Các hãng hàng không Việt Nam có thể lỗ 4.300 tỷ vì dịch Covid-19

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 27/02/2020 16:17

Sáng 27/2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến lĩnh vực vận tải để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.


8e9bd4bba757d2579495191d9ffd61f4
Tăng cường kiểm soát y tế tại các cảng hàng không

Hàng không, hàng hải, vận tải đường bộ thiệt hại lớn

Dịch Covid-19 đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến mọi mặt của nền kinh tế, làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải của cả 5 lĩnh vực hàng không, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt, đặc biệt là hàng không và đường bộ.

Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết từ cuối tháng 1/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh, tính đến ngày 26/2, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

 “Việc cắt giảm khai thác làm giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đới với hoạt động vận tải của các hãng hàng không đồng thời cũng gây ra những biến động lớn khác như hoạt động về khai thác tàu bay, phi công, tiếp viên, về tài chính, dòng tiền và các bên cung ứng”, ông Thắng cho biết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể tác động làm giảm doanh thu của các hàng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên giảm lợi nhuận khoảng 5.900 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng. Cục Hàng không Việt Nam cũng dự báo thị trưởng vận tải năm 2020 nếu dịch bệnh kiếm soát được trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với 2019 còn trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6%.

20200213_132249-1331
Nhà chờ buýt nhanh BRT trạm Ba La (Hà Đông) "không một bóng người" trong những ngày qua (Ảnh Vũ Thành)

Cũng như lĩnh vực hàng không, kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19, tình hình vận chuyển hành khách, hàng hóa đều bị ảnh hưởng trực tiếp, các tiêu chí về lượt xe (xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, du lịch), sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa doanh thu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch. Theo ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam số lượng xe xuất bến và sản lượng vận chuyển hành khách giảm mạnh trong đó một số tỉnh bị ảnh hưởng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa…Đặc biệt, Khánh Hòa là địa phương có sản lượng vận chuyển khách vận tải du lịch giảm đến 70%.

 “Do ảnh hưởng của của dịch, lượng khách đi lại giảm, nhiều chuyến xe không có khách. Nhiều nhà xe muốn cho xe dừng hoạt động vì lượng khách quá vắng, thu không đủ bù chi phí nhưng lại sợ vi phạm quy định thực hiện dưới 70% số chuyến sẽ bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác tuyến nên vẫn phải duy trì hoạt động, ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả sản xuất của đơn vị. Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức vận tải đường bộ bằng xe ô tô khi có dịch truyền nhiễm”, ông Huyện nhấn mạnh.

Về hàng hải, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về đường sắt, sản lượng hành khách giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp vận tải đối phó tốt với dịch bệnh

Trước những “thua lỗ” nặng nề, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng hiện nay việc áp dụng các chính sách hỗ trợ giảm giá dịch vụ hàng không cho các chuyến bay nội địa và miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giúp các hang hàng không giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay nội địa trong 3 tháng từ 1/3 đến 31/5; miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay 3 tháng như trên. Phương án này dự kiến giúp các hang hàng không giảm tổng chi phí khoảng 1.918 tỷ đồng. Còn phương án thứ hai, áp dụng giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa trong 3 tháng; giảm 50% thuế nhập khẩu, bảo vệ  môi trường với nhiên liệu bay 3 tháng sẽ giúp giảm khoảng 1.061 tỷ đồng cho các hãng”, ông Thắng cho biết. Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét cho các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Còn đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh bến xe và kinh doanh vận tải bằng ô tô, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cơ chế, chính sách cho các đơn vị vận tải, bến xe như giảm lãi xuất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng, cho phép lùi thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

bộ trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19, sáng 27/2.

Chỉ đạo quyết liệt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đơn vị, trong đó đầu mối là Vụ Vận tải phải kịp thời nắm diễn biến dịch gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực của ngành, cập nhật liên tục, nắm số liệu hàng ngày, hàng tuần báo cáo lãnh đạo Bộ để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Đối với các kiến nghị của đơn vị, Bộ trưởng cho biết những đề xuất, kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Bộ thì  quyết ngay trên tinh thần là tất cả vì người dân và doanh nghiệp. Những gì thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành khác, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thì Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị lưu ý số liệu về ảnh hưởng, các số liệu này phải chính xác, cụ thể, không chung chung và đặc biệt là không được thổi phồng gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận