Các giải pháp y tế dự phòng bệnh phổi silic

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 05/12/2019 13:01

Bệnh bụi phổi - silic là tình trạng bệnh lý của phổi do hít thở bụi có chứa silic trong môi trường lao động. Đặc điểm của bệnh là xơ hóa và phát triển các hạt ở hai phổi gây khó thở, về X-quang phổi có hình ảnh tổn thương đặc biệt.

 

MT_1


Bệnh bụi phổi - silic nghề nghiệp là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm hiện nay ở nước ta. Tính đến cuối năm 2011, tổng số bệnh nhân mắc bệnh nghề nghiệp của Việt Nam là 27.246 trường hợp, trong đó bệnh phổi - silic chiếm tới 74,40%.

Thực trạng quản lý sức khỏe người lao động tại doanh nghiệp 

Một thực tế đáng buồn là ngay cả chủ sử dụng lao động cũng như người lao động ở nước ta hiểu biết về bệnh phổi silic còn rất hạn chế, do đó thiếu các biện pháp phòng ngừa ban đầu như kiểm soát sự tạo bụi, sự phân tán, lan tỏa bụi tại nơi làm việc và bảo vệ cơ quan hô hấp. Ngay cả các cơ quan quản lý cũng chưa có ý thức tốt về vấn đề này. Hiện nay, chúng ta vẫn hầu như thiếu luật và thanh tra lao động, cũng như tốn rất nhiều nguồn lực để đối phó với hậu quả của việc tiếp xúc có hại trong nghề nghiệp hơn là để ngăn ngừa.

Trong 2,34 triệu người chết mỗi năm liên quan tới lao động, có khoảng 2,02 triệu trường hợp có nguyên nhân từ bệnh nghề nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 5.500 người chết mỗi ngày. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng ước tính có tới 160 triệu trường hợp mắc mới các bệnh không gây tử vong liên quan tới nghề nghiệp mỗi năm. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa có những biện pháp tuyên truyền, xử lý thật tốt vấn đề này, do vậy bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bụi phổi silic vẫn đang là một trong những vấn đề xã hội khó giải quyết trong tương lai gần.

Trách nhiệm của người lao động

- Khai báo thông tin trung thực về tiền sử bệnh tật, tiếp xúc nghề nghiệp trong quá trình khám sức khỏe; 

- Tham gia khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, các đợt khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kỳ bệnh nghề nghiệp (nếu có) do người sử dụng lao động tổ chức;

- Thực hiện đủ các hướng dẫn, các chỉ định khám và điều trị của bác sỹ sau mỗi lần khám;

- Lưu giữ hồ sơ quản lý sức khỏe trong các trường hợp thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ để làm cơ sở cho việc khám, chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp nếu mắc sau thời gian ngừng tiếp xúc; chuyển hồ sơ quản lý sức khỏe cho cơ quan mới trong trường hợp chuyển cơ quan công tác.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

- Lập, quản lý hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp và lưu giữ trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị, trả hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động khi người lao động chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ;

- Phối hợp với các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp;

- Tạo điều kiện cho người lao động đi điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật;

- Hoàn chỉnh hồ sơ và giới thiệu người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đi khám giám định trong thời gian 20 ngày làm việc sau khi điều trị; điều dưỡng, phục hồi chức năng đối với những bệnh nghề nghiệp có khả năng điều trị hoặc sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với những bệnh không có khả năng điều trị;

- Thực hiện cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định;

- Bố trí sắp xếp vị trí làm việc phù hợp với sức khỏe người lao động;

- Cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp với đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp;

- Báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động…

Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh nghề nghiệp

- Có trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động khi có yêu cầu về: lập kế hoạch và tiến hành khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp theo quy định;

- Tổ chức hội chẩn bệnh nghề nghiệp (nếu cần) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chẩn đoán bệnh nghề nghiệp;

- Tham gia hội đồng giám định y khoa các cấp để giám định bệnh nghề nghiệp (khi có yêu cầu);

- Tổng hợp và báo cáo tình hình khám bệnh nghề nghiệp gửi về sở y tế hoặc y tế Bộ, trước ngày 05/7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10/01 năm sau đối với báo cáo cả năm theo hướng dẫn tại Phụ lục 9 và Phụ lục 12 ban hành kèm theo thông tư này.

Trách nhiệm của sở y tế

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thực hiện công tác khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và tự tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi được quản lý;

- Công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở Y tế, đồng thời gửi Bộ Y tế (Cục Quản lý Môi trường Y tế) danh sách các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép hoạt động trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày cấp phép hoạt động;

- Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép hoạt động;

- Tổng hợp và gửi báo cáo tổng hợp tình hình bệnh nghề nghiệp về Bộ Y tế (Cục Quản lý Môi trường Y tế).

Trách nhiệm của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp;

- Công bố các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép hoạt động trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế;

- Chỉ đạo các viện thuộc y tế dự phòng và các Trường Đại học Y, Đại học Dược xây dựng nội dung, tổ chức đào tạo về bệnh nghề nghiệp;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp

Ý kiến của bạn

Bình luận