cũng chia sẻ một số quốc gia đã yêu cầu người lái drone phải thi bằng lái, đăng ký chứng chỉ trong đó có phần thi luật. Chiếc máy bay cũng phải có "biển số" gắn bên ngoài để nhận biết. Tuy nhiên, thực tế là nhiều người không hề biết về những điều khoản đó trong luật.

"Chúng tôi có những số liệu và bằng chứng để chứng minh rằng những gã ngốc bay drone gần sân bay không biết gì về luật và các quy định hàng không", ông McQuillan cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận